Báo Đồng Nai điện tử
En

Không thiếu vaccine ngừa viêm não mô cầu

10:02, 03/02/2012

Đó là khẳng định của ông Cao Trọng Ngưỡng, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh trả lời thắc mắc của bạn đọc Báo Đồng Nai về việc hết vaccine ngừa viêm não mô cầu trong những ngày qua.

 

Đó là khẳng định của ông Cao Trọng Ngưỡng, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh trả lời thắc mắc của bạn đọc Báo Đồng Nai về việc hết vaccine ngừa viêm não mô cầu trong những ngày qua.

Ông Ngưỡng cho biết, chỉ trong tháng 1 và những ngày đầu tháng 2-2012, trung tâm đã sử dụng trên 1.000 liều vaccine tiêm ngừa bệnh viêm não mô cầu nhóm A-C và nhóm B-C cho các đối tượng có nhu cầu, chủ yếu là trẻ em. Những ngày trước Tết Nguyên đán, trung tâm còn trên 1.000 liều vaccine ngừa bệnh viêm não mô cầu nhóm B-C và 250 liều nhóm A-C. Tuy nhiên, những ngày sau Tết, nhu cầu tiêm ngừa bệnh viêm não mô cầu tăng cao nên có xảy ra tình trạng thiếu vaccine ngừa bệnh viêm não mô cầu nhóm A-C trong vài ngày; riêng nhóm B-C chỉ còn 170 liều. Đến ngày 2-2, vaccine nhóm A-C đã được chuyển về trung tâm để tiêm ngừa cho những ai có nhu cầu. Do đó, tại thời điểm này, vaccine ngừa bệnh viêm não mô cầu đã có và vẫn đáp ứng nhu cầu của người dân.

Trẻ tiêm ngừa viêm não mô cầu tại Trung tâm y tế dự phòng tỉnh.
Trẻ tiêm ngừa viêm não mô cầu tại Trung tâm y tế dự phòng tỉnh.

* Phóng viên: Xin ông cho biết, hiện nay, có những loại vaccine ngừa viêm não mô cầu nào? Nếu tiêm vaccine ngừa viêm não mô cầu nhóm A-C rồi thì có cần thiết phải tiêm vaccine nhóm B-C nữa không?

- Ông Cao Trọng Ngưỡng: Bệnh viêm não mô cầu do vi trùng não mô cầu (Neisseria meningitidis) gây ra.  Có  nhiều nhóm vi khuẩn gây bệnh viêm não mô cầu nhưng ở Việt Nam thường có 3 nhóm: A, B, C. Theo tôi được biết, các trường hợp bệnh ở các ổ dịch trong các tỉnh, thành phía Nam hiện nay đều do bị nhiễm vi khuẩn gây bệnh não mô cầu nhóm B và C. Trên thị trường hiện có 2 loại vaccine ngừa bệnh viêm não mô cầu nhóm A-C và B-C. Vaccine này không có trong chương trình tiêm chủng mở rộng, mà thuộc loại tiêm ngừa dịch vụ. Nếu có nhu cầu có thể tiêm ngừa 2 loại vaccine này để ngừa bệnh viêm não mô cầu.

* Được biết, bệnh viêm não mô cầu rất khó nhận biết vì triệu chứng ban đầu giống bệnh viêm họng. Vậy ông có thể nói rõ hơn làm sao có thể nhận biết bệnh viêm não mô cầu?

- Vi trùng não mô cầu chỉ tồn tại được trong cơ thể người và trú ở vùng hầu họng. Khi gặp điều kiện như sức khỏe yếu, cơ thể bị nhiễm lạnh sẽ rất dễ nhiễm bệnh. Bệnh lây lan qua đường hô hấp và tiếp xúc trực tiếp với chất dịch hô hấp từ người bệnh, do đó rất dễ bùng phát thành dịch. Bệnh nhân bị viêm não mô cầu sẽ có biểu hiện lâm sàng với các triệu chứng giống như viêm họng: sốt cao, đau cơ, nôn ói… nên người bệnh hay chủ quan. Do đó cần lưu ý, khi có các triệu chứng như trên thì người bệnh nên đến các cơ sở y tế để khám bệnh và điều trị kịp thời. Nếu được phát hiện sớm, bệnh sẽ dễ điều trị, vì vi khuẩn viêm não mô cầu nhạy cảm với nhiều loại kháng sinh.Trong trường hợp sốt cao, xuất huyết dưới da, cứng cổ, nôn ói nhiều ...là bệnh đã chuyển nặng, dẫn đến nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ; nguy cơ tử vong rất cao.

 * Xin ông cho biết, đối tượng nào có nguy cơ mắc bệnh này cao?

- Những đối tượng có nguy cơ nhiễm bệnh cao là công nhân và học sinh. Công nhân do ở trong khu nhà trọ chật chội, điều kiện vệ sinh không đảm bảo sẽ dễ nhiễm bệnh và lây lan nhanh trong công ty, xí nghiệp. Ngoài ra trẻ em và học sinh (những người dưới 16 tuổi) cũng dễ bị nhiễm bệnh khi cơ thể suy yếu, bị nhiễm lạnh. Nếu không được phát hiện điều trị sớm, nguy cơ lây lan bệnh từ các đối tượng này rất cao, vì trường học, nhà máy là nơi tập trung đông đúc. Để phòng ngừa bệnh cần chú ý ăn uống, rèn luyện để nâng cao sức đề kháng; vệ sinh cá nhân và nhà cửa sạch sẽ; tiêm ngừa để phòng chống bệnh; nếu có dấu hiệu sốt cao, nôn ói, xuất huyết dưới da...cần đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.¬¬¬

* Ông có thể cho biết thêm về tình hình phòng chống dịch bệnh viêm não mô cầu trên địa bàn tỉnh?

Hiện nay, trong tỉnh chưa phát hiện trường hợp nào. Tuy nhiên các tỉnh, thành lân cận như TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Phước đã xuất hiện dịch bệnh. Để phòng ngừa dịch bệnh viêm não mô cầu, trung tâm đã tăng cường công tác giám sát, kịp thời phát hiện trường hợp đầu tiên để điều trị, phòng chống bệnh. Trung tâm cũng trang bị và cung cấp đầy đủ hóa chất khử trùng cho các huyện chủ động trong công tác vệ sinh phòng chống dịch bệnh.

* Xin cảm ơn ông.

            Ngọc Thư (thực hiện)

 

 

Tin xem nhiều