Báo Đồng Nai điện tử
En

Có thể kiện để buộc công ty bồi thường bảo hiểm thất nghiệp?

10:07, 20/07/2011

Để buộc đơn vị sử dụng lao động bồi thường tổn thất do không được hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp, thì người lao động phải kiện ra tòa. Tuy nhiên, nếu muốn thắng kiện thì người lao động phải có đầy đủ chứng lý…

 

Để buộc đơn vị sử dụng lao động bồi thường tổn thất do không được hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp, thì người lao động phải kiện ra tòa. Tuy nhiên, nếu muốn thắng kiện thì người lao động phải có đầy đủ chứng lý…

Mặc dù chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đã được triển khai thực hiện từ lâu, nhưng hiện vẫn có người lao động (NLĐ) không được hưởng BHTN. Nguyên nhân chính là do đơn vị sử dụng lao động chậm chốt sổ BHXH nên họ không thể hoàn chỉnh hồ sơ.

 * BHTN, chậm là mất!

Theo quy định, nếu quá thời hạn 15 ngày kể từ khi đăng ký thất nghiệp mà NLĐ không nộp sổ BHXH cho cơ quan chức năng thì việc đăng ký là không hợp lệ. Vì vậy, chỉ cần đơn vị sử dụng lao động chậm trễ trong việc chốt sổ thì NLĐ sẽ bị thiệt hại, không được hưởng BHTN tại thời điểm bị mất việc làm.

Nhân viên Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh hướng dẫn người lao động làm các thủ tục để được hưởng chính sách BHTN.
Nhân viên Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh hướng dẫn người lao động làm các thủ tục để được hưởng chính sách BHTN.

 

Trong đơn gửi các cơ quan chức năng, chị Bùi Thị Mỹ Phượng, cư ngụ tại xã Thạnh Phước, huyện Tân Uyên (tỉnh Bình Dương) cho biết: “Tôi đi làm cho một công ty có trụ sở tại KCN Nhơn Trạch. Công ty này đã quyết định cho tôi nghỉ việc từ tháng 1-2011, nhưng đến nay vẫn chưa trả sổ BHXH, vì vậy tôi không thể đăng ký hưởng BHTN. Khi tôi yêu cầu trả sổ thì công ty nói rằng do cơ quan BHXH chậm trả sổ nên chưa có để giao cho tôi. Liên hệ với cơ quan bảo hiểm, thì tôi được biết số sổ mà công ty cung cấp cho tôi là số 9207072219 chỉ là số khống …”

Xác minh đơn khiếu nại của chị Phượng, chúng tôi được biết, công ty nơi chị Phượng làm việc có đóng BHXH cho chị, từ tháng 10/2007-12/2010. Số sổ mà công ty trên cung cấp cho chị chỉ là số tạm. Khi chị nghỉ làm, công ty mới làm các thủ tục hồ sơ để cấp sổ cho chị vì vậy nên mới chậm. Đến ngày 12-7-2011 BHXH tỉnh mới có thể chốt sổ cho chị. Trường hợp của chị Phượng là một trong số những NLĐ bị từ chối khi đăng ký BHTN do nộp sổ BHXH trễ hạn mà nguyên nhân là do sự chậm trễ của đơn vị sử dụng lao động.

* Những sai sót nên tránh

Theo quy định, sau khi NLĐ nghỉ việc, đơn vị sử dụng lao động có nghĩa vụ cập nhật thời gian đóng BHXH cho họ vào sổ và ký tên đóng dấu xác nhận vào cột số 9 của sổ, đồng thời chuyển đến cơ quan BHXH để chốt sổ.  Nếu nhận đủ hồ sơ hợp lệ, trong vòng 03 ngày làm việc, cơ quan BHXH sẽ chốt sổ xong để NLĐ có sổ kịp thời để làm các thủ tục đăng ký BHTN.

Bà Đoàn Thị Vinh, Trưởng phòng Cấp sổ - thẻ BHXH tỉnh cho biết: “Hồ sơ tham gia BHXH của NLĐ thường có nhiều sai sót về tên, tuổi, ngày sinh, quê quán, số chứng minh nhân dân... thậm chí có trường hợp NLĐ sử dụng hồ sơ giả. Những chi tiết này ngay từ lúc đầu không được người sử dụng lao động và NLĐ quan tâm. Đến khi tiến hành chốt sổ BHXH, mới phát hiện ra và lại phải mất nhiều công sức, thời gian để điều chỉnh, dẫn đến việc chậm trễ. Vì vậy, NLĐ và đơn vị sử dụng lao động nên lưu ý để tránh những sai sót không đáng có nêu trên làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách BHTN”

 * Có thể kiện đòi bồi thường

Để tránh cho NLĐ bị thiệt thòi, theo luật sư Vũ Ngọc Hà, Trung tâm tư vấn pháp luật liên đoàn lao động tỉnh thì: “NLĐ có quyền yêu cầu đơn vị sử dụng lao động bồi thường những tổn thất khi không được hưởng BHTN do công ty chậm chốt sổ để NLĐ hoàn tất các thủ tục theo quy định. Nếu đơn vị sử dụng lao động không chịu bồi thường thì NLĐ có thể khởi kiện, đề nghị tòa án bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Tuy nhiên, phía NLĐ phải chứng minh rằng mình có đi đăng ký BHTN tại cơ quan chức năng nhưng bị trễ hạn do thiếu sổ BHXH (có phiếu đăng ký thông tin thất nghiệp). Đồng thời, có chứng cứ chứng minh là công ty không chịu trả sổ BHXH.

Thực tế, có rất ít trường NLĐ khởi kiện đơn vị sử dụng lao động ra tòa để đòi bồi thường khi quyền lợi bị thiệt hại. Nguyên nhân là do NLĐ không hiểu luật và  số tiền không lớn, thưa kiện lại phải mất thời gian, chi phí đi lại...

Kim Liễu

 

 

Tin xem nhiều