Báo Đồng Nai điện tử
En

Ðể không còn khoảng cách công chứng tư và công chứng nhà nước

09:07, 18/07/2011

Hơn một năm trước, khi các văn phòng công chứng (VPCC) đầu tiên đi vào hoạt động, nhiều người đến đây công chứng vẫn còn rất e dè vì nghi ngại tính pháp lý của công chứng tư. Thế nhưng hiện nay, người dân đã quen dần với các VPCC này...

Hơn một năm trước, khi các văn phòng công chứng (VPCC) đầu tiên đi vào hoạt động, nhiều người đến đây công chứng vẫn còn rất e dè vì nghi ngại tính pháp lý của công chứng tư. Thế nhưng hiện nay, người dân đã quen dần với các VPCC này...

* Nhanh chóng và thuận lợi

Anh Lê Trọng Kiên, nhân viên tín dụng của Ngân hàng Sài Gòn thương tín chi nhánh Ðồng Nai cho biết: “Tôi thường dẫn khách hàng đi công chứng để làm thủ tục thế chấp vay vốn. Trước đây, tôi luôn khổ sở khi phải xếp hàng chờ đợi tại các phòng công chứng nhưng từ khi các VPCC đi vào hoạt động tôi không còn căng thẳng khi đi công chứng nữa. Vì VPCC tư cũng giải quyết đúng thủ tục pháp lý, lệ phí giống phòng công chứng nhà nước. Hơn nữa, các VPCC hướng dẫn rất nhiệt tình, giải quyết nhanh chóng, không mất thời gian chờ đợi nên rất thuận lợi cho công việc của tôi”.

Công chứng viên Lê Thị Tâm ( đứng) hướng dẫn thủ tục công chứng cho người dân.  Ảnh: Ð.Ngọc
Công chứng viên Lê Thị Tâm ( đứng) hướng dẫn thủ tục công chứng cho người dân. Ảnh: Ð.Ngọc

 

Các VPCC ra đời theo Luật Công chứng với mô hình công ty tư nhân. Theo đánh giá của Sở Tư pháp, sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, các VPCC đã giảm được tình trạng quá tải trong việc công chứng hợp đồng, giao dịch ở các Phòng công chứng nhà nước, UBND cấp huyện và UBND xã, phường. Các VPCC đã đảm bảo việc tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ, giải quyết công việc, thu lệ phí và hoàn trả hồ sơ đúng thời gian quy định, đáp ứng kịp thời các yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch của các tổ chức và cá nhân; từng bước tạo niềm tin cho người dân, xóa dần sự phân biệt giữa công chứng nhà nước và công chứng tư.

* Những hạn chế, khó khăn

Ðể quản lý lĩnh vực này, thời gian qua, cứ định kỳ 6 tháng một lần, Sở Tư pháp đã tiến hành kiểm tra hoạt động của các VPCC trên địa bàn. Qua các đợt kiểm tra cho thấy các VPCC còn một số hạn chế trong việc thực hiện Luật Công chứng. Cụ thể như: một số VPCC chưa thực hiện niêm yết thủ tục công chứng, nội quy tiếp người yêu cầu công chứng; một số lời chứng của công chứng viên trong hợp đồng còn thiếu một số nội dung quy định. Có VPCC thực hiện công chứng hợp đồng ngoài trụ sở của văn phòng không đúng đối tượng và điều kiện theo quy định. Hầu hết các VPCC chưa thu phí công chứng đúng theo quy định đối với hợp đồng giao dịch liên quan đến việc chuyển nhượng, cho tặng, QSDÐ, quyền sở hữu nhà ở, đất ở. Phần lớn thu phí theo giá trị tài sản mà khách hàng khai, thông thường thấp hơn khung giá quy định của Nhà nước.

Theo một số công chứng viên ở TP.Biên Hòa, một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay là thiếu trang thông tin cung cấp các tài sản bị ngăn chặn; khó kiểm soát những tài sản bị kê biên, tranh chấp. Ðồng thời, hiện nay cũng chưa có một hệ thống thông tin dữ liệu giữa các phòng công chứng, VPCC đối với các tài sản là động sản và bất động sản; nhằm tránh tình trạng một tài sản được giao dịch nhiều lần.

Một trong những khó khăn nữa là các cơ quan thi hành án (THA) trên địa bàn không gửi các văn bản về việc ngăn chặn tài sản cho tổ chức hành nghề công chứng. Công chứng viên Lê Thị Tâm, VPCC Lê Tâm cho biết: “Khi thành lập tôi đã gửi thông báo thành lập đến các cơ quan THA. Tuy nhiên, đến nay, tôi không nhận được văn bản nào về những tài sản cần ngăn chặn từ các cơ quan THA. Khi tôi thắc mắc thì nhiều cơ quan THA nói, nếu cần thì phải làm văn bản kiến nghị. Theo tôi trách nhiệm của các cơ quan THA là phải gửi tài sản cần ngăn chặn đến các VPCC để ngăn chặn kịp thời, đảm bảo quyền lợi của người dân”.

Ðể an toàn trong việc công chứng, hiện nay, các VPCC vẫn đang phải tự “bơi” để xác minh tài sản giao dịch có bị tranh chấp, kê biên hay không bằng việc liên hệ trực tiếp với các cơ quan chức năng như văn phòng đăng ký QSDÐ, cơ quan THA… Ðồng thời, khi công chứng những hợp đồng liên quan đến bất động sản, VPCC yêu cầu khách hàng phải cung cấp đơn xin xác nhận QSDÐ đủ điều kiện giao dịch đã được chính quyền địa phương chứng thực không có tranh chấp, kê biên.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 19 tổ chức hành nghề công chứng (Phòng công chứng và VPCC). Trong đó có 4 phòng công chứng và 15 VPCC. TP.Biên Hòa là địa phương có nhiều VPCC nhất (7 VPCC). Tại các huyện, thị xã có từ 1 - 2 VPCC. Riêng huyện Cẩm Mỹ chưa có VPCC. Sau 1 năm đi vào hoạt động, 15 VPCC đã công chứng được 15.468 trường hợp; tổng số phí công chứng thu được trên 6,4 tỷ đồng. Trong khi đó 4 phòng công chứng đã công chứng cho 12.840 trường hợp, lệ phí thu được trên 5,2 tỷ đồng.

 

 

 

 

 

 

Ðặng Ngọc


 

 

 

 

Tin xem nhiều