Ngày 7-9-2011, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 55/2011/QĐ-UBND quy định về tổ chức và hoạt động của Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Đồng Nai (QLCLNLS&TS). Để bạn đọc hiểu rõ hơn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan này, phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với Thạc sĩ Nguyễn Hữu Danh, Chi cục trưởng Chi cục QLCLNLS&TS...
Ngày 7-9-2011, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 55/2011/QĐ-UBND quy định về tổ chức và hoạt động của Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Đồng Nai (QLCLNLS&TS). Để bạn đọc hiểu rõ hơn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan này, phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với Thạc sĩ Nguyễn Hữu Danh, Chi cục trưởng Chi cục QLCLNLS&TS...
Ông Nguyễn Hữu Danh. Ảnh: K.Liễu
* Phóng viên: Xin ông cho biết, theo quy định thì Chi cục có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể như thế nào?
- Ông Nguyễn Hữu Danh: Chi cục QLCLNLS&TS được thành lập từ tháng 10-2010, là tổ chức trực thuộc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN - PTNT) chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và hoạt động của sở; đồng thời chịu sự hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Cục QLCLNLS&TS. Do Chi cục có chức năng quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm thực phẩm nên cần sự phân định rõ về chức năng, nhiệm vụ để tránh sự trùng lặp với các đơn vị trong ngành, như: Chi cục Thú y, Chi cục Bảo vệ thực vật, Chi cục Thủy sản và các cơ quan khác, như: Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng... Cụ thể, Chi cục sẽ tham mưu cho Sở NN - PTNT và UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đối với nông, lâm, thủy sản và muối trong quá trình sản xuất đến khi thực phẩm được đưa ra thị trường. Chi cục sẽ chủ trì phối hợp với các tổ chức liên quan để triển khai công tác quản lý, như: kiểm tra chứng nhận chất lượng VSATTP đối với các cơ sở sản xuất - kinh doanh nông, lâm, thủy sản trước khi đưa sản phẩm ra thị trường theo phân cấp; truy xuất nguyên nhân các sản phẩm nông, lâm, thủy sản tiêu thụ trên địa bàn không đảm bảo chất lượng VSATTP; giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về chất lượng sản phẩm hàng hóa và điều kiện đảm bảo VSATTP nông, lâm, thủy sản và muối theo quy định của pháp luật...
* Vậy, ông có thể cho biết, những nhóm ngành hàng nào thuộc đối tượng quản lý của ngành nông nghiệp nói chung và Chi cục nói riêng?
- Theo Luật An toàn thực phẩm, có 10 nhóm ngành hàng thuộc sự quản lý của ngành và Chi cục, gồm: ngũ cốc, thịt và các sản phẩm từ thịt; thủy sản và các sản phẩm thủy sản; rau, củ, quả và các sản phẩm từ rau, củ, quả; trứng và các sản phẩm từ trứng; sữa tươi nguyên liệu; mật ong và các sản phẩm từ mật ong; thực phẩm biến đổi gen; muối; các nông sản thực phẩm khác theo quy định.
* Nhưng thực tế, tình hình ATVSTP đối với các sản phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh hiện nay như thế nào, thưa ông?
- Tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm trong cả nước nói chung và của Đồng Nai nói riêng đang có những dấu hiệu phức tạp, tạo nhiều lo lắng, bức xúc cho người dân. Nhiều người tiêu dùng lo lắng không biết lựa chọn thế nào để mua được thực phẩm an toàn... Chính vì vậy, sự ra đời của Chi cục là hết sức cần thiết, đánh dấu bước đổi mới về phương thức quản lý ATVSTP từ quản lý chất lượng sản phẩm sang quản lý điều kiện của quá trình sản xuất; từ kiểm tra chất lượng thành phẩm sang kiểm soát chất lượng trong suốt quá trình sản xuất. Chẳng hạn, trước đây phương pháp quản lý truyền thống là quản lý chất lượng dựa trên hoạt động KCS (kiểm tra chất lượng sản phẩm cuối cùng), nên có nguy cơ sai sót cao (do tính không đồng nhất của lô hàng), chất lượng khó đảm bảo. Còn phương pháp hiện đại là quản lý theo quá trình áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất, như: VietGAP (thực hành sản xuất tốt); HACCP (hệ thống quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm dựa trên phân tích mối nguy và kiểm soát các điểm kiểm soát tới hạn); GMP (những quy định, những hoạt động cần tuân thủ để đạt được yêu cầu chất lượng); ISO (hệ thống quản lý chất lượng), trong đó mọi yếu tố chủ yếu ảnh hưởng tới chất lượng trong toàn bộ quá trình từ đầu vào đến đầu ra đều được tiêu chuẩn hóa...
Dây chuyền sản xuất gà công nghiệp Công ty D&F. (Ảnh có tính chất minh họa). Ảnh: P.D
* Như vậy, về mặt tổ chức, sắp tới Chi cục sẽ hoạt động ra sao, thưa ông?
- Do mới thành lập nên bước đầu Chi cục chưa được trang bị đầy đủ phương tiện vật chất kỹ thuật để hoạt động. Hiện tại, tỉnh chỉ mới thành lập văn phòng chi cục cấp tỉnh, chưa có chân rết ở các địa phương, nên trước mắt, chúng tôi chú trọng triển khai công tác tuyên truyền (như phát tờ rơi, thông qua hệ thống phát thanh tại xã, tổ chức tuyên truyền ở 33 xã điểm, tập huấn nhằm nâng cao nhận thức của các cán bộ quản lý của ngành nông nghiệp, thú y, bảo vệ thực vật, thủy sản…) cũng như khuyến cáo người tiêu dùng về vấn đề an toàn thực phẩm. Ngoài ra, Chi cục sẽ tổ chức các lớp tập huấn cho các cán bộ phòng kinh tế, nông nghiệp cấp huyện về phương pháp kiểm tra các cơ sở sản xuất - kinh doanh và đánh giá phân loại cơ sở sản xuất - kinh doanh vật tư nông nghiệp và các sản phẩm nông, lâm, thủy sản theo Thông tư 14/2011/TT-BNNPTNT. Đồng thời, kiến nghị thành lập các đoàn kiểm tra nhằm nắm rõ tình hình sản xuất - kinh doanh 10 nhóm hàng thuộc ngành nông nghiệp quản lý, từ đó đề xuất cơ quan nhà nước ban hành cách quản lý hiệu quả.
* Xin cảm ơn ông!
K.Liễu (thực hiện)