Ngày 30-5-2011, Công ty TNHH sản xuất xích chuyên dùng Việt Nam chính thức tuyên bố phá sản, khiến cả trăm công nhân lao đao vì không được trả lương và giải quyết các chế độ theo quy định.
Ngày 30-5-2011, Công ty TNHH sản xuất xích chuyên dùng Việt Nam chính thức tuyên bố phá sản, khiến cả trăm công nhân lao đao vì không được trả lương và giải quyết các chế độ theo quy định.
* Tổng giám đốc bỏ rơi công nhân!
Công ty TNHH sản xuất xích chuyên dùng Việt Nam (gọi tắt là Công ty xích chuyên dùng) thành lập và đi vào hoạt động sản xuất từ năm 1996 tại Khu công nghiệp Biên Hòa 2, chuyên sản xuất các loại xích truyền động dùng cho công nghiệp, xích xe đạp, xe máy và các phụ kiện xích... Đây là công ty có vốn đầu tư 100% của Đài Loan, tổng giám đốc là ông Chen Wei Fang. Hiện ông Chen Wei Fang đã rời khỏi Việt Nam và ủy quyền cho 2 nhân viên là ông Lê Văn Bá, luật sư đại diện và bà Vương Quế Nhi, trợ lý tổng giám đốc, thay mặt công ty đứng ra làm thủ tục phá sản.
Trụ sở Công ty xích chuyên dùng tại KCN Biên Hòa 2.
Theo phản ảnh của một số công nhân, vào ngày 30-3, công ty ngừng sản xuất và cho toàn bộ công nhân nghỉ việc, hưởng 70% lương cơ bản. Công ty mới thanh toán tiền lương tháng 3 và vẫn còn nợ công nhân tiền lương tháng 4, tháng 5. Công ty đã nhiều lần hẹn trả lương cho công nhân và tới ngày hẹn, công nhân đến nhưng công ty không chi trả lương và không cho vào cổng. Đến ngày 30-5, công ty dán thông báo ở cổng bảo vệ với nội dung: “Công ty không đủ khả năng chi trả các khoản cho công nhân, tuyên bố chính thức phá sản”.
Trao đổi với một số công nhân của công ty chúng tôi được biết, công ty còn nợ họ 2 tháng tiền lương và chưa giải quyết các chế độ: bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội (BHXH), thâm niên... Do đó, đời sống công nhân rơi vào tình trạng khó khăn suốt nhiều tháng qua. Mặc dù hiện nay, một số người cũng đã xin được việc làm mới, nhưng do không có quyết định thôi việc của công ty cũ, cũng như không được chốt sổ BHXH nên ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi hiện tại của họ tại công ty mới. Trong khi đó, từ khi Công ty xích chuyên dùng chính thức tuyên bố phá sản đến nay đã gần 4 tháng, nhưng quyền lợi của các công nhân vẫn chưa được giải quyết.
* Thẩm quyền giải quyết của tòa án
Liên hệ với Ban quản lý các khu công nghiệp (KCN) chúng tôi được biết, vào tháng 6-2011, đại diện cho công ty đã gửi thông báo ngưng hoạt động đến Ban quản lý các KCN với lý do gặp khó khăn, không khắc phục được. Theo báo cáo của công ty, tổng tài sản hiện có của đơn vị khoảng 20 tỷ nhưng tổng công nợ lên đến trên 53 tỷ đồng và gần 1,9 triệu USD. Trong đó, nợ người lao động (tổng số 136 nhân viên) gần 1,6 tỷ đồng (lương tháng 4, tháng 5 và trợ cấp thôi việc). Số còn lại là nợ các cơ quan như: BHXH, thuế, phí công đoàn; khách hàng, ngân hàng…
Ngày 3-8, Tòa án nhân dân tỉnh đã thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của Công ty TNHH-SX xích chuyên dùng Việt Nam. TAND tỉnh đang yêu cầu phía công ty bổ sung một số hồ sơ theo đúng quy định để ra quyết định mở thủ tục phá sản đối với công ty này.
Được biết, vào ngày 27-6-2011, người đại diện của công ty đã có văn bản gửi UBND tỉnh kiến nghị bán một phần tài sản không thế chấp và phế liệu để giải quyết chế độ cho người lao động, nợ thuế nhà nước. UBND tỉnh đã chuyển văn bản này cho Ban quản lý các KCN tham mưu giải quyết. Ngày 11-7-2011, Ban quản lý các KCN đã có văn bản trả lời kiến nghị nói trên của Công ty xích chuyên dùng tại thời điểm này là không phù hợp.
Bởi lẽ, theo Ban quản lý các KCN, Công ty TNHH xích chuyên dùng đã được chủ đầu tư xác định rơi vào tình trạng phá sản và ngày 25-5-2011, công ty đã ủy quyền cho ông Lê Văn Bá liên hệ với TAND có thẩm quyền để lập thủ tục yêu cầu phá sản đối với công ty. Do đó, người được ủy quyền cần liên hệ với TAND có thẩm quyền để được hướng dẫn nộp đơn phá sản và thành lập tổ thanh lý, quản lý tài sản để làm nhiệm vụ quản lý, thanh lý tài sản doanh nghiệp. Theo quy định tại Điều 37, Luật Phá sản về thứ tự phân chia tài sản doanh nghiệp phá sản, các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, BHXH, quyền lợi khác theo thỏa ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết là khoản được ưu tiên thanh toán trước các khoản khác.
Chị Võ Thị Vân, có thâm niên 12 năm làm công nhân tại công ty này kiến nghị: “Chúng tôi rất mong UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng vào cuộc để xử lý nhanh chóng sự việc, nhất là sớm giải quyết tiền lương và các chế độ khác mà chúng tôi được hưởng”.
Đặng Ngọc