Báo Đồng Nai điện tử
En

Phòng, chống bạo lực gia đình: Thay đổi được nhận thức thì mới thay đổi được hành vi

Kim Liễu
09:00, 10/08/2023

Mặc dù số vụ bạo lực gia đình (BLGĐ) tại Đồng Nai đã giảm nhiều so với trước đây nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình… nhưng thời gian qua trên địa bàn tỉnh vẫn còn xảy ra tình trạng BLGĐ.

Phó giám đốc Sở VH-TTDL Nguyễn Thị Mộng Bình. Ảnh: K.LIỄU

Đâu là nguyên nhân và giải pháp để hạn chế tình trạng BLGĐ, nhất là khi Luật Phòng, chống BLGĐ năm 2022 đã có hiệu lực từ ngày 1-7. Phó giám đốc Sở VH-TTDL NGUYỄN THỊ MỘNG BÌNH đã chia sẻ với phóng viên Báo Đồng Nai về vấn đề này.

* Đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực gia đình hiện nay, thưa bà?

- Năm 2022, Đồng Nai xảy ra 21 vụ BLGĐ, nạn nhân hầu hết là nữ trong độ tuổi từ 16-59 tuổi. Nguyên nhân chủ yếu của BLGĐ là do bất bình đẳng giới; nhận thức về pháp luật của người dân còn hạn chế; cộng đồng, chính quyền, đoàn thể thiếu quan tâm, coi bạo lực gia đình là chuyện riêng tư, chỉ can thiệp khi gây ra hậu quả nghiêm trọng; kinh tế khó khăn đi kèm với tệ nạn xã hội (nghiện rượu, cờ bạc…).

Đồng Nai hiện có khoảng 3,2 triệu người với gần 500 ngàn hộ gia đình. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có gần 1 triệu công nhân ngoại tỉnh đang làm việc tại các khu công nghiệp. Thực tiễn này phần nào đã gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực gia đình. Theo thống kê hiện có 4 hình thức BLGĐ và 18 hành vi. Tuy nhiên trong 4 hình thức này lại có nhiều lý do khiến người bị bạo lực tiếp tục chịu đựng khiến vấn nạn này ngày càng nhức nhối.

Đặc biệt với tâm lý “tốt khoe, xấu che”, nạn nhân của hành vi BLGĐ không muốn cho người ngoài biết, vì vậy sau mỗi trận đòn, sau khi được hòa giải tất cả “lại đâu vào đấy” làm cho công tác phòng, chống BLGĐ bị hạn chế trong thực tiễn. Những thống kê chưa phải là tất cả, bởi hệ quả của BLGĐ khôn lường và lâu dài vượt qua ngoài sự đong đếm của những con số.

* Theo bà, Luật Phòng, chống BLGĐ mới có tác động như thế nào trong việc kéo giảm tình trạng BLGĐ hiện nay?

- Luật Phòng, chống BLGĐ năm 2022 quy định rõ các hành vi BLGĐ, hành vi bị cấm cùng các hình thức xử lý vi phạm, bổ sung nhiều quyền của người bị BLGĐ… là những điểm mới tích cực, giúp ngăn chặn vấn nạn BLGĐ hiệu quả hơn.

Luật quy định thực hiện phòng ngừa BLGĐ chủ động, trong “phòng” có “chống”, trong “chống” có “phòng”. Cùng với đó, luật mới cũng sửa đổi, bổ sung các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong phòng, chống BLGĐ để khắc phục những bất cập của luật hiện hành, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Luật khuyến khích xã hội hóa công tác phòng, chống BLGĐ, đồng thời nâng cao trách nhiệm của Nhà nước trong bố trí nguồn lực cho công tác này để hướng tới xây dựng và phát triển các cơ sở trợ giúp về phòng, chống BLGĐ hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả.

Đáng chú ý luật sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm của Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống BLGĐ và cơ quan, tổ chức có liên quan trong phòng, chống BLGĐ. Luật sẽ là công cụ pháp lý đầy đủ hơn, mạnh mẽ hơn góp phần đẩy lùi nạn bạo lực trong gia đình.

