Ông Nguyễn Xuân Cộng, ngụ tại ấp 2, xã Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu khiếu nại, ông và một số hộ dân đã được UBND huyện Thống Nhất (nay là UBND huyện Trảng Bom) cấp đất nằm trên trục đường 767 thuộc Lâm trường Thống Nhất cũ (nay thuộc ấp Sông Mây, xã Bắc Sơn) nhưng đến nay vẫn chưa được nhận đất để sử dụng.
Ông Nguyễn Xuân Cộng, ngụ tại ấp 2, xã Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu khiếu nại, ông và một số hộ dân đã được UBND huyện Thống Nhất (nay là UBND huyện Trảng Bom) cấp đất nằm trên trục đường 767 thuộc Lâm trường Thống Nhất cũ (nay thuộc ấp Sông Mây, xã Bắc Sơn) nhưng đến nay vẫn chưa được nhận đất để sử dụng.
* Có quyết định giao đất nhưng không có đất!
Liên hệ với UBND huyện Trảng Bom, chúng tôi được biết, ngày 15-7-1994, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1604/QĐ-UBT về việc chấp thuận cho Lâm trường Thống Nhất chuyển mục đích sử dụng trên 14 hécta đất trồng rừng để quy hoạch đất ở cấp cho cán bộ, công nhân viên. Vào năm 1995, xét đề nghị của Lâm trường Thống Nhất, UBND huyện Thống Nhất đã ban hành các Quyết định giao quyền sử dụng đất (QSDĐ) ở cho 16 hộ dân, với diện tích theo quy hoạch là 256m2/lô/hộ. Trong đó, đã có 14 hộ thực hiện nghĩa vụ tài chính, bao gồm cả hộ ông Nguyễn Xuân Cộng. Thế nhưng, khi ban hành quyết định giao đất, UBND huyện đã không thực hiện quy trình thủ tục giao nhận đất ở tại thực địa. Các hộ được giao đất ở cũng không sử dụng được vì đất bị ông Trần Văn Huân sử dụng. Do đó, các hộ này chỉ được cấp đất trên giấy tờ, chứ chưa được nhận đất.
Ông Trần Văn Huân đã xây nhà cửa ken dày trên khu đất UBND huyện Thống Nhất cũ cấp cho 16 hộ dân.
Được biết, nguồn gốc sử dụng đất của ông Trần Văn Huân là do Trạm trồng rừng Thống Nhất (nay là Xí nghiệp nguyên liệu giấy Đông Nam bộ) quản lý sử dụng theo Quyết định 176/QĐ-UBH (Quyết định 176) ngày 17-12-1985 của UBND huyện Thống Nhất cũ. Theo Quyết định 176, UBND huyện giao 2.415 hécta đất tại xã Bắc Sơn và Hố Nai 3 cho Trạm trồng rừng Thống Nhất để trồng rừng. Tuy nhiên, sau khi có quyết định giao đất, các đơn vị liên quan đã không tiến hành đo đạc phân ranh, cắm mốc giới thực địa nên không quản lý được hết phần diện tích đất được giao. Nhiều diện tích đất trồng rừng đã bị lấn chiếm và mua bán bằng giấy tay. Trong đó có trường hợp ông Trần Văn Huân mua đất bằng giấy tay từ năm 1990.
* Chờ đến bao giờ?
Theo văn bản số 120/BC-UBND ngày 4-7-2007 của UBND huyện Trảng Bom thì, do việc lấn chiếm đất của ông Huân trước đây giải quyết không triệt để, kịp thời, để dây dưa kéo dài, dẫn đến tình trạng xây cất, cơi nới nhà cửa trải đều cả khu đất (thuộc thửa đất số 71, tờ bản đồ số 11 có diện tích 4.000m2). Để đảm bảo ổn định tình hình ở địa phương, UBND huyện đã đề nghị UBND tỉnh cho phép huyện thu hồi và giao đất ở, tái định cư tại chỗ đối với hộ ông Huân, trên cơ sở xem xét từng trường hợp cụ thể theo quy hoạch phân lô đã lập và phải thực hiện nghĩa vụ tài chính, nộp tiền sử dụng đất 100% theo giá tại thời điểm giao đất.
Thanh tra tỉnh cho biết, mới đây UBND tỉnh đã thống nhất với đề xuất của Thanh tra tỉnh về tình hình quản lý, sử dụng đất của Xí nghiệp nguyên liệu giấy Đông Nam bộ (nay thuộc Tập đoàn giấy Tân Mai) theo Quyết định 176/QĐ-UBH ngày 17-12-1985 của UBND huyện Thống Nhất cũ. Theo đó, Tập đoàn giấy Tân Mai sẽ kiểm tra lại toàn bộ diện tích đất rừng đang quản lý, sử dụng để Sở Tài nguyên-môi trường cấp giấy chứng nhận QSDĐ. Riêng phần diện tích Xí nghiệp nguyên liệu giấy Đông Nam bộ không có nhu cầu sử dụng và cũng không đủ khả năng quản lý sẽ lập hồ sơ thu hồi đất trình UBND tỉnh thu hồi giao cho địa phương quản lý.
Riêng các trường hợp đã được UBND huyện Thống Nhất cũ giao đất ở đã thực hiện nghĩa vụ tài chính vào các năm 2005 và 2007, Phòng Tài nguyên-môi trường huyện Trảng Bom đã có văn bản đề nghị UBND huyện xem xét cho ý kiến chỉ đạo lập thủ tục hoán đổi đất ở cho các hộ này tại khu tái định cư xã Bắc Sơn và thị trấn Trảng Bom, theo diện tích lô đất đã được quy hoạch. Đồng thời, giao vị trí đất ở phải tính toán chênh lệch giá giao đất để thu tiền bổ sung. Tuy nhiên, đến nay, các hộ dân này vẫn chưa được giải quyết nhận đất hoán đổi nên tiếp tục khiếu nại.
Theo UBND huyện Trảng Bom, hiện nay huyện vẫn còn chờ ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh liên quan đến tình hình quản lý, sử dụng đất của Xí nghiệp nguyên liệu giấy Đông Nam bộ theo Quyết định 176. Sau đó, UBND huyện sẽ xem xét, giải quyết việc cấp đất cho từng trường hợp cụ thể.
Đặng Ngọc