Báo Đồng Nai điện tử
En

Tháo gỡ bất cập về thu phí không dừng

07:10, 08/10/2022

Dù đã hơn 2 tháng triển khai thu phí không dừng (TPKD) trên các tuyến đường cao tốc toàn quốc (bắt đầu từ ngày 1-8-2022) nhưng vẫn còn không ít người gặp các sự cố liên quan đến TPKD. Việc này khiến chủ xe, tài xế bất tiện khi vẫn phải dừng để xử lý khi đi qua các trạm TPKD.

Dù đã hơn 2 tháng triển khai thu phí không dừng (TPKD) trên các tuyến đường cao tốc toàn quốc (bắt đầu từ ngày 1-8-2022) nhưng vẫn còn không ít người gặp các sự cố liên quan đến TPKD. Việc này khiến chủ xe, tài xế bất tiện khi vẫn phải dừng để xử lý khi đi qua các trạm TPKD.

Xe ô tô di chuyển qua trạm thu phí quốc lộ 51 trên đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây thuận tiện hơn nhờ hệ thống thu phí không dừng được áp dụng toàn tuyến từ ngày 1-8. Ảnh: M.THành
Xe ô tô di chuyển qua trạm thu phí quốc lộ 51 trên đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây thuận tiện hơn nhờ hệ thống thu phí không dừng được áp dụng toàn tuyến từ ngày 1-8. Ảnh: M.THành

* Còn nhiều lỗi kỹ thuật phát sinh

Qua nhận định của một số tài xế, chủ xe thường xuyên di chuyển trên đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, hầu như các phương tiện lưu thông qua các trạm TPKD đều thuận lợi, nhanh hơn so với việc trả tiền mặt như trước đây. Tuy nhiên, vẫn còn một số sự cố kỹ thuật gây mất thời gian xử lý, ảnh hưởng quá trình qua trạm của các xe phía sau.

Trong đó, 2 sự cố chủ yếu là việc xe tới gần nhưng barrier không mở, hệ thống TPKD không đọc được thẻ trên xe khiến nhân viên phải trừ tiền thủ công và bị trừ tiền dù xe không qua trạm. Bên cạnh đó, một số ít chủ xe còn phản ánh thêm việc tài khoản bị trừ tiền 2 lần dù chỉ mới qua 1 trạm.

Ông Trần Văn Quang (ngụ H.Cẩm Mỹ) cho biết, mỗi tuần ông đều đi TP.HCM thông qua đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây; thỉnh thoảng khi qua trạm thu phí, barrier vẫn không tự mở lên dù tài khoản còn tiền. Lúc đó, nhân viên trạm phải ra dùng máy quét trừ tiền. Dù có thể di chuyển qua trạm ngay sau đó nhưng tình huống trên vẫn khiến ông lúng túng, thậm chí khiến xe chạy phía sau giật mình.

Tài xế N.H.H. (ngụ H.Thống Nhất) lại bức xúc cho hay, một số lần xe vẫn “nằm” tại bãi thì anh nhận được thông báo trừ tiền vì vừa đi qua một trạm thu phí trên quốc lộ 1 (H.Trảng Bom). Dù gọi lên tổng đài phản ảnh sẽ được hoàn lại tiền sau vài tiếng nhưng việc này khiến anh khá khó chịu.

* Nỗ lực khắc phục

Theo Bộ GT-VT, hiện có 2 đơn vị phát hành thẻ TPKD là Công ty TNHH Thu phí tự động (VETC) với thẻ e-Tag và Công ty CP Giao thông số Việt Nam (VDTC) là thẻ ePass. Các cơ quan quản lý, các nhà cung cấp dịch vụ đang rà soát, ghi nhận phản ánh của người dùng để khắc phục những lỗi của hệ thống TPKD.

Bộ GT-VT nhấn mạnh, theo xu hướng chung, các nhà cung cấp dịch vụ TPKD phải tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ, mở thêm các điểm dán thẻ cho các phương tiện. Trong đó, hướng tới hình thức kết nối liên thông tài khoản ngân hàng và tài khoản giao thông giúp người sử dụng nạp tiền, kiểm tra tài khoản dễ dàng, bảo đảm an toàn thông tin cá nhân.

Theo Phó chánh Văn phòng Bộ GT-VT UÔNG VIỆT DŨNG, Bộ đã đề nghị các địa phương sớm làm việc với nhà cung cấp dịch vụ để làm rõ nguyên nhân sự cố và khắc phục kịp thời. Đồng thời, các đơn vị trực thuộc Bộ phải giám sát chất lượng kỹ thuật, yêu cầu các bên có liên quan có giải pháp khắc phục lỗi và hỗ trợ cho người sử dụng thẻ khi gặp sự cố do lỗi kỹ thuật.

Mới đây, Bộ GT-VT đã yêu cầu Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam sớm hoàn thiện hệ thống TPKD trên tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây nhằm giảm ùn tắc giao thông. Cụ thể là các đơn vị liên quan sớm rà soát số làn TPKD trên đường cao tốc trên và có phương án đầu tư lắp đặt bổ sung làn TPKD phù hợp, bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại các trạm thu phí trên toàn tuyến.

Đồng thời, theo Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Thu phí tự động VETC Hồ Trọng Vinh, ngay sau khi nhận được tin báo sự cố về trừ tiền 2 lần hoặc trừ tiền khi xe không qua trạm, VETC đã phối hợp với đại diện các trạm thu phí xác minh, sớm xử lý. Cụ thể là sau mỗi ca, nhân viên trạm thu phí sẽ tiến hành đối chiếu với phản hồi của người sử dụng; khi phát hiện sai sót khớp với phản hồi sẽ hoàn tiền cho người sử dụng ngay.

Về tình trạng xe không qua trạm vẫn bị trừ tiền có thể là do xe khác dùng biển số giả để qua trạm, cộng thêm lỗi kỹ thuật khiến nhân viên phải nhập biển số thủ công, khiến xe có biển số thật bị trừ nhầm. Riêng trường hợp bị trừ tiền 2 lần khi qua trạm, nguyên nhân có thể do lỗi kỹ thuật khiến barrier chưa kịp mở lên, nhân viên trạm liền trừ tiền thủ công khiến tài khoản bị trừ 2 lần.

Mặt khác, để hạn chế tình trạng xe dùng biển số giả qua trạm thu phí gây ảnh hưởng đến người sở hữu biển số thật, vừa qua, Cục Cảnh sát giao thông (CSGT, Bộ Công an) đã chỉ đạo lực lượng CSGT toàn quốc tăng cường rà soát, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm liên quan đến sử dụng biển số xe.

Cụ thể, lực lượng CSGT toàn quốc phải thường xuyên chủ động phối hợp kiểm tra, quản lý chặt chẽ quy trình sản xuất, cấp biển số của các công ty sản xuất biển số. Phối hợp với công an các cấp, các lực lượng nghiệp vụ khác làm rõ, xử lý nghiêm các đối tượng có biểu hiện sản xuất, mua bán biển số xe trái phép trên địa bàn.

Đồng thời, qua quá trình tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính; giải quyết tai nạn giao thông…, lực lượng CSGT phải đối chiếu với cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm, hệ thống camera giám sát an toàn giao thông, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và phối hợp với các đơn vị thu phí để phát hiện các trường hợp xe ô tô gắn biển số không đúng với giấy đăng ký xe hoặc biển số giả. Đặc biệt chú ý các trường hợp sơn, dán làm thay đổi chữ, số; gắn thiết bị "thay đổi" biển số xe; gắn biển số bị bẻ cong, bị che khuất...

Minh Thành

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích