Vừa qua, một số cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã tổ chức tập huấn Luật Tố tụng hành chính (TTHC) cho các cán bộ, công chức. Luật TTHC có nhiều điểm mới so với Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính như: người dân được lựa chọn khi khởi kiện vụ án hành chính; mở rộng thẩm quyền xét xử của tòa án; sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai…
Vừa qua, một số cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã tổ chức tập huấn Luật Tố tụng hành chính (TTHC) cho các cán bộ, công chức. Luật TTHC có nhiều điểm mới so với Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính như: người dân được lựa chọn khi khởi kiện vụ án hành chính; mở rộng thẩm quyền xét xử của tòa án; sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai…
* Quy định rõ hơn về quyết định hành chính
Một trong những điểm mới của Luật TTHC là quy định cụ thể thế nào là quyết định hành chính (HC), thế nào là đối tượng khởi kiện vụ án HC tại Tòa.
Tòa án nhân dân tỉnh tổ chức tập huấn Luật Tố tụng hành chính cho cán bộ công chức trong ngành.
Trước đây, theo quy định của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án HC (sau đây gọi tắt là pháp lệnh) thì quyết định HC là quyết định bằng văn bản của cơ quan HC nhà nước hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan HC nhà nước được áp dụng một lần đối với một, hoặc một số đối tượng cụ thể trong hoạt động quản lý HC nhà nước. Các văn bản thể hiện dưới hình thức khác như: kết luận, thông báo, công văn…thì không được coi là quyết định HC và không thuộc đối tượng khởi kiện vụ án HC.
Luật TTHC đã khắc phục tồn tại nêu trên và làm rõ hơn khái niệm quyết định HC: “là văn bản do cơ quan HC nhà nước, cơ quan, tổ chức khác hoặc người có thẩm quyền trong các cơ quan, tổ chức đó ban hành, quyết định về một vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý HC được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể”. Quyết định HC thuộc đối tượng khởi kiện để yêu cầu tòa án giải quyết vụ án HC, là văn bản được thể hiện dưới hình thức quyết định hoặc dưới hình thức khác như: thông báo, kết luận, công văn…
* Mở rộng thẩm quyền xét xử của tòa án
Một điểm đổi mới quan trọng của Luật TTHC so với Pháp lệnh là mở rộng thẩm quyền xét xử của tòa án đối với các khiếu kiện HC. Theo Điều 28, Luật TTHC quy định, những khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo hướng loại trừ.
Cụ thể, tòa án có thẩm quyền giải quyết các khiếu kiện sau: khiếu kiện các quyết định HC, hành vi HC (trừ các quyết định HC, hành vi HC thuộc phạm vi bí mật nhà nước hoặc mang tính chất nội bộ của cơ quan, nhà nước); khiếu kiện về danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội, danh sách cử tri bầu cử đại biểu HĐND; khiếu kiện quyết định buộc thôi việc công chức giữ chức vụ từ Tổng cục trưởng và tương đương trở xuống; khiếu kiện quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh.
* Người dân được lựa chọn việc khiếu nại
Một điểm mới đáng chú ý của Luật TTHC là quy định: cá nhân, cơ quan, tổ chức nếu không đồng ý với quyết định HC, hành vi HC thì có quyền khởi kiện vụ án HC ra tòa án, không đặt ra điều kiện phải khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu rồi mới có quyền khởi kiện ra tòa án như quy định của pháp lệnh trước đây. Thời hiệu khởi kiện đối với quyết định HC, hành vi HC, quyết định kỷ luật buộc thôi việc là 1 năm, kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định HC, hành vi HC, quyết định kỷ luật buộc thôi việc.
Quy định nêu trên nhằm dành cho người khởi kiện quyền tự do lựa chọn khiếu nại tại cơ quan HC hay khởi kiện vụ án tại tòa án mà không bắt buộc phải qua thủ tục khiếu nại trước khi khởi kiện. Quy định này được coi là bước đổi mới căn bản về điều kiện, cơ chế khiếu kiện HC ở nước ta.
* Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật đất đai
Luật TTHC có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2011, có 18 chương và 265 điều, quy định những nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hành chính; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng; quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan; trình tự, thủ tục khởi kiện, giải quyết vụ án hành chính…
Ngoài những điểm mới trên thì Luật TTHC đã có một số điều sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai để bảo đảm tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật. Luật TTHC đã sửa đổi, bổ sung Khoản 2, Điều 36 Luật Đất đai. Cụ thể, những tranh chấp về quyền sử dụng đất (QSDĐ) mà đương sự không có giấy chứng nhận QSDĐ hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai được giải quyết như sau: trường hợp chủ tịch UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh giải quyết mà một bên hoặc các bên đương sự không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giải quyết hoặc khởi kiện theo quy định của Luật TTHC. Trong trường hợp chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giải quyết mà một bên hoặc các bên đương sự không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường hoặc khởi kiện theo quy định của Luật TTHC.
Luật TTHC cũng sửa đổi, bổ sung Điều 138 của Luật Đất đai. Cụ thể như sau: người sử dụng đất có quyền khiếu nại quyết định HC hoặc hành vi HC về quản lý đất đai. Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại quyết định HC, hành vi HC về đất đai thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại. Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu kiện quyết định HC, hành vi HC về đất đai thực hiện theo quy định của Luật TTHC.
An An