Mấy tuần nay, trên các con đường của TP.Biên Hòa có nhiều người chạy xe máy chở những giỏ trái thị vàng ươm đi bán dạo... Dường như xe bán thị dừng ở nơi nào là cả góc phố ở đó cũng thơm lừng!
Mấy tuần nay, trên các con đường của TP.Biên Hòa có nhiều người chạy xe máy chở những giỏ trái thị vàng ươm đi bán dạo... Dường như xe bán thị dừng ở nơi nào là cả góc phố ở đó cũng thơm lừng!
Có khi không cần đọc dòng chữ “Thị thơm cô Tấm” trên tấm bảng treo ở phía sau xe bán thị, nhiều người đi đường cũng biết ngay đó là trái thị, bởi mùi thơm rất đặc trưng của loại trái này. Nhiều người khi nhìn thấy xe thị có lỡ chạy xe vụt qua cũng ngoái lại nhìn, có người còn quay đầu xe dừng lại để mua và ngắm nhìn những trái thị có màu vàng uơm trông bắt mắt.
Sự xuất hiện hiếm hoi của trái thị đã thu hút sự chú ý của nhiều người đi đường. Ảnh: K.PHA |
Nâng niu trái thị trên tay, em Nguyễn Ngọc Bích, học sinh trường THPT Ngô Quyền cứ dùng tay xoa xoa trái thị: “Trước giờ em chỉ biết tới quả thị qua câu chuyện cổ tích Tấm Cám chứ chưa nhìn thấy bao giờ”.
Dừng lại mua thị, có nhiều người, nhất là những người sinh ra và lớn lên ở thành phố cho biết, đây là lần đầu tiên nhìn thấy trái thị. Chị Phương, nhà ở phường Trung Dũng quyết định mua 1kg thị, để: “Đem về cho con gái biết trái thị ra sao, chứ mỗi lần cháu hỏi về trái thị, mình chỉ biết tả trái thị theo truyện, theo sách thôi, chứ mẹ còn chưa biết trái thị ra sao huống hồ gì con. Ở thành phố, muốn mua trái gì thì cứ ra siêu thị, chợ, cửa hàng là có đầy đủ các loại từ trái cây nội, ngoại nhập…Vậy mà nhiều lúc muốn mua một trái thị thôn quê tìm đỏ cả mắt chưa chắc đã có”.
Đưa trái thị lên miệng cắn một cái, chị Huyền, nhà ở phường Thống Nhất nhăn mặt thất vọng: “Chát quá, đúng là phải làm theo lời của bà cụ trong truyện cô Tấm, chỉ dành để ngửi chứ không ăn!”. Đối với ông Lê Văn Luyện, ở phường Quyết Thắng, thì trái thị thu hút sự chú ý của ông bởi nó gợi nhớ về tuổi thơ. Ông kể: “Quê tôi ở Long An. Ngày xưa còn nhỏ mỗi lần bà đi chợ sắp nhỏ tụi tôi cứ trông quà, thường là một vài trái thị thơm. Loại trái này muốn ăn ngon phải để thật chín và ngửi khi nào chán rồi mới bóc ra ăn mới thấy ngon”.
Do gắn liền với câu chuyện cổ tích Tấm Cám nên sự xuất hiện hiếm hoi của trái thị giữa thành phố Biên Hòa đã tạo sự chú ý của nhiều người. Mỗi người bị cuốn hút bởi một lý do khác nhau, nhưng phần đông đều xuất phát từ sự tò mò, muốn thưởng thức loại trái cây “cổ tích” này. Đây cũng là lý do mà các xe bán thị luôn có đông người ghé lại mua. Tuy bán đắt hàng nhưng những người bán thị lại than là lời không nhiều, thậm chí có lúc còn lỗ vốn, vì trái thị rất mau bị hư, úng. Một anh bán thị dạo cho biết: “Mỗi ngày chạy quanh TP.Biên Hòa, tôi bán được gần 90kg thị, giá 50 ngàn đồng/kg. Tuy bán giá gấp đôi giá mua tại vườn, nhưng cũng không lời nhiều, do thị phải bán hết trong ngày chứ để qua hôm sau là bị dập úng, trông hết ngon. Theo những người bán thị, cho biết, trái thị họ bán có xuất xứ từ miền Bắc nhưng có người lại nói lấy thị ở Tây Ninh…và “Bán thị vui hơn bán những loại trái cây khác, bởi người mua thường ít trả giá, ai ghé mua cũng cười nói vui vẻ nên người bán cũng thấy vui lây”- một người bán thị bộc bạch.
Kim Pha