Do không được coi sóc, bảo quản trong một thời gian dài cả trăm năm, cộng với việc sử dụng không đúng mục đích và cải tạo không phù hợp… nên hiện tại công trình Thành Biên Hòa đang xuống cấp trầm trọng…
Do không được coi sóc, bảo quản trong một thời gian dài cả trăm năm, cộng với việc sử dụng không đúng mục đích và cải tạo không phù hợp… nên hiện tại công trình Thành Biên Hòa đang xuống cấp trầm trọng…
Ngày 21-8-2008, UBND tỉnh đã ban hành quyết định công nhận di tích Thành Biên Hòa là di tích lịch sử cấp tỉnh. Đồng thời, ngày 21-8-2009, UBND tỉnh cũng đã có văn bản chấp thuận chủ chương cho Sở Văn hóa, thể thao và du lịch thực hiện trùng tu tôn tạo di tích lịch sử Thành Biên Hòa. Tuy nhiên, đến nay việc trùng tu vẫn chưa được tiến hành.
* Xót xa thành cổ…
Hiện hữu Thành Biên Hòa được bao quanh bởi hệ thống tường thành bằng đá ong, gạch thẻ, gạch vồ tô vôi vữa. Tổng diện tích tường thành dài khoảng 288,5m gồm 4 bức tường, bên trong còn lại hai ngôi biệt thự, 2 lô cốt, nhưng phần lớn đang trong tình trạng bị xuống cấp trầm trọng. Các bức tường hầu như đã bị nứt và bong tróc, nhiều chỗ bị ẩm mốc. Rễ cây cổ thụ đã ăn xuyên qua tường làm nứt tường. Nhiều chỗ trên tường nhà cổ bị rễ cây ăn xuyên qua làm nứt mạch xây, tách vữa trát. Sàn gạch bị bong tróc, có nơi sàn bị thủng. Còn giàn mái cũng như các cửa trên mái lấy gió, ống khói hầu như đã hư hỏng nặng, dẫn đến tình trạng thấm dột trầm trọng. Các cửa tầng áp mái đã mất cánh tạo chỗ cho dơi, chim, chuột sinh sống… Ngoài ra, hệ thống tường có nhiều đoạn đã bị sập đổ, cổng thành đã mất… Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do Thành Biên Hòa không được coi sóc, bảo quản trong một thời gian dài cả trăm năm cộng với việc sử dụng không đúng mục đích và cải tạo không phù hợp… Theo thẩm định của cơ quan chức năng thì mức độ tổn thất của tường thành là 70%, còn nội thất trang thiết bị của nhà cổ phía tây đã bị tổn thất hoàn toàn, thang và cửa hỏng 90%...
Di tích nhà cổ phía Tây tại Thành Biên Hòa. Ảnh: P.DẪU
Tại buổi hội thảo khoa học về Thành Biên Hòa, các nhà nghiên cứu đã nhận định đây là một công trình mang nhiều ý nghĩa. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu thì: “Thành Biên Hòa là một di sản hiếm có, mang nhiều ý nghĩa lịch sử - văn hóa - quốc phòng của dân tộc”. Còn nhà nghiên cứu Nguyễn Yên Tri thì cho rằng: “Thành Biên Hòa là một chứng tích lịch sử quan trọng về nhiều mặt, chưa từng được nghiên cứu, thám sát kỹ càng. Riêng về ngôi thành và những người liên quan có thể viết thành một cuốn sách đồ sộ”. PGS.TS Nguyễn Phan Quang thì cho rằng: “Thành Biên Hòa là một di tích lịch sử, văn hóa quan trọng, độc đáo, một thành trì văn hóa có ý nghĩa giáo dục truyền thống và phát huy các giá trị di sản văn hóa”… Các nhà nghiên cứu đều khẳng định việc trùng tu di tích Thành Biên Hòa hiện nay là hết sức cần thiết…
* Chờ đến bao giờ?
Sau khi được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh, Thành Biên Hòa được giao cho Ban quản lý di tích - danh thắng Đồng Nai trực tiếp quản lý và lập dự án trùng tu, tôn tạo di tích từ cuối năm 2009. Tuy nhiên, đến thời điểm này dự án vẫn chưa được triển khai thực hiện. Theo ông Lê Trí Dũng, Giám đốc Ban quản lý di tích - danh thắng, sở dĩ dự án tiến hành chậm là vướng quy hoạch chung, công việc thu thập, phân tích thông tin từ các nguồn tư liệu lịch sử, khảo cổ, nhân vật lịch sử, thám sát khảo cổ học… để nhận diện công trình đòi hỏi nhiều thời gian. Theo kế hoạch thực hiện dự án thì khoảng thời gian từ 2009 đến tháng 8-2011 sẽ hoàn thành việc khảo sát lập dự án, thiết kế. Dự kiến thời gian thi công là 2 năm (từ đầu 2012-2014). Thành Biên Hòa sẽ được tu bổ một cách toàn diện, đồng thời giữ gìn các thành tố gốc, đảm bảo tính chân xác, độ bền vững, tính mỹ quan của công trình. “Trong tháng 7 này, chúng tôi sẽ phục dựng lại mô hình cổng thành và để ngay phía trước khu di tích Thành Biên Hòa để trưng cầu ý kiến của người dân” - ông Dũng nói.
Một trong 2 lô cốt còn lại của Thành Biên Hòa đang bị dây leo vây kín.
Theo quy hoạch tổng thể thì sau khi được trùng tu, tôn tạo, tổng thể khu di tích Thành Biên Hòa sẽ được chia làm 6 khu vực chức năng. Ngoài khu bảo tồn (gồm các công trình: Nhà cổ hướng tây, nhà cổ hướng đông, cổng và hệ thống tường thành), sẽ có thêm khu cây xanh - cảnh quan và dịch vụ văn hóa; khu hoạt động văn hóa ngoài trời; khu hạ tầng kỹ thuật. Được biết, trong thời gian chờ đợi thực hiện dự án trùng tu, ban quản lý có thực hiện một số biện pháp bảo vệ hiện trạng công trình, chống xuống cấp. Tuy nhiên, đó chỉ là những biện pháp mang tính “chữa cháy” tạm thời, bởi nếu không được trùng tu sớm thì mức độ tổn thất của thành ngày càng tăng...
Thành Biên Hòa hiện tồn tại trên khu đất bằng phẳng có diện tích hơn 10.000 m2, thuộc KP2, phường Quang Vinh, TP.Biên Hòa. Theo thư tịch cổ thế kỷ XIV-XV, Thành Biên Hòa có tên là Thành Cựu, nhân dân thường gọi là Thành cổ. Vào thời Nguyễn (thế kỷ XIX), thành được xây dựng lại trên nền Thành Cựu, có mở rộng hơn, với tên gọi Thành Biên Hòa. Sau khi chiếm Biên Hòa, vào tháng 12-1861, quân đội Pháp đã tiến hành xây dựng lại, thu gọn chu vi thành còn 1/8 so với trước và người dân gọi là thành “Săn đá” - thành lính (phiên âm từ chữ Soldat tiếng Pháp nghĩa là “ Lính”). Buổi sáng, lính thường sử dụng kèn báo thức, âm thanh vang cả một vùng nên dân địa phương còn gọi là Thành Kèn. Ngoài ra, Pháp còn cho xây dựng thêm một số hạng mục bên trong thành như tòa biệt thự tây bắc (3 tầng), nhà biệt thự phía đông nam (2 tầng) dành cho sĩ quan ở và làm việc. |
K.Liễu