Tuy nhiên, hành lang pháp lý mới chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ chính là sự thực thi một cách nghiêm túc, trách nhiệm của chính quyền, tổ chức chính trị xã hội từ trung ương tới địa phương, góp phần giảm thiểu những hành vi bạo lực, để không còn tiếp diễn những đau đớn về thể chất, tinh thần của nạn nhân...

* Để phòng, chống BLGĐ hiệu quả, theo bà cần thực hiện các giải pháp gì?

- Trong bối cảnh công nghệ thông tin bùng nổ như hiện nay, truyền thông đại chúng có vai trò quan trọng trong phòng, chống BLGĐ. Thay đổi được nhận thức thì mới thay đổi được hành vi, do vậy cần đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức xã hội về nội dung này. Chủ động phòng ngừa chính là biện pháp mang lại hiệu quả bền vững và lâu dài.

Song song đó, cần tăng cường công tác quản lý nhà nước, nghiêm khắc xử phạt vi phạm; thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo liên quan công tác gia đình và phòng, chống BLGĐ. Tăng cường các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn các tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình.

Toàn tỉnh có 66 CLB gia đình phát triển bền vững, 936 nhóm phòng chống BLGĐ, 59 CLB nam giới nói không với BLGĐ; hơn 1,1 ngàn địa chỉ tin cậy cộng đồng; 170 điểm tạm lánh BLGĐ. Các CLB sinh hoạt, gắn liền với các nội dung như: cung cấp kiến thức, kỹ năng về phòng, chống BLGĐ; bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, trẻ em và người cao tuổi; chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình văn hóa, ngăn chặn các tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình…

Đồng thời, duy trì phát huy hiệu quả hoạt động và nhân rộng mô hình, thiết lập đường dây nóng và địa chỉ tin cậy ở cộng đồng. Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng công tác gia đình, công tác thu thập thông tin phòng, chống BLGĐ cho cơ sở... Tranh thủ các nguồn lực của Nhà nước, các cấp, các chương trình, đề án, nguồn lực xã hội hóa của các tổ chức, cá nhân phục vụ công tác gia đình và phòng, chống BLGĐ. Kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân, hộ gia đình có hoạt động tích cực, sáng tạo, điển hình trong phòng, chống BLGĐ, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Công tác gia đình và phòng, chống BLGĐ phải được kết hợp đồng bộ với nhiều giải pháp; cần chú trọng trước hết là công tác tuyên truyền, giáo dục về gia đình và làm tốt công tác tư vấn hòa giải và đi đôi với phòng, chống tệ nạn xã hội. Xây dựng các thiết chế gia đình bền vững được xem là giải pháp nội lực để phòng tránh BLGĐ, tạo dựng hình ảnh gia đình chuẩn mực.

* Như vậy, để phòng, chống nạn BLGĐ hiệu quả thì chính nạn nhân của các vụ BLGĐ cũng cần dũng cảm lên tiếng để bảo vệ chính mình?

- Đúng vậy, để đẩy lùi BLGĐ, điều quan trọng nhất là ngay từ khi có mầm mống, nạn nhân phải nhìn thẳng vào vấn đề và dũng cảm lên tiếng bằng cách chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Mỗi cá nhân cần bổ sung các kỹ năng, kiến thức pháp luật, dấu hiệu nhận biết bạo hành để có biện pháp phòng, ngừa.

Những người bị bạo hành cần vượt qua định kiến và nỗi đau của chính mình để chia sẻ tình trạng với người thân, bác sĩ hay tìm đến các phòng tư vấn, trung tâm tư vấn, đường dây nóng, các tổ hòa giải, nhóm hỗ trợ nạn nhân bị bạo hành. Các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương thực thi nghiêm túc quy định pháp luật, xử lý nghiêm với những người gây ra bạo lực.

Kim Liễu (thực hiện)

 

Tin xem nhiều