Báo Đồng Nai điện tử
En

Kỳ vọng ngành vận tải sớm phục hồi

08:02, 07/02/2022

Năm 2021 tiếp tục là một năm khó khăn của ngành vận tải khi sản lượng vận chuyển đều giảm sâu. Hoạt động vận tải từ đường bộ, đường sắt đến hàng không… đều trong tình trạng điêu đứng, buộc phải dừng hoặc chỉ hoạt động cầm chừng.

Năm 2021 tiếp tục là một năm khó khăn của ngành vận tải khi sản lượng vận chuyển đều giảm sâu. Hoạt động vận tải từ đường bộ, đường sắt đến hàng không… đều trong tình trạng điêu đứng, buộc phải dừng hoặc chỉ hoạt động cầm chừng.

Sau thời gian phải ngưng hoạt động do thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, không có doanh thu nhưng các doanh nghiệp (DN) vận tải trên địa bàn tỉnh vẫn phải trả nhiều chi phí thường kỳ. Không ít DN thua lỗ phải cắt giảm nhân sự, nhiều lao động trong ngành thất nghiệp. Đến khi dịch bệnh từng bước được kiểm soát, cả nước bước vào trạng thái bình thường mới, DN kinh doanh vận tải chưa kịp mừng vì được hoạt động trở lại thì phải đối diện với nhiều khó khăn như: giá xăng, dầu tăng trong khi lượng hành khách, nhu cầu vận chuyển hàng hóa giảm mạnh…

Có thể nói, dịch bệnh Covid-19 bùng phát, các DN vận tải hành khách đường bộ gần như đã “kiệt sức”, bất đắc dĩ phải hạn chế chi tiêu, cắt giảm hợp đồng, dừng hoặc cầm cự hoạt động. Chính vì vậy, việc nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc là điều các DN vận tải thực sự trông đợi để có thể tiếp cận chính sách hỗ trợ, duy trì và từng bước phục hồi hoạt động vận tải ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Qua đó góp phần đảm bảo vận chuyển hàng hóa, hành khách ổn định; thúc đẩy các hoạt động sản xuất, cũng như tiêu thụ và cung ứng hàng hóa giữa các địa phương; đặc biệt là không tác động nhiều đến việc đi lại của người dân, đảm bảo cho sự phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới.

Điều DN mong mỏi nhất là Nhà nước sớm triển khai các biện pháp hỗ trợ thiết thực, trực tiếp và khẩn trương hơn nữa đến DN. Trong đó có các quy định của Bộ Tài chính như: giảm 30% phí đường bộ cho xe chở người, xe buýt kinh doanh vận tải; giảm 10% đối với xe tải, xe chuyên dùng, xe đầu kéo… Bên cạnh đó, nhiều DN cũng mong muốn được thực hiện các chính sách như miễn hoặc chưa thu bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội cho người lao động trong ngành vận tải. Những quy định này cần phải có sự thông thoáng, cơ chế chính sách mở để các DN dễ tiếp cận.

Để trụ vững trước tác động của dịch bệnh Covid-19, cùng với giải pháp hỗ trợ thiết thực về tài chính của Nhà nước, bản thân các DN vận tải phải nỗ lực và có những bước“chuyển mình” về chiến lược, mô hình kinh doanh phù hợp với định hướng phát triển. Hy vọng với những giải pháp kịp thời từ Chính phủ, các bộ, ngành liên quan sẽ sớm phục hồi ngành vận tải trong năm 2022. Đặc biệt, ngoài nhiệm vụ sớm ổn định sản xuất, phát triển mạnh mạng lưới vận tải thì công tác phòng, chống dịch Covid-19 cũng được đảm bảo an toàn, thuận lợi cho người dân, DN trong lưu thông.

Hải Dương

Tin xem nhiều