Do không có đất xây nhà tình thương, UBND phường đã vận động một hộ dân cho mượn đất để xây nhà tình thương cho 3 hộ nghèo trên địa bàn phường. Gần 9 năm sau, chủ đất đòi lại đất, các hộ được cấp nhà tình thương như “đứng trên đống lửa”; còn UBND phường vẫn chưa tìm ra cách giải quyết thấu lý đạt tình.
Do không có đất xây nhà tình thương, UBND phường đã vận động một hộ dân cho mượn đất để xây nhà tình thương cho 3 hộ nghèo trên địa bàn phường. Gần 9 năm sau, chủ đất đòi lại đất, các hộ được cấp nhà tình thương như “đứng trên đống lửa”; còn UBND phường vẫn chưa tìm ra cách giải quyết thấu lý đạt tình.
Vụ việc xảy ra tại phường Tân Tiến, TP.Biên Hòa. Vào năm 2003, UBND phường thực hiện chủ trương xóa nhà tạm trên địa bàn nên đã vận động ông Nguyễn Duy Tấn, ở KP1 cho mượn đất để xây nhà tình thương cho 3 hộ: Nguyễn Văn Đạt, Nguyễn Văn Minh và Nguyễn Văn Bê. Lúc đó, 3 hộ này đã cất nhà ở tạm trên đất của gia đình ông Tấn.
* Cho mượn thì dễ…
Trước sự vận động của UBND phường, ông Tấn đã đồng ý cho phường mượn đất, mỗi hộ 200m2, với điều kiện, các hộ này phải có trách nhiệm bảo quản, giữ gìn khu đất được giao mượn, không được tự ý sang nhượng, chuyển đổi, mở rộng. Khi có nhu cầu sử dụng khu đất này thì ông Tấn sẽ báo trước một năm để các hộ thu xếp chỗ ở và UBND phường thu hồi đất này trả lại cho gia đình ông . Vào ngày 4-8-2003, UBND phường Tân Tiến đã ra quyết định cấp nhà tình thương cho 3 hộ nói trên với trị giá mỗi căn hộ 6 triệu đồng do các công ty, đơn vị đóng trên địa bàn phường tài trợ.
Các hộ dân được cấp nhà tình thương không biết đi đâu khi bị đòi lại đất! |
Gần 9 năm sau, vào ngày 4-3-2012, ông Tấn có thông báo gửi UBND phường yêu cầu UBND phường di dời các hộ nói trên ra khỏi khu đất của ông để ông xây trường học. Trước đó, ông Tấn đã có thỏa thuận hỗ trợ tiền di dời nhưng các hộ dân trên chưa nhất trí nên vẫn chưa di dời. Ông Tấn nói: “Do không thỏa thuận được nên tôi yêu cầu phường trả lại đất cho tôi, vì tôi cho phường mượn đất làm nhà tình thương, nay tôi cần sử dụng thì phải trả lại”.
* Khi đòi lại gặp khó!
Được biết, thời điểm năm 2003, do quỹ đất công không còn nên UBND phường đã vận động ông Tấn cho mượn đất để giải quyết tạm thời khó khăn về chỗ ở cho các hộ dân nói trên. Nay, ông Tấn có thông báo yêu cầu phường trả đất nên phường sẽ mời các hộ dân lên vận động trả lại mặt bằng cho ông Tấn. Mặt khác, 2/3 căn nhà tình thương này đều bị giải tỏa để thực hiện dự án cải tạo suối Săn Máu. Vừa qua, 2 hộ Phạm Văn Do (ở căn nhà tình thương đã cấp cho ông Đạt) và Nguyễn Văn Bê cũng đã nhận tiền đền bù đối với nhà và tài sản trên đất bị giải tỏa. Nếu không di dời, 2 hộ dân này cũng gặp khó khăn trong sinh hoạt do diện tích mỗi căn nhà bị thu hẹp hết gần một nửa.
Ông Trần Văn Tâm, Trưởng KP1 cho biết: “Các hộ này đúng là vẫn còn gặp khó khăn về nhà ở”. Thực tế hiện nay, trong 3 hộ được cấp nhà tình thương thì đã có 2 hộ vượt nghèo nhưng hoàn cảnh vẫn khó khăn. Đơn cử như cả 2 vợ chồng ông Nguyễn Văn Bê bị bệnh câm, điếc và sống bằng nghề lượm ve chai, cuộc sống chỉ đắp đổi qua ngày. Vợ chồng ông Nguyễn Văn Minh vẫn thuộc diện xóa đói giảm nghèo. Ông Minh cũng sống bằng nghề lượm ve chai, lại thường xuyên đau yếu; còn vợ ông Minh rửa chén thuê cho một quán ăn nên thu nhập bấp bênh. Ông Minh nói: “Lúc nhận được căn nhà này, chúng tôi mừng như trúng số. Có căn nhà che mưa che nắng nên cũng ráng làm mà sống. Đến nay, cuộc sống hàng ngày còn thiếu trước hụt sau; nếu phải dọn nhà chuyển đi nơi khác, chúng tôi cũng không biết phải đi đâu và cuộc sống ra sao nữa ”.
Có thể nói, mục đích cơ bản của việc tặng nhà tình thương là giúp người nghèo, gặp khó khăn về nhà ở, có nhà cửa để an cư lạc nghiệp. Việc mượn đất xây nhà tình thương giải quyết tình thế khó khăn tạm thời nhưng xem ra lại tiềm ẩn nhiều rắc rối cho cả người cho mượn đất và người mượn đất. Hiện nay, vấn đề mà 3 hộ dân trên mong đợi là UBND phường Tân Tiến có biện pháp giải quyết làm sao cho thấu lý, đạt tình; mà trong đó, cần xem vấn đề an sinh cho 3 hộ dân nói trên khi phải di dời .
Đặng Ngọc