Báo Đồng Nai điện tử
En

24 năm chống chọi với bệnh tim

11:07, 10/07/2011

24 tuổi cũng là từng ấy năm cha mẹ của em phải lao động cật lực  để chạy chữa căn bệnh tim bẩm sinh cho em. Đó là em Nguyễn Thị Thanh Loan (ngụ tại số 14A/13, tổ 2, KP5, phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa).

24 tuổi cũng là từng ấy năm cha mẹ của em phải lao động cật lực  để chạy chữa căn bệnh tim bẩm sinh cho em. Đó là em Nguyễn Thị Thanh Loan (ngụ tại số 14A/13, tổ 2, KP5, phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa).

* Nỗ lực chữa trị cho con

Loan bị bệnh thông liên thất phần quang màng, một căn bệnh tim bẩm sinh thường gặp, khiến em thường xuyên khó thở, ngất xỉu. Bà Đinh Thị Liễu, mẹ của Loan cho biết, khi sinh ra, Loan không được bình thường như bao đứa trẻ khác. Vợ chồng bà đã đưa con đến Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai để khám bệnh thì mới biết con bị bệnh tim bẩm sinh khá nặng.  Do đó, Loan được chuyển lên Bệnh viện nhi đồng I ở TP.Hồ Chí Minh chữa trị. Mỗi đợt điều trị vài tháng về nhà em lại thường xuyên ngất xỉu nên lại phải nhập viện. Do sức khỏe yếu, 3 tuổi Loan mới biết đứng. Lên 9 tuổi em mới có thể vào học lớp 1. Dù rất thích học nhưng cứ lên lớp là em ngất xỉu và không nhớ được mặt chữ; khi đi khám mới phát hiện ra Loan chậm phát triển trí tuệ.

Hiện tại sức khỏe của Loan rất yếu nên phải nằm một chỗ.        Ảnh: N.THƯ
Hiện tại sức khỏe của Loan rất yếu nên phải nằm một chỗ. Ảnh: N.THƯ

Suốt nhiều năm liền, Loan phải chữa trị tại Bệnh viện nhi đồng I TP.Hồ Chí Minh. Đó cũng là từng ấy năm, bà Liễu lặn lội lấy rau củ, trái cây từ chợ Cầu Muối về bán tại các chợ nhỏ ở phường Trảng Dài để kiếm tiền chữa bệnh cho con. Thời điểm đó, chồng của bà là ông Nguyễn Văn Tuấn làm thợ mộc rất đắt hàng nên đủ sức nuôi 3 người con còn lại ăn học. Tuy nhiên, đến năm Loan 13 tuổi, căn bệnh của em trở nên nặng hơn. Em thường xuyên ngất xỉu; chảy máu mũi, miệng. Vợ chồng bà Liễu đã phải bán căn nhà để chữa bệnh cho con bằng những loại thuốc tốt nhất nhưng do thể trạng Loan lúc đó suy dinh dưỡng nên không thể phẫu thuật. Mãi đến năm 19 tuổi mà Loan chỉ có 32kg.

 * Cạn sức, cạn tiền

Thời gian gần đây, Loan thường xuyên mệt và ngất xỉu đến nỗi phải nằm một chỗ; chân tay bắt đầu co rút.  Đầu tháng 7 vừa qua, các bác sĩ ở Viện tim TP.Hồ Chí Minh đã hội chẩn và cho biết, với lỗ thông liên thất lớn như Loan (d=19mm) phải phẫu thuật mới có khả năng cứu sống em.  Tuy nhiên, chi phí mổ lên đến trên 70 triệu đồng (đã được Viện tim miễn giảm trên 50 triệu đồng vì hoàn cảnh khó khăn) là quá lớn so với khả năng hiện tại của gia đình. Cha mẹ của Loan  hiện cũng đang bị thoái hóa cột sống khá nặng. Nghề thợ mộc của cha em cũng không còn thịnh như trước đây, nên ông chuyển sang làm thuê làm mướn đủ nghề; còn mẹ của em hàng ngày đạp xe khắp TP.Biên Hòa để nhặt rác. Cuộc sống chỉ đắp đổi qua ngày. Tài sản có giá trị là căn nhà cấp 4 cũ kỹ, dù đã treo bảng bán nhà nhưng không có ai mua vì đất thuộc diện quy hoạch.

Khi chúng tôi đến thăm, Loan nằm co ro trong góc phòng cũ kỹ, em nghẹn ngào khi nói về ước mơ của mình: “Em chỉ ước khỏi bệnh để đi làm công nhân phụ mẹ, không để mẹ đi nhặt rác nữa!”. Nghe con nói, bà Liễu đã không cầm được nước mắt: “Con bé ngoan, hiếu thảo lắm! Nếu khỏe một chút là dọn dẹp, cơm nước phụ mẹ. Bác sĩ nói, nếu không mổ cho cháu ngay là cháu sẽ bị hôn mê và khó mà qua khỏi; nhưng trong tình cảnh này tôi không biết xoay sở làm sao! Có gì bán được tôi đã bán hết để chữa trị cho con. Bây giờ sức tôi đã cạn, nhìn con mà ruột đau như cắt”. Trước hoàn cảnh của Loan, rất mong các nhà hảo tâm giúp đỡ em có điều kiện chữa trị bệnh.

Thông liên thất bệnh tim bẩm sinh hay gặp

Thông liên thất (TLT) là bệnh tim bẩm sinh hay gặp, trong đó TLT phần quang màng là loại TLT hay gặp nhất, chiếm khoảng 70-80% các trường hợp. TLT lỗ nhỏ có khả năng tự đóng. Tỷ lệ tự đóng lại của các trường hợp TLT lỗ nhỏ ở trẻ em lên đến 75%. Ngược lại, TLT lỗ lớn sẽ ảnh hưởng nhanh đến hô hấp và áp lực động mạch phổi  có thể tăng một cách cố định rất sớm từ 6 đến 9 tháng. Các biến chứng hay gặp ở nhóm bệnh nhân này là chảy máu ở phổi, viêm nội tâm mạc, áp xe não, rối loạn nhịp thất và các biến chứng của đa hồng cầu. Tiên lượng sẽ rất kém ở các bệnh nhân có các biểu hiện ngất, suy tim xung huyết và ho ra máu.

N.Thư (lược ghi)

Ngọc Thư

 


 

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích