Sau hơn 7 năm có hiệu lực thi hành, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (viết tắt BLTTDS) đã tạo hành lang pháp lý tốt cho quá trình tiến hành tố tụng. Tuy nhiên thực tiễn áp dụng, thực thi BLTTDS cũng có một số vấn đề bất cập.
Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Lê Quang Y chủ trì hội nghị lấy ý kiến đóng góp về 2 Bộ luật Tố tụng hình sự và Dân sự năm 2015. Ảnh: Đ.PHÚ |
Chính vì vậy, các chuyên gia pháp lý, cơ quan tố tụng kiến nghị, cần sửa đổi, bổ sung những vấn đề bất cập gặp phải trong quá trình thực thi bộ luật này.
* Kiến nghị sửa đổi, bổ sung
Tại hội nghị tổng kết thực tiễn thi hành BLTTDS do Đoàn Luật sư tỉnh tổ chức vào ngày 12-8, nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, thời gian qua, đa phần các quy định của BLTTDS (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2015), đáp ứng được yêu cầu chung của công tác xét xử vụ việc dân sự, tạo hành lang pháp lý tốt cho quá trình tiến hành tố tụng.
Tuy nhiên, qua thời gian áp dụng, các chuyên gia nhận thấy, BLTTDS có một số bất cập trong công tác kiểm sát, giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; trong việc cung cấp chứng cứ của các cơ quan có thẩm quyền theo yêu cầu của đương sự, cơ quan tố tụng; quyền của người được ủy quyền, đại diện cho đương sự; hoạt động của luật sư trong tố tụng, thu thập chứng cứ…
Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh LÊ QUANG Y cho biết, BLTTDS quy định, mọi hoạt động tố tụng dân sự của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải tuân theo các quy định của BLTTDS. Do đó, cần sửa đổi, bổ sung các vấn đề, quy định của BLTTDS còn bất cập cho phù hợp với thực tiễn để luật được thực thi một cách đúng đắn, đảm bảo sự công bằng, khách quan. |
Luật sư Nguyễn Thị Hồng Tuyến (Đoàn Luật sư tỉnh) góp ý, tại Điểm c, khoản 1, Điều 39, BLTTDS quy định, đối với tranh chấp là bất động sản thì chỉ tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết. Thực tế, các vụ án tranh chấp về hợp đồng đặt cọc mua bán nhà, chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì hầu hết, đối tượng tranh chấp không phải bất động sản, mà là tranh chấp đòi lại số tiền đặt cọc (có thể là đòi lại tiền đặt cọc, yêu cầu bồi thường tiền đặt cọc hoặc yêu cầu hủy hợp đồng đặt cọc, tuyên bố người mua mất tiền cọc).
Theo luật sư Tuyến, trong những trường hợp đó, thẩm quyền tòa án giải quyết là tòa án nơi bị đơn cư trú như thẩm quyền giải quyết đối với các vụ án tranh chấp là tiền, kim khí… thông thường khác thì hợp lý hơn.
Còn luật sư Nguyễn Đức (Hội Luật gia tỉnh) cũng góp ý, tại khoản 1, Điều 203, BLTTDS quy định, thời hạn xét xử vụ án dân sự là 4 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án. Nếu gia hạn thì không quá 2 tháng. Như vậy, BLTTDS quy định thời hạn giải quyết vụ án dân sự là không quá 6 tháng. Trong khi thực tế có nhiều vụ án kéo dài rất nhiều năm, thậm chí 10-12 năm vẫn chưa đưa ra xét xử.
* Khó khăn trong quá trình thực hiện công tác kiểm sát
Theo Viện KSND tỉnh, qua 7 năm thi hành BLTTDS, viện kiểm sát hai cấp đã kiểm sát tổng thụ lý hơn 92 ngàn vụ án, việc dân sự; kiểm sát giải quyết hơn 81 ngàn vụ án, việc; tham gia hơn 17 ngàn phiên tòa, phiên họp; kiểm sát hơn 93 ngàn bản án, quyết định; ban hành 578 văn bản kiến nghị đối với tòa án cùng cấp và cơ quan hữu quan khác, 525 kháng nghị phúc thẩm; thực hiện 651 phiên tòa rút kinh nghiệm; Viện KSND tỉnh ban hành 55 báo cáo đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm…
Bên cạnh kết quả đạt được, qua thực thi BLTTDS, Viện KSND tỉnh nhận thấy phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện công tác kiểm sát giải quyết các vụ án, việc dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động.
Cụ thể, tại Điều 106, BLTTDS quy định, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm cung cấp tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của tòa án và viện kiểm sát trong vòng 15 ngày, nếu không cung cấp mà không có lý do chính đáng thì tùy theo tính chất mức độ có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật....
Trưởng phòng Kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình (Viện KSND tỉnh) La Minh Dũng phân tích, điều luật quy định khá rõ nhưng việc thực hiện trong thực tế hết sức khó khăn vì có rất nhiều vụ việc phải tạm đình chỉ nhiều tháng, nhiều năm với lý do cơ quan lưu giữ tài liệu, chứng cứ không cung cấp cho tòa án theo yêu cầu. Hiện nay vẫn chưa có quy định về xử phạt hành chính đối với việc không hoặc chậm cung cấp chứng cứ.
Hoặc tại khoản 2, Điều 214 BLTTDS có quy định, trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày ra các quyết định trên, tòa án phải gửi quyết định đó cho đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện và viện kiểm sát cùng cấp. Bất cập của quy định này ở chỗ, khi tòa án gửi các quyết định tố tụng không gửi các tài liệu kèm theo, nên khi nhận được các quyết định nêu trên, viện kiểm sát chỉ kiểm sát được hình thức của quyết định, chứ không thể kiểm sát toàn diện nội dung của quyết định. Bởi vì, viện kiểm sát không có tài liệu, chứng cứ đối chiếu để kiểm sát nội dung quyết định có căn cứ và đúng pháp luật hay không, dẫn đến công tác kiểm sát các quyết định này rất bị động, không kịp thời và chưa thể hiện hết quyền năng pháp lý của viện kiểm sát theo quy định của Luật Tổ chức Viện KSND năm 2014.
Đoàn Phú
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin