Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự (chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2012) có một số điểm mới đáng chú ý, như: thay đổi thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, mở rộng quyền giải quyết của Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân tham gia vào các phiên tòa dân sự…
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự (chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2012) có một số điểm mới đáng chú ý, như: thay đổi thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, mở rộng quyền giải quyết của Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân tham gia vào các phiên tòa dân sự…
* Thay đổi thời hiệu khởi kiện
Theo luật sư Ngô Văn Định, Hội Luật gia tỉnh nhận xét, một trong những sửa đổi, bổ sung quan trọng của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) là việc thay đổi thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS quy định rõ thời hiệu giải quyết từng loại tranh chấp, nhất là tranh chấp về quyền sở hữu tài sản, tranh chấp về đất đai. Cụ thể, theo Khoản 3 Điều 159 Luật sửa đổi, bổ sung đã quy định: Tranh chấp về quyền sở hữu tài sản; tranh chấp về đòi lại tài sản do người khác quản lý, chiếm hữu; tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện.
Luật sư Ngô Văn Định tư vấn pháp luật cho người dân. |
Các tranh chấp không thuộc các trường hợp nêu trên thì thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự là 2 năm, kể từ ngày cá nhân, cơ quan, tổ chức biết được quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm. Riêng những trường hợp pháp luật không có quy định về thời hiệu yêu cầu thì thời hiệu yêu cầu để tòa án giải quyết việc dân sự là một năm kể từ ngày phát sinh quyền yêu cầu (trừ các việc dân sự có liên quan đến quyền dân sự về nhân dân của cá nhân thì không áp dụng thời hiệu yêu cầu).
* Mở rộng thẩm quyền giải quyết của tòa
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS cũng đã bổ sung một số quy định theo hướng mở rộng quyền giải quyết của tòa án trong các vụ việc, vụ án về dân sự. Tại Điều 25 có quy định bổ sung những tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án, như: tranh chấp liên quan đến yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu; tranh chấp liên quan đến tài sản bị cưỡng chế để thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự; tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản, thanh toán phí tổn đăng ký mua tài sản bán đấu giá theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.
Bên cạnh đó, theo Điều 26 về những yêu cầu về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án cũng được bổ sung thêm yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu; yêu cầu xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản, phân chia tài sản chung để thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.
* Viện kiểm sát nhân dân tham gia phiên tòa dân sự
Một trong những điểm mới cơ bản của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS là quy định những trường hợp Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) bắt buộc phải tham gia. Tại khoản 2, khoản 3 Điều 21 quy định: VKSND tham gia các phiên họp sơ thẩm đối với các việc dân sự; các phiên tòa sơ thẩm đối với những vụ án do tòa án tiến hành thu thập chứng cứ hoặc đối tượng tranh chấp là tài sản công, lợi ích công cộng, quyền sử dụng đất, nhà ở hoặc có một bên đương sự là người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất, tâm thần.VKSND phải tham gia phiên tòa, phiên họp phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm. VKSND tham gia phiên tòa, phiên họp phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm.
Ngoài ra, tại Điều 170 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS cũng quy định: VKSND có quyền kiến nghị với Chánh án Tòa án cấp trên trực tiếp xem xét, giải quyết khi phát hiện những vụ việc dân sự tòa án trả lại đơn khởi kiện không đúng với quy định pháp luật. Theo luật sư Ngô Văn Định: “Quy định VKSND tham gia phiên tòa dân có ý nghĩa quan trọng về mặt tố tụng. VKSND thực hiện các quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị theo quy định của pháp luật nhằm bảo đảm cho việc giải quyết vụ việc dân sự kịp thời, đúng pháp luật”
An An