Mặc dù bà Nguyễn Thị Hồng, ngụ tại ấp Tân Hợp, xã Bàu Hàm, huyện Trảng Bom đã thi hành xong bản án của tòa, nhưng tên bà vẫn còn nằm trong danh sách “án đang thi hành dở dang” của cơ quan thi hành án, nên bà không thể chuyển nhượng được thửa đất của mình...
Mặc dù bà Nguyễn Thị Hồng, ngụ tại ấp Tân Hợp, xã Bàu Hàm, huyện Trảng Bom đã thi hành xong bản án của tòa, nhưng tên bà vẫn còn nằm trong danh sách “án đang thi hành dở dang” của cơ quan thi hành án, nên bà không thể chuyển nhượng được thửa đất của mình...
Thửa đất bà Hồng đã được cấp giấy chứng nhận QSDĐ nhưng không sang nhượng được! Ảnh: K. LIễu |
Theo bản án số 61/2006/HNGĐ-PT ngày 26-10-2006 do Tòa án nhân dân tỉnh tuyên khi xét xử về việc ly hôn giữa bà Nguyễn Thị Hồng với ông Thòng A Lộc cùng trú tại số nhà 10/3, ấp Tân Hợp, xã Bàu Hàm (huyện Trảng Bom) thì bà Hồng được quyền sử dụng diện tích 493m2 đất trị giá hơn 79 triệu đồng, còn ông Lộc được quyền sở hữu một căn nhà, diện tích 31,6m2 (tọa lạc trên phần đất còn lại của thửa 459), trị giá hơn 12 triệu đồng. Ngoài ra, tòa còn quyết định bà Hồng phải thanh toán chênh lệch tài sản cho ông Lộc số tiền 41.346.000 đồng.
Vô cớ “mất quyền” sử dụng đất?
Sau khi bản án có hiệu lực, ông Lộc không có đơn yêu cầu thi hành bản án nêu trên và phía bà Hồng cũng không tự nguyện thi hành án (THA). Mãi đến ngày 19-4-2010 bà Hồng có đơn gửi Cơ quan THA dân sự huyện Trảng Bom xin được THA. Trên cơ sở đơn của bà Hồng, cơ quan THA huyện đã ban hành quyết định THA số 131/QĐ-THA và ngày 13-5-2010 ông Lộc đã đến cơ quan THA nhận đủ số tiền chênh lệch tài sản theo quyết định của bản án.
Sau đó, bà Hồng làm các thủ tục xin đăng ký kê khai đất và được UBND huyện Trảng Bom cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng 493m2 đất đã được chia. Thế nhưng, khi bà Hồng ra UBND xã Bàu Hàm để làm thủ tục chuyển nhượng lại quyền sử dụng thửa đất nêu trên thì không được UBND xã đồng ý xác nhận với lý do bà Hồng có tên trong danh sách “án đang thi hành dở dang” do cơ quan THA huyện gửi. Bà Hồng sau đó đã gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan chức năng cho rằng, THA đã làm sai luật và khi bà liên hệ yêu cầu giải thích thì một cán bộ của cơ quan THA lại yêu cầu bà đưa thêm 50 triệu đồng thì mới được sang nhượng đất cho người khác.
Căn cứ theo Luật…
Ngày 12-7-2011, THA dân sự huyện Trảng Bom đã ra Quyết định số 15/QĐ-GQKNTHA bác nội dung khiếu nại của bà Hồng vì cho là không có cơ sở để giải quyết. Đồng thời, yêu cầu bà Hồng phải thanh toán tiếp số tiền chênh lệch tương ứng giá trị tài sản tại thời điểm cho ông Thòng A Lộc. Không đồng ý với quyết định trên, bà Hồng đã tiếp tục khiếu nại.
Ông Võ Hoàng, Trưởng THA huyện Trảng Bom cho biết: “Việc yêu cầu bà Hồng phải thanh toán tiếp số tiền chênh lệch là do ngày 25-5-2010 ông Lộc có đơn đề nghị định giá lại tài sản với lý do có thay đổi giá trị tài sản tại thời điểm thanh toán. Dựa theo hướng dẫn về nghiệp vụ THA của Cục THA dân sự tỉnh, chúng tôi đã tiến hành các thủ tục định giá lại tài sản và yêu cầu bà Hồng phải thanh toán cho ông Lộc giá trị tài sản chênh lệch (căn cứ theo Điều 59 và 98 của Luật THA dân sự năm 2008). Sau khi định giá xong, chúng tôi có mời hai bên lên để thương lượng, nhưng ông Lộc đã không đến, còn bà Hồng thì có đơn khiếu nại nên vụ việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm”.
Có hay không việc xác định sai "đối tượng"?
Theo luật sư Vòng Kiềng, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật, Hội luật gia tỉnh thì: “Việc bà Hồng không chịu thanh toán số tiền chênh lệch tại thời điểm THA là có cơ sở pháp lý. Bởi, trong bản án tòa đã nêu rõ, kể từ ngày ông Lộc có đơn thi hành án, nếu bà Hồng chưa thanh toán số tiền trên thì phải chịu lãi suất nợ quá hạn do Ngân hàng nhà nước quy định tương ứng với thời gian và số tiền chưa THA. Như vậy, “đối tượng” phải THA ở đây là tiền nhưng cơ quan THA lại xác định là tài sản và đi tính chênh lệch giá đất là chưa thỏa đáng. Bên cạnh đó, bản án trên đã được thi hành xong, vì ông Lộc đã nhận tiền và bà Hồng cũng đã được cấp giấy chứng nhận QSDĐ. Như vậy, bà Hồng có quyền chuyển nhượng đất”.
Một thẩm phán của Tòa án nhân dân tỉnh nhận định: “Theo nguyên tắc thì cơ quan của THA chỉ thi hành các quyết định bản án có hiệu lực pháp luật của tòa án đã tuyên. Nếu trong quá trình THA, nhận thấy bản án có điều gì chưa rõ thì yêu cầu cơ quan ban hành bản án đó giải thích. Cơ quan THA không thi hành những điều mà bản án không tuyên. Việc cơ quan THA huyện Trảng Bom vận dụng điều 59, điều 98 của luật THA năm 2008 vào trường hợp nêu trên là chưa đúng. Bởi điều luật này đề cập đến việc phân chia tài sản trong khi đó tại bản án tòa đã phân chia tài sản rõ ràng và tòa chỉ tuyên buộc bà Hồng thanh toán bằng tiền cho ông Lộc và bà Hồng cũng đã thi hành xong trách nhiệm của mình”.