Báo Đồng Nai điện tử
En

Nguy hiểm khi học sinh điều khiển xe phân khối lớn

10:04, 19/04/2021

Học sinh điều khiển xe phân khối lớn khi chưa được giấp phép lái xe, thiếu am hiểu pháp luật giao thông cũng như chưa đủ kinh nghiệm trong xử lý những sự cố trên đường nên rất dễ đối diện với nguy cơ tai nạn giao thông.

Học sinh điều khiển xe phân khối lớn khi chưa được giấp phép lái xe, thiếu am hiểu pháp luật giao thông cũng như chưa đủ kinh nghiệm trong xử lý những sự cố trên đường nên rất dễ đối diện với nguy cơ tai nạn giao thông.

Sau giờ tan học, nhiều học sinh của một trường học ở P.Tân Hiệp (TP.Biên Hòa) điều khiển xe máy phân khối lớn. Ảnh: T.Hải
Sau giờ tan học, nhiều học sinh của một trường học ở P.Tân Hiệp (TP.Biên Hòa) điều khiển xe máy phân khối lớn. Ảnh: T.Hải

Thời gian qua, tình trạng học sinh chưa đủ tuổi vẫn điều khiển xe máy phân khối lớn đến trường diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương trong tỉnh.

* Vi phạm vẫn phổ biến

Tại TP.Biên Hòa, ngay từ sáng sớm cho đến giờ tan trường, trên các tuyến đường như: Phạm Văn Thuận, Võ Thị Sáu, Nguyễn Ái Quốc, Đồng Khởi, Hà Huy Giáp... rất dễ nhìn thấy học sinh trong các bộ đồng phục vô tư điều khiển xe máy phân khối lớn (trên 50cm3) đến trường. Thậm chí, có những học sinh chở 2, chở 3 không đội mũ bảo hiểm, chạy luồn lách vào những con hẻm để về nhà. Hầu hết các học sinh đi xe phân khối lớn đều gửi xe bên ngoài trường. Cụ thể như bên ngoài Trường TH-THCS-THPT Bùi Thị Xuân (thuộc P.Tân Tiến, TP.Biên Hòa) có nhiều điểm cho học sinh gửi xe máy phân khối lớn.

Một điều đáng lo ngại hiện nay là một số học sinh THPT thích thể hiện mình nên dễ có những hành động bộc phát khi chạy xe trên đường như: đua xe, lạng lách, phóng nhanh, vượt ẩu... Ngoài ra, do các em chưa nắm các quy định pháp luật khi tham gia giao thông nên ý thức chấp hành pháp luật về giao thông chưa cao, không lường trước những nguy hiểm khi chạy xe trên đường.

UBND tỉnh vừa có văn bản yêu cầu chủ tịch UBND kiêm trưởng ban an toàn giao thông các địa phương trong tỉnh chỉ đạo lực lượng chức năng của địa phương tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm vi phạm trật tự an toàn giao thông của người tham gia giao thông bằng mô tô, xe máy khi chưa có bằng lái; tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn học sinh kỹ năng tham gia giao thông an toàn...

Thời gian gần đây, trên cả nước đã xảy ra một số vụ việc liên quan đến thanh thiếu niên điều khiển xe phân khối lớn khi chưa đủ tuổi, không chấp hành pháp luật về giao thông. Cụ thể như: ngày 12-3 tại TP.Hải Phòng xảy ra tai nạn nghiêm trọng do 2 học sinh điều khiển xe máy đâm vào
ô tô đẫn đến thiệt mạng; ngày 11-3, tại tỉnh Vĩnh Phúc, 2 học sinh điều khiển xe không đội mũ bảo hiểm đi tốc độ cao cố tình đâm vào lực lượng cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ khiến một chiến sĩ cảnh sát giao thông bị thương...

