Giữa năm 2008, UBND TP.Biên Hòa chỉ đạo thực hiện thí điểm “Phân loại, thu gom và quản lý chất thải rắn đô thị tại nguồn trên địa bàn 4 phường: Trung Dũng, Hòa Bình, Thanh Bình, Quyết Thắng”.
Giữa năm 2008, UBND TP.Biên Hòa chỉ đạo thực hiện thí điểm “Phân loại, thu gom và quản lý chất thải rắn đô thị tại nguồn trên địa bàn 4 phường: Trung Dũng, Hòa Bình, Thanh Bình, Quyết Thắng”. Theo đó, rác từ các hộ gia đình sẽ được phân ra thành hai loại ngay tại nhà là rác hữu cơ và rác vô cơ. Thế nhưng sau hai năm thực hiện, chương trình này vẫn chưa thật sự thuyết phục nhiều người.
Nhiều người dân vẫn có thói quen dùng chung một thùng rác. Ảnh: Minh Trung
Theo báo cáo đánh giá của Phòng Tài nguyên và môi trường (TNMT), sau hai năm triển khai thí điểm với tổng kinh phí hơn 2,5 tỷ đồng, kết quả thu được của chương trình phân loại, thu gom rác tại nguồn chỉ là thay đổi thói quen phân loại rác và nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường sống ở một bộ phận người dân. Còn lợi ích về kinh tế và môi trường chưa đạt được do không giảm tải được lượng rác chôn lấp.
* Không như mong đợi
Là một trong 4 phường được chọn làm thí điểm chương trình phân loại, thu gom rác tại nguồn, phường Trung Dũng đã khảo sát kết quả thực hiện của 10 hộ dân thì có đến 9 hộ không thực hiện và 1 hộ thực hiện nhưng không đúng. Cũng tương tự như vậy, ở phường Hòa Bình khi khảo sát 15 hộ dân thì có 8 hộ không thực hiện, 4 hộ thực hiện đúng và 3 hộ thực hiện sai. Tính ra, phải có hơn 60% số hộ gia đình không đạt được kết quả mà chương trình đề ra lúc đầu.
Trong thời gian thực hiện thí điểm, lượng rác hữu cơ sau khi được phân loại lại được đem chôn lấp tại bãi rác Trảng Dài nên không sản xuất được phân vi sinh. Tương tự, chất thải vô cơ như giấy, ny-lông, carton… có thể tái chế cũng được chôn lấp chung với chất thải công nghiệp. Mục tiêu tái sử dụng rác như ban đầu đã không đạt được.
Không chỉ vậy, ngay khâu thu gom rác cũng khiến nhiều người dân thắc mắc. Anh Trần Trung Hiếu, ngụ tại 98/3/3A, KP1, phường Quyết Thắng, nói: “Tôi thấy mỗi khi thu gom thì người ta cũng đổ hai thùng rác hữu cơ và vô cơ vào chung một chỗ, như vậy thì phân loại từ nguồn cũng không có ích gì. Khi đổ rác, nhân viên thu gom đập cho rác rơi khỏi thùng nên lâu ngày thùng rác nhà tôi bị hư”.
Không riêng gì anh Hiếu, nhiều hộ dân khác khi nhận thùng rác về thì quá nhỏ so với nhu cầu, nhất là những gia đình có nhiều thành viên hoặc các quán ăn uống. Nhiều người quay lại sử dụng thùng rác trước đây của mình hoặc đem cất đi. Bà Nguyễn Thị Bài, phường Quyết Thắng, đem hai chiếc thùng còn bọc ny-lông mới nguyên nói: “Tui vẫn sử dụng cái thùng cũ của mình, còn hai cái được phát đem cất kỹ, ít khi đụng đến nó”.
Lý giải cho những điểm không đạt được của chương trình, Phó chủ tịch UBND phường Quyết Thắng Lê Ngọc Toàn cho biết: “Khi bắt đầu chương trình, tất cả các gia đình trong phường đều được phát hai thùng rác và túi ny-lông. Sau một thời gian sử dụng thì túi ny-lông không còn nữa. Và người dân lại không được cấp phát thêm. Từ đây dẫn đến việc người dân không còn túi để phân chia rác thành hai loại hữu cơ và vô cơ. Và họ không thể thực hiện nghiêm túc như lúc đầu”.
* Lỗi do đâu?
Con số 46% số hộ thực hiện nghiêm túc chương trình phân loại rác của Phòng TNMT vẫn còn cao so với 20% mà ông Hứa Văn Đạt đại diện phía Xí nghiệp môi trường Biên Hòa đưa ra. Cũng theo ông Đạt, rất nhiều người dân không thực hiện, ước tính bây giờ chỉ còn từ 15-20% số hộ dân còn tham gia chương trình này. Ông Đạt còn cho biết thêm: “Hiện nay vẫn chưa có một biện pháp nào để xử phạt những người không tham gia, hay khen thưởng những người thực hiện một cách nghiêm túc”.
Kế hoạch phân loại rác tại nguồn được tuyên truyền từ tháng 2-2008 đến khi thực hiện chính thức là tháng 3-2009. Nghĩa là phải hơn một năm sau mới đi vào thực hiện nên người dân lúc đầu hào hứng tham gia nhưng về sau mọi người trở nên thờ ơ.
Ông Toàn, Phó chủ tịch UBND phường Quyết Thắng cũng cho biết: “Nhiều người sau một thời gian thực hiện đã quên mất việc phải phân rác thành hai loại khác nhau. Những trường hợp rác hữu cơ bỏ nhầm vào thùng vô cơ là không hiếm. Bên cạnh đó, nhiều hộ dân khi để thùng rác ngoài đường đã bị mất cắp nên dù muốn cũng không thể thực hiện nghiêm túc được”. Ông Toàn cho rằng, nếu chỉ đơn thuần chi tiền và vẫn thực hiện cách làm như ban đầu thì kết quả cũng không cao hơn so với hiện nay bao nhiêu.
Còn ông Hứa Văn Đạt thì nói: “Bên cạnh ý thức người dân kém, sự phối hợp giữa các ban, ngành chưa thật sự ăn ý. Đơn cử như khi vận động người dân thì các đoàn thể của địa phương cũng chưa thật sự vào cuộc”.
Ông Võ Văn Chánh, Phó giám đốc Sở TNMT cho biết, mới đây UBND tỉnh có chỉ đạo sẽ tiếp tục thực hiện chương trình phân loại và thu gom rác tại nguồn cho toàn TP. Biên Hòa đến cuối năm 2012 và sau đó sẽ họp để rút kinh nghiệm, đưa ra những hướng đi thích hợp. “Phải làm từ từ thì người dân mới quen được. Không thể đòi hỏi một lúc có được kết quả như mong muốn. Gần 50% cũng là một con số tạm chấp nhận được nhất là khi người dân còn chưa quen” - ông Chánh nói.
Minh Trung