Nghe quảng cáo khá hấp dẫn trên mạng internet, do thiếu kiểm chứng nên nhiều người đã “dính bẫy” bởi các “sàn thương mại điện tử”...
Nghe quảng cáo khá hấp dẫn trên mạng internet, do thiếu kiểm chứng nên nhiều người đã “dính bẫy” bởi các “sàn thương mại điện tử”...
Nhân viên một sàn giao dịch thương mại điện tử đang tư vấn, thuyết phục khách hàng. Ảnh: K. Liễu |
Chỉ cần mua một gian hàng giá 6 triệu đồng là trở thành hội viên của một trang web điện tử. Đó là thông tin khá phổ biến khiến cư dân mạng không khỏi tò mò. Trang web này còn cam kết rằng, hội viên sẽ được nhiều ưu đãi khi tham gia mua, bán trên “sàn giao dịch điện tử”. Cụ thể, mức thu nhập có thể đạt từ 10 - 100 triệu đồng/tháng... Với số tiền như “trong mơ” này, rất nhiều người đã bị cuốn hút vào, nhưng sau đó phải “dở khóc, dở cười” vì mất trắng hàng chục triệu đồng.
* Biến tướng của bán hàng đa cấp?
Hiện có nhiều người tự xưng là đại lý của các công ty thương mại điện tử (TMĐT) sẵn sàng tư vấn, tiếp thị trực tiếp; đồng thời chào mời mọi người tham gia vào sàn giao dịch TMĐT của “doanh nghiệp” mình với mức thu nhập cao ngất làm nhiều người hoa mắt. Qua giới thiệu của một người bạn, tôi đã tiếp cận với anh B., tự xưng là hội viên VIP của Công ty TMĐT E. Theo lời B. thì công ty anh có mạng lưới ở khắp các tỉnh, thành. Ở Đồng Nai, trụ sở chính đặt tại đường Võ Thị Sáu, phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa. Ngoài ra, đại lý chân rết được rải đều ở các huyện.
Điều kiện để tham gia sàn giao dịch của anh B., là phải đăng ký mua một gian hàng ảo giá 6 triệu đồng. Người tham gia sẽ được cấp thẻ hội viên, có tài khoản để giao dịch và được cấp mã số để đăng nhập trang web của công ty. Sàn giao dịch TMĐT của công ty E. có giao diện giống như các trang web của chodientu, muaban24.vn. “Hội viên không cần có hàng hóa gì bán cũng được, chỉ yêu cầu giới thiệu nhiều người tham gia bỏ tiền mua gian hàng thì thu nhập của bạn sẽ càng cao”-B. nói. Theo đó, nếu giới thiệu hai người vào hội, bạn sẽ được nhận 1,1 triệu đồng/người. Hai người này được chia thành 2 nhánh, nếu mỗi nhánh có 99 người, nghĩa là 2 nhánh có 198 người thì bạn sẽ được công ty trả 100 triệu đồng tiền thưởng VIP. Ngoài ra, bạn còn nhận được tiền hưởng thêm từ 99 cặp đối xứng (tương đương 320 ngàn đồng/cặp)... Số tiền huê hồng được công ty chuyển trực tiếp vào tài khoản của người giới thiệu. Các thành viên của sàn giao dịch đều có thể xem vị trí, giám sát tài khoản và hệ thống cấp dưới của mình rất dễ dàng do hệ thống gian hàng được sắp xếp giống như cây thư mục.
Thực tế hình thức bán hàng nêu trên gần giống như kiểu bán hàng đa cấp, nhưng khác ở chỗ mục đích của nó không phải là xúc tiến việc mua bán sản phẩm mà là mở rộng thành viên tham gia và hưởng lợi từ việc này. Đây chính là điều khiến nhiều người “dính bẫy”.
* Mất tiền oan uổng
Trong thời gian qua ở Đồng Nai, đã có rất nhiều người mua gian hàng điện tử trên web của công ty này.
Theo Sổ tay pháp luật cạnh tranh (do Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công thương phát hành) thì các hành vi bán hàng đa cấp sau đây được xem là bất chính và bị cấm: - Yêu cầu người tham gia đặt cọc, mua một lượng hàng hóa ban đầu hoặc trả tiền tham gia vào mạng lưới. - Không cam kết mua lại hàng hóa với giá tối thiểu là 90% mức giá đã bán. - Cho hưởng lợi ích kinh tế chủ yếu từ việc dụ dỗ người khác tham gia mạng lưới. - Thông tin sai lệch về hàng hóa và lợi ích khi tham gia bán hàng đa cấp để dụ dỗ người khác tham gia. |
Tìm hiểu từ một số trường hợp, chúng tôi nhận thấy khi tham gia, đa phần lại không sử dụng để bán hàng vì chẳng ai có nhu cầu mở gian hàng, cũng không có hàng hóa để bán, mà chỉ muốn... kiếm tiền. Đơn cử là anh T., một chuyên viên UBND huyện, cho biết: “Trong cơ quan tôi có nhiều người lỡ mua gian hàng điện tử của Công ty E, giờ chẳng biết sử dụng nó vào việc gì. Liên hệ với người giới thiệu để “sang lại” thì họ không đồng ý; muốn đi thưa kiện để đòi lại tiền thì không có đủ chứng cứ để chứng minh là mình bị lừa, đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”... Tương tự, chị D.T.A.T, ngụ tại KP6, phường Tam Hiệp (TP.Biên Hòa) mua của Công ty N.V ở phường Tam Hiệp 3 gian hàng. Khi nộp tiền, nơi đây có ghi phiếu thu tiền nhưng nội dung phiếu thu lại ghi là “phí nâng cấp 3 đại lý chuyên nghiệp” chứ không phải phí bán gian hàng. Do đó, sau này khi biết bị “hố to”, chị T. nhiều lần đề nghị được lấy lại tiền nhưng không được. Để “gỡ” lại vốn, người mua chỉ có cách là... tìm “dụ” người khác tham gia mạng lưới TMĐT này.
Rõ ràng, kiểu hoạt động của “sàn giao dịch điện tử” có điều gì đó chưa thực sự minh bạch nên rất cần cơ quan chức năng xem xét lại. Trong khi đó, yêu cầu đối với các website là phải tập trung nâng cao chất lượng thông tin - một nhu cầu đang phát triển rất sôi động trên cả nước. Mới đây, Cục Thương mại điện tử và công nghệ thông tin (Bộ Công thương) khuyến cáo người tiêu dùng thận trọng khi tham gia vào những website này; đồng thời kêu gọi các cá nhân, tổ chức phản ảnh hoạt động kinh doanh không đúng pháp luật của các doanh nghiệp kinh doanh TMĐT với cơ quan chức năng để có hướng xử lý.
K.Liễu