Tại Đồng Nai cũng xảy ra các vụ TNGT tương tự. Gần nhất, vào tối 16-4, em L.A (nữ sinh lớp 10 ở H.Long Thành) được bạn chở trên xe máy hướng từ xã Phước Thiền (H.Nhơn Trạch) về H.Long Thành. Khi di chuyển đến chân cầu vượt Cầu Xéo thì xe máy va chạm với ô tô làm nữ sinh té xuống, bị bánh xe chèn qua người. Do vết thương quá nặng, nạn nhân đã tử vong tại chỗ.

Trước đó, vào sáng 12-3, trên quốc lộ 1 (đoạn qua H.Trảng Bom), em T.M. học sinh lớp 11 Trường THPT Ngô Sĩ Liên (H.Trảng Bom) điều khiển xe máy lưu thông trên quốc lộ 1 hướng từ TP.Biên Hòa đi H.Thống Nhất. Khi đến khu vực thuộc xã Quảng Tiến (H.Trảng Bom) thì xe máy của nữ sinh bị xe tải biển số 60C-210.70 chạy cùng chiều tông phải. Cú tông mạnh khiến nạn nhân bị cuốn vào gầm xe dẫn đến tử vong tại chỗ.

* Tăng cường kiểm tra, xử lý

Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, người từ đủ 16 tuổi trở lên mới được điều khiển xe có dung tích xi lanh từ dưới 50cm3. Còn với xe có dung tích xi lanh từ 50cm3 trở lên, người điều khiển phải có giấy phép lái xe và phải từ 18 tuổi trở lên mới được cấp. Như vậy, ở độ tuổi học sinh THPT (thường chưa đủ tuổi 18), nếu chạy xe phân khối lớn là vi phạm giao thông.

Trước vấn đề này, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia ra công điện đề nghị chủ tịch UBND kiêm trưởng ban an toàn giao thông các tỉnh, thành có biện pháp hiệu quả nhằm ngăn chặn tình trạng thiếu niên, học sinh chưa đủ tuổi điều khiển môtô, xe máy gây ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.

Theo đó, yêu cầu các lực lượng chức năng kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm của người đi xe máy, xe đạp điện, chú trọng đối tượng thanh thiếu niên với các hành vi điều khiển xe khi chưa đủ tuổi, không có bằng lái phù hợp loại xe, không đội mũ bảo hiểm; xử lý trách nhiệm của cá nhân giao xe máy cho trẻ em điều khiển; cung cấp thông tin về học sinh vi phạm an toàn giao thông cho các cơ sở giáo dục để phối hợp xử lý.

Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục, trường học và cha mẹ học sinh thường xuyên nhắc nhở, giáo dục con em mình tự giác chấp hành quy tắc giao thông, hướng dẫn học sinh kỹ năng tham gia giao thông an toàn. Các tổ chức đoàn, hội, đội trong nhà trường, địa phương phát huy vai trò của mình về giữ gìn trật tự an toàn giao thông; hướng dẫn cho đoàn viên, đội viên cách nhận diện và phòng tránh tình huống có nguy cơ xảy ra tai nạn.

Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng cho rằng, để giảm thiểu tình trạng học sinh đi xe máy phân khối lớn đến trường, lực lượng chức năng phải kiên quyết xử phạt, giữ xe nếu phát hiện trường hợp vi phạm. Cơ quan chức năng và địa phương cũng cần tuyên truyền, nhắc nhở để các hộ gia đình không được giữ xe máy phân khối lớn cho học sinh và gắn trách nhiệm của gia đình.

“Muốn đảm bảo an toàn trên đường đến trường cho con, các bậc phụ huynh cũng cần có sự hợp tác với nhà trường trong việc kiểm soát phương tiện và giờ giấc đi lại của các em; tránh để học sinh dùng các phương tiện ấy vào các hoạt động vui chơi dẫn đến vi phạm pháp luật, gây tai nạn đau lòng” - ông Hùng nói.

Thanh Hải

Tin xem nhiều