Báo Đồng Nai điện tử
En

Đặt cống thoát nước, gây xói lở đất của dân!

10:07, 13/07/2011

Khi mưa lớn, nước chảy xối xả từ vị trí cống ngang tại Km12+357 quốc lộ 51, xã Tam Phước (TP.Biên Hòa), “biến” đất đai của một số hộ dân ở phía hạ lưu thành... suối!

Khi mưa lớn, nước chảy xối xả từ vị trí cống ngang tại Km12+357 quốc lộ 51, xã Tam Phước (TP.Biên Hòa), “biến” đất đai của một số hộ dân ở phía hạ lưu thành... suối!

* Đất “biến” thành suối!

Khu đất của bà Lâm Kim Anh, ngụ tại số 315, ấp Long Khánh 3, xã Tam Phước bị ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất. Nguyên nhân là do cống thoát nước ngang QL51 chảy trực tiếp vào khu đất của bà, gây xói mòn, sạt lở và tạo thành một dòng chảy như một con suối dài trên 200m, rộng khoảng 3-5m, sâu khoảng 3m. Trong khi đó, phần đất 2,5 hécta của bà Kim Anh đã được UBND huyện Long Thành cấp giấy chứng nhận QSDĐ vào năm 1997.

Sạt lở đất, đổ cây ăn trái trên đất của bà Nguyễn Thị Mai.
Sạt lở đất, đổ cây ăn trái trên đất của bà Nguyễn Thị Mai.

Theo khảo sát thực tế của Phòng quản lý đô thị TP.Biên Hòa, UBND xã Tam Phước và chủ đầu tư là Công ty CP Phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (BVEC) vào ngày 25-11-2010 cho thấy: trước đây, tại km12+357 có 1 cống ngang Þ1.000 hiện hữu, thoát nước với lưu lượng nhỏ, nguồn nước không tập trung nên nước thoát tự nhiên, trong đó có 1 phần nước chảy vào đất bà Kim Anh nhưng không đáng kể (do đất của nhà bà thấp hơn mặt đường). Tuy nhiên, do thi công cải tạo QL51 đã thay đổi khẩu độ cống thoát nước thành Þ1.500, thu gom lượng lớn nước từ các khu vực dân cư ở thượng lưu, cũng như nước từ bề mặt đường đổ dồn về và chảy thẳng vào đất của bà Kim Anh và một số hộ dân rồi mới thoát ra suối Vũng Xanh, cách miệng cống hơn 300m.

Theo ghi nhận của chúng tôi, có 3 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp là hộ bà Lâm Kim Anh, ông Nguyễn Phước Hải, bà Nguyễn Thị Mai. Khi trời mưa lớn, nước từ cống tuôn chảy về xối xả, gây sạt lở đất, hư hỏng đường đi, làm đổ ngã cây ăn trái, xói mòn chân cầu... Đó là chưa kể, theo cống thoát nước này, nước thải sinh hoạt, chăn nuôi từ các nơi khác đổ về ảnh hưởng đến môi trường chung.

 * Chủ đầu tư đùn đẩy trách nhiệm?

Qua khảo sát của các ngành chức năng thành phố cho thấy, khu vực cống ngang này chưa có biện pháp gia cố hợp lý nên ngày 5-4-2011, UBND TP.Biên Hòa đã có văn bản đề nghị BVEC phải nghiên cứu, thực hiện  giải pháp kỹ thuật phù hợp để chống xói lở cho phần đất của bà Kim Anh; giải quyết tốt việc thoát nước tại hạ lưu cống ngang đường, không để xảy ra tình trạng ngập lụt khu dân cư.

Ngày 11-5-2011, BVEC đã có văn bản số 143/CT-KT cho rằng, việc nước chảy qua cống gây xói lở cục bộ phần mương đất như phản ánh của người dân là nằm ngoài phạm vi xử lý của dự án. Một trong những nguyên nhân là cống ngang này đã tồn tại từ trước đây, khi cải tạo có mở rộng khẩu độ từ Þ 1.000 lên Þ 1.500, nhưng trên nguyên tắc vẫn giữ nguyên vị trí hiện hữu. Do đó, để giải quyết triệt để tình trạng trên, BVEC đề nghị TP.Biên Hòa chỉ đạo ban, ngành liên quan xem xét cải tạo và thanh thải lòng suối để đảm bảo khả năng thoát nước của cống đối với khu vực hạ lưu.

Đất của bà Lâm Kim Anh bị xói lở trở thành suối
Đất của bà Lâm Kim Anh bị xói lở trở thành suối

Ngày 31-5-2011, Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Trịnh Tuấn Liêm đã chủ trì buổi làm việc về sạt lở đất của dân do thi công QL51 và kết luận rõ: BVEC phải có biện pháp xử lý cống ngang đường tại km12+357 và gia cố mương đất phía hạ lưu cống để không gây xói lở đất của bà Kim Anh. Đồng thời kiểm tra trên toàn tuyến các vị trí cầu, cống ngang đường và có phương án xử lý phù hợp phía hạ lưu cầu, cống không để xảy ra tình trạng ngập lụt, xói lở khu dân cư. BVEC phải chủ động mời khu quản lý đường bộ 7, Sở GT-VT, Phòng Quản lý đô thị Biên Hòa và UBND xã Tam Phước nhằm có phương án khả thi xử lý dứt điểm tình trạng xói lở đất của dân.

Đặt cống ở vị trí trên là không ổn!

Ông Nguyễn Văn Đức, Phó chủ tịch UBND xã Tam Phước cho rằng:  “Đặt cống ở vị trí trên là không ổn. Khi cải tạo cống, chủ đầu tư không liên hệ với địa phương để khảo sát thực tế nên không dự kiến được nước chảy đi đâu. Từ miệng cống đến suối Vũng Xanh phải trên 300m. Điều này có nghĩa là để thoát ra suối này thì nước mưa, nước thải phải chảy ngang qua 300m đất của người dân. Nước chảy mạnh gây xói lở thiệt hại lớn cho người dân, do đó, chủ đầu tư cần phải có trách nhiệm khắc phục sự cố cho người dân”.

Liên hệ với BVEC, chúng tôi được ông Hoàng Văn Kiên, Phó trưởng phòng kỹ thuật cho biết, theo thiết kế, cống này chảy theo mương thoát nước công cộng ra suối nhưng thực tế, mương thoát nước này lại nằm toàn bộ trên đất của người dân. Hệ thống thoát nước này thuộc dự án BOT do các cơ quan nhà nước phê duyệt nên khi có phát sinh, BVEC đã có báo cáo cơ quan nhà nước để tìm hướng giải quyết. BVEC cũng đã  báo cáo sự việc đến Bộ GT-VT và Tổng cục đường bộ Việt Nam xem xét có ý kiến để giải quyết dứt điểm. Do đó, hiện nay, BVEC cũng đang chờ các cơ quan chức năng xử lý.

 Bà Lâm Kim Anh cho rằng: “Cần sớm có biện pháp gia cố chống xói lở đất cho tôi bằng cách đặt cống hay kè đá. Chỉ 1 mùa mưa qua mà đất đã xói lở như thế thì mùa mưa lũ hàng năm sao mà chịu nổi! ”.

Đặng Ngọc

 

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích