Nghị định 91/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em sẽ có hiệu lực vào ngày 2-12 tới. Phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với ông Lâm Duy Tín, Phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội xung quanh những vấn đề liên quan đến nội dung của nghị định này.
Nghị định 91/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em sẽ có hiệu lực vào ngày 2-12 tới. Phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với ông Lâm Duy Tín, Phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội xung quanh những vấn đề liên quan đến nội dung của nghị định này.
Ông Lâm Duy Tín.
* PV: Xin ông cho biết những hành vi vi phạm nào thì bị xử phạt và mức phạt là bao nhiêu?
- Ông Lâm Duy Tín: Nghị định 91/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định khá chi tiết về các hành vi thuộc nhiều lĩnh vực: từ việc bạo hành trẻ ở gia đình, việc giám hộ, chăm sóc trẻ tại trường học, cơ sở y tế đến nhóm trẻ lang thang, các loại văn hóa phẩm liên quan...
Cụ thể, mức phạt từ 5 trăm ngàn đến 10 triệu đồng đối với hành vi cản trở, không khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em. Mức phạt trên còn áp dụng xử phạt đối với hành vi cha, mẹ, người giám hộ bỏ rơi trẻ em. Còn nếu đánh đập, hành hạ, ngược đãi trẻ em; lợi dụng trẻ em vì mục đích trục lợi thì sẽ bị phạt từ 1-10 triệu đồng.
Những người lợi dụng, dụ dỗ, ép buộc trẻ em mua, bán, sử dụng văn hóa phẩm kích động bạo lực, đồi trụy, kinh dị; làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, tàng trữ văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em; sản xuất, kinh doanh đồ chơi, trò chơi có hại cho sự phát triển lành mạnh của trẻ em sẽ bị phạt từ 3-20 triệu đồng. Mức phạt này còn áp dụng cho hành vi dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc, khống chế trẻ em đi lang thang; lợi dụng trẻ em lang thang để trục lợi…
Mức phạt cao nhất là 40 triệu đồng được áp dụng đối với hành vi lạm dụng sức lao động trẻ em, sử dụng trẻ em làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với chất độc hại, làm những công việc khác trái với quy định của pháp luật
Ngoài ra, các hành vi như: không bảo đảm an toàn trong sản xuất, kinh doanh, giao thông vận tải dẫn đến tai nạn, thương tích cho trẻ sẽ bị phạt từ 10-20 triệu đồng; cản trở việc học của trẻ sẽ bị phạt tối đa là 10 triệu đồng; xúi giục, kích động trẻ em thù ghét cha, mẹ, người giám hộ hoặc xúi giục, kích động, lừa dối trẻ em xâm phạm thân thể, nhân phẩm, danh dự của người khác: phạt từ 1 triệu đến 7 triệu đồng…
* Như vậy, nếu cha mẹ đánh con chỉ vì muốn răn đe để dạy con tốt hơn thì cũng bị xử phạt?
- Trường hợp cha mẹ đánh con vì mục đích răn dạy con sẽ tùy thuộc vào tính chất và mức độ thương tích của hành vi gây ra đối với trẻ để xem xét có xử lý vi phạm hành chính hay không.
* Cơ quan nào có trách nhiệm xử phạt các hành vi vi phạm, thưa ông?
- Theo quy định thì các cơ quan sau có thẩm quyền xử phạt: Thanh tra Lao động - thương binh và xã hội; Chủ tịch UBND các cấp; công an nhân dân, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, hải quan, cơ quan thuế, quản lý thị trường và thanh tra chuyên ngành khác có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 31, 32, 33, 34, 36, 37, 38 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm hành chính về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em liên quan trực tiếp đến lĩnh vực mình quản lý được quy định tại Nghị định này.
Trong trường hợp vi phạm hành chính quy định tại nghị định này thuộc thẩm quyền xử phạt của nhiều người thì việc xử phạt do người thụ lý đầu tiên thực hiện.
* Số tiền nộp phạt sẽ được dùng vào việc chăm sóc cho trẻ?
- Số tiền nộp phạt của cá nhân, đơn vị vi phạm sẽ được chuyển vào tài khoản của Kho bạc nhà nước.
* Gần đây ở TP.Biên Hòa có xuất hiện nhiều trẻ em đi xin ăn, vậy cơ quan nào chịu trách nhiệm trong việc giải quyết tình trạng này. Theo quy định thì những người vi phạm sẽ bị xử phạt như thế nào?
- Theo quy định tại Quyết định số 885/QĐ-CT-UBT ngày 27-3-2003 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án giải quyết người lang thang xin ăn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai thì khi phát hiện trẻ em lang thang xin ăn, UBND xã phường, thị trấn hoặc công an có trách nhiệm tập trung đối tượng và bàn giao cho cơ quan lao động địa phương. Số điện thoại đường dây nóng: 0613.894262 của Phòng hỗ trợ xã hội ban đầu của Trung tâm Huấn nghệ cô nhi Biên Hòa, trực thuộc Sở Lao động - thương binh và xã hội Đồng Nai
Theo quy định tại khoản 2, Điều 13 của Nghị định 91/2011/NĐ-CP thì những người có các hành vi: Tổ chức, bắt trẻ em đi xin ăn; cho thuê, cho mượn trẻ em hoặc sử dụng trẻ em để xin ăn thì bị xử phạt tiền từ 5-10 triệu đồng. Ngoài ra còn phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả, như: buộc cá nhân, tổ chức nộp lại số tiền có được do thực hiện hành vi vi phạm; hoặc buộc cá nhân, tổ chức chịu mọi chi phí để đưa trẻ em trở về với gia đình, gia đình thay thế hoặc cơ sở trợ giúp trẻ em do thực hiện hành vi vi phạm.
* Xin cảm ơn ông!
Kim Liễu (thực hiện)