Cùng một vụ việc tranh chấp nhưng lại được tòa án nhân dân 2 cấp xét xử đến 4 lần. Theo đó, người vay nợ thì không hề gì, mà người “lỡ”ký tên bảo lãnh lại bị mất nhà vì phải trả nợ thay…
Cùng một vụ việc tranh chấp nhưng lại được tòa án nhân dân 2 cấp xét xử đến 4 lần. Theo đó, người vay nợ thì không hề gì, mà người “lỡ”ký tên bảo lãnh lại bị mất nhà vì phải trả nợ thay…
Bà Nguyễn Thị Thắng, cư ngụ tại phường Tân Tiến, TP.Biên Hòa và bà Vũ Thị Hồng Nhung, cư ngụ tại phường Tân Mai vốn có mối quan hệ họ hàng (bà Nhung là vợ của cậu ruột bà Thắng). Hai mợ cháu rất thân thiết nên khi bà Nhung cho vợ chồng bà Mát vay tiền, bà Thắng đã không ngần ngại ký tên bảo lãnh vào giấy biên nhận để cho bà Nhung yên tâm… Bà Thắng đâu ngờ vì việc này, bà không chỉ “hầu tòa” nhiều lần, mà còn phải gánh một khoản nợ kếch xù…
* Lãnh nợ vì thương mợ
Ngày 30-11-2005, bà Thắng có giới thiệu vợ chồng bà Nguyễn Thị Mát, cư ngụ tại ấp Bùi Chu, xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom vay của bà Nhung 500 triệu đồng. Hai bên có viết giấy biên nhận vay tiền, trong đó có thỏa thuận vào ngày 30 hàng tháng sẽ trả tiền lãi theo lãi suất ngân hàng và vào tháng 10-2006 vợ chồng bà Mát sẽ hoàn trả hết số tiền gốc cho bà Nhung. Đồng thời, trong giấy biên nhận còn có chữ viết và chữ ký của ông Nguyễn Văn Ẩn với tư cách là người làm chứng, nội dung: “Trường hợp anh chị Mát gặp khó khăn, tôi cùng chịu trách nhiệm hoàn trả số tiền trên cho chị Nhung”. Còn bà Thắng thì viết: “Tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm lo số tiền lãi suất ngân hàng… Nếu họ không hoàn trả, tôi chịu trách nhiệm trước cậu mợ”. Chính vì những dòng chữ này mà bà Thắng bị liên đới trách nhiệm trong chuyện vay mượn nợ giữa các bên. Theo phán quyết của tòa các cấp thì có bản án buộc bà Thắng phải chịu trách nhiệm trả nợ chung với bà Mát, nhưng có bản án thì phán quyết bà Thắng phải trả nợ cho bà Nhung thay cho vợ chồng bà Mát…
Bà Thắng cho rằng: “Tòa các cấp đã xét xử chưa thỏa đáng bởi tôi không có quyền lợi gì. Do mợ cứ nài nỉ viết giùm mấy chữ để khỏi bị cậu la rầy, và do thương mợ Nhung nên tôi đã viết và ký tên vào giấy biên nhận chịu trách nhiệm trước cậu mợ, để giờ đây phải lâm vào cảnh khốn đốn, nhà thì sắp bị thi hành án còn hạnh phúc gia đình tan nát. Trong khi vợ chồng bà Mát là người thiếu nợ, lại có tài sản để trả nợ nhưng mợ lại không đòi…”.
* Tòa 2 cấp xét xử đến 4 lần…
Được biết, sau khi vay tiền của bà Nhung, vợ chồng bà Mát chỉ trả cho bà Nhung được 8 tháng tiền lãi rồi không trả nữa. Vì vậy bà Nhung đã khởi kiện vợ chồng bà Mát và bà Thắng tại Tòa án nhân dân (TAND) huyện Trảng Bom. Tại đây, tòa án đã tuyên buộc bà Thắng trách nhiệm liên đới cùng vợ chồng bà Mát trả nợ cho bà Nhung với số tiền hơn 700 triệu đồng (theo bản án số 89/2008/DS-ST, ngày 30-7-2008). Sau đó, bà Thắng kháng án, và tại phiên phúc thẩm, TAND tỉnh xử hủy bản án nêu trên vì cho rằng tòa sơ thẩm đã xử sai cơ bản về mặt tố tụng và chuyển hồ sơ về TAND huyện Trảng Bom để giải quyết lại theo thủ tục chung (bản án số 242/2008/DS-PT ngày 26-9-2008).
Trong khi TAND huyện Trảng Bom chưa xét xử lại thì TAND TP.Biên Hòa lại mở phiên xét xử sơ thẩm vụ việc trên do bà Nhung có đơn khởi kiện. Lần này, bà Nhung chỉ kiện yêu cầu một mình bà Thắng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, không kiện vợ chồng bà Mát và ông Ẩn. Tòa tuyên xử bà Thắng phải trả cho bà Nhung số tiền hơn 600 triệu đồng (bản án số 376/2009/DS-ST ngày 28-9-2009). Không đồng ý với bản án của tòa, bà Thắng kháng án và TAND tỉnh đã mở phiên xét xử lại. Theo đó, tòa đã tuyên giữ nguyên án sơ thẩm, dành quyền khởi kiện cho bà Thắng đối với vợ chồng bà Mát bằng một vụ kiện khác khi bà Thắng có yêu cầu (bản án số 24/2010/DS-PT ngày 29-1-2011).
* … Nhưng chưa thỏa đáng!?
Hiện bà Thắng đã có đơn kháng cáo gửi TAND tối cao. Tuy nhiên, trong thời gian chờ tòa tối cao thụ lý vụ việc, thì Thi hành án dân dự TP.Biên Hòa đã tiến hành thi hành bản án nêu trên và đã ra quyết định cưỡng chế đối với căn nhà của vợ chồng bà Thắng để thi hành án. Trước sự việc trên, bà Thắng đã gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan chức năng đề nghị can thiệp. Theo bà Thắng thì: “Tòa các cấp đã xét xử như vậy là quá thiệt thòi cho tôi, bởi vợ chồng bà Mát đâu phải không có thiện chí và khả năng trả nợ”.
Những bức xúc của bà Thắng không phải là không có cơ sở. Bởi, theo nhận định của Luật sư Nguyễn Đức, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh, thì: “Vụ việc của bà Thắng có nhiều vấn đề cần phải được làm rõ, như: Tại giấy biên nhận nợ thì người cho vay nợ là Nguyễn Thị Nhung, còn tại các hồ sơ của vụ án thì nguyên đơn là Vũ Thị Hồng Nhung. Giữa Nguyễn Thị Nhung và Vũ Thị Hồng Nhung có phải là một người hay không thì chưa được làm rõ. Bên cạnh đó, trong biên bản hòa giải ngày 5-3-2008 tại TAND huyện Trảng Bom thì bà Mát và ông Ẩn đều cho rằng bà Thắng không liên quan đến việc vay nợ và bà Mát - ông Ẩn sẽ có trách nhiệm trả nợ. Nội dung này đều đã được làm rõ tại các cấp tòa, thế nhưng cuối cùng thì người không vay tiền là bà Thắng lại phải trả nợ!?”. Lẽ nào bà Thắng phải chịu mất nhà một cách oan ức? Thiết nghĩ, các cơ quan thẩm quyền nên xem xét lại vụ việc trên để giải quyết sao cho thấu tình đạt lý.
Kim Liễu