Cước phí rẻ và an toàn khiến xe buýt lâu nay là phương tiện đi lại của rất nhiều người dân. Tuy nhiên thời gian gần đây, trên một số tuyến xe buýt rộ lên tình trạng trộm cắp diễn ra khá công khai.
Cước phí rẻ và an toàn khiến xe buýt lâu nay là phương tiện đi lại của rất nhiều người dân. Tuy nhiên thời gian gần đây, trên một số tuyến xe buýt rộ lên tình trạng trộm cắp diễn ra khá công khai.
Ngày 23-4, chúng tôi đi tuyến xe buýt số 601, khởi hành tại bến xe Biên Hòa. Quá trình lưu hành, hành khách luôn được tài xế, nhân viên xe nhắc nhở cảnh giác với tình trạng móc túi. Trên xe còn dán những tờ giấy in chữ: “Coi chừng móc túi”. Tuy nhiên, mới tới ngã tư Vũng Tàu, một phụ nữ đã hốt hoảng la bị mất điện thoại. Các nhân viên nghe vậy, cũng đành lắc đầu vì biết chắc rằng kẻ lấy cắp đã xuống trạm cách đó mấy phút.
* Móc túi lộng hành
Hiện tại trên địa bàn tỉnh, có hàng trăm xe buýt lưu hành mỗi ngày. Theo thống kê của Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng Đồng Nai, trong ngày có hơn 400 xe buýt, chạy trên 32 tuyến, suốt từ sáng đến tối.
Nhân viên kiểm tra trước khi xe buýt khởi hành. Ảnh: M. ĐĂNG |
Một số người đã từng là nạn nhân của tình trạng móc túi trên xe buýt cho biết, nhóm “đạo chích” thường xuất hiện với bộ đồ lịch sự, vai đeo túi xách và tay khoác hờ chiếc áo lạnh. Những kẻ móc túi luôn đi theo nhóm từ 2-4 người, trong đó có ít nhất một phụ nữ. Bằng cách tạo ra chen lấn, xô đẩy lúc lên xuống hoặc lợi dụng khi hành khách ngủ, không cảnh giác thì nhóm côn đồ này “trổ nghề” một cách thành thạo. Vật dụng nạn nhân bị mất cắp thường là ví, điện thoại.
Khi lấy được đồ của khách, bọn này chuyền tay nhau, nên dù phát hiện ngay lúc bị mất trộm, nạn nhân cũng khó có thể chỉ rõ đâu là thủ phạm, ngoài việc bắt tận tay. Mỗi phi vụ thực hiện trót lọt, nhóm “đạo chích” liền xuống xe ngay trạm dừng tiếp theo để tốp khác lên và tiếp tục “hành nghề”.
Theo anh L., tài xế tuyến 601 thì gần như ngày nào cũng xuất hiện những tên móc túi, hoạt động vào giờ cao điểm đông khách hoặc các ngày thứ bảy, chủ nhật và ngày lễ. Thực tế, nhiều nhân viên, tài xế xe buýt đều nhẵn mặt những kẻ móc túi, song lại không dám chỉ mặt, nêu tên vì sợ nhóm người này trả thù. Điển hình là cách đây không lâu, một nhân viên xe buýt phát hiện có người bị móc túi, liền đuổi kẻ cắp xuống xe. Vài ngày sau, nhân viên này bị “dằn mặt” bằng một nhát dao vào bụng suýt tử vong, phải nghỉ việc ba tháng để chữa trị. Anh Th., nhân viên xe buýt phân trần: “Lương có mấy đồng mà bị chúng nó hăm dọa, đòi “xử”, lỡ có chuyện gì thì mình và gia đình lãnh đủ”. Chính vì “giữa đường thấy chuyện bất bình… cứ tha” nên tội phạm trở nên liều lĩnh, tổ chức chuyên nghiệp hơn.
* Có xử lý dứt điểm?
Trước sự táo tợn của bọn trộm cắp, nhiều người đi xe buýt cảnh giác. Đã có vụ mất cắp được phát hiện, nhân viên yêu cầu xe ngừng lại, thì kẻ móc túi quẳng ngay tiền để trốn tội. Tiền rơi tràn xuống sàn xe ước chừng lên đến hàng chục triệu đồng. Đấy là trường hợp may mắn vì đa phần những vụ móc túi, nạn nhân chỉ biết được sau khi bọn “đạo chích” đã xuống xe từ lâu. Có lần, một hành khách bắt được tay tên móc túi lấy đồ của mình, liền yêu cầu tài xế chở ngay đến công an để giao nộp. Tuy nhiên, chỉ hai hôm sau tên này lại xuất hiện trên các chuyến xe và dùng lời lẽ giang hồ để hăm dọa những ai dám chỉ điểm, đồng thời lên tiếng thách thức mọi người.
Lời cảnh báo móc túi được dán trên xe buýt. |
Không dừng lại ở đó, nhiều xe buýt đã bị bọn lưu manh ném đá vỡ kính, cả tài xế lẫn nhân viên đều bị chúng lên danh sách sẽ “thịt”, nếu ai dám cản trở đường làm ăn của chúng(?!) Vì thế, mọi người trên xe buýt chỉ biết nhắc nhở nhau cảnh giác hơn để nhóm "đạo chích" không có cơ hội ra tay. Hai năm trở lại đây, trên tất cả xe buýt đều có dán giấy “Coi chừng móc túi” hoặc “Hành khách đi xe buýt cẩn thận tiền bạc, điện thoại để tránh trường hợp bị kẻ gian lấy”. Thế nhưng, những tờ giấy cảnh báo trên xe luôn bị bọn kẻ cắp thừa cơ xé mất.
Bọn móc túi có “lịch” hẳn hoi, chúng thay phiên nhau lên xuống ở các chặng, như: Amata, ngã tư Vũng Tàu… Đối tượng nhắm đến của kẻ cắp, thường là học sinh, sinh viên, công nhân, những người già từ thôn quê đi thăm con cháu. Theo ông Nguyễn Văn Nở, Trưởng phòng Kiểm tra - điều hành Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng Đồng Nai, trung bình có khoảng 40 vụ móc túi xảy ra vào các ngày lễ trên các tuyến xe, khiến hành khách ai cũng lo lắng. Thực ra, tài xế và nhân viên xe buýt đều biết mặt những tên móc túi, nhưng vì chén cơm và sự an toàn nên không thể “chỉ mặt, nêu tên” bọn này được. Giả sử, nếu có bắt được tận tay, thì với số tiền chúng trộm, theo quy định chỉ bị xử phạt hành chính. “Trong thời gian tới, chúng tôi có kế hoạch thu băng lời cảnh báo về nạn móc túi và phát qua loa trên xe buýt để người dân cảnh giác hơn nữa với tình trạng này. Nhưng theo tôi, trước hết người dân phải hết sức cảnh giác, tự bảo quản tài sản của mình và đừng tạo cơ hội cho bọn móc túi ra tay” - ông Nở nói.
Minh Đăng