Trong năm 2021, tuyến đường sắt Bắc - Nam đoạn qua Đồng Nai đã được nâng cấp, thay đổi lớn về hạ tầng, cơ sở vật chất. Bên cạnh đó, việc trang bị hệ thống camera giám sát, cảnh báo tự động sẽ là một trong những biện pháp được đẩy mạnh thực hiện nhằm góp phần đảm bảo an toàn giao thông và nâng cao năng lực vận hành.
Trong năm 2021, tuyến đường sắt Bắc - Nam đoạn qua Đồng Nai đã được nâng cấp, thay đổi lớn về hạ tầng, cơ sở vật chất. Bên cạnh đó, việc trang bị hệ thống camera giám sát, cảnh báo tự động sẽ là một trong những biện pháp được đẩy mạnh thực hiện nhằm góp phần đảm bảo an toàn giao thông và nâng cao năng lực vận hành.
Công nhân kiểm tra, sửa chữa chất lượng đường sắt khi tàu hỏa lưu thông qua khu vực P.Tân Hiệp (TP.Biên Hòa). Ảnh: T.Hải |
* Mở mới, cải tạo các đường ga
Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, trong năm 2021 sẽ tiến hành nâng cấp các công trình thiết yếu đường sắt đoạn Nha Trang - Sài Gòn. Đây là một trong 14 dự án giao thông quan trọng cấp bách được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thông qua phương án sử dụng 15 ngàn tỷ đồng từ nguồn vốn dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020.
Về phạm vi triển khai, dự án được thực hiện trong khu đoạn Nha Trang - Sài Gòn với chiều dài hơn 411km qua địa phận các tỉnh: Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và Đồng Nai. Trong đó, đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai có chiều dài gần 70km (từ km1619+125 đến km1688+040). Trong thời gian qua, ngành Đường sắt đã phối hợp với các đơn vị liên quan, các địa phương của Đồng Nai để tiến hành chuẩn bị khởi công gói thầu số 21, xây mới một ga và cải tạo nhiều ga đường sắt để nâng cao năng lực chạy tàu đoạn qua địa bàn tỉnh.
Trung tâm Giám sát thiết bị thông tin tín hiệu đường sắt sẽ có 168 vị trí đường ngang được lắp cảnh báo tự động. Tại các vị trí này có 258 camera giám sát từ xa. Trong đó, đoạn đường sắt Bắc - Nam đi qua Đồng Nai hiện có 32 vị trí có gác chắn cũng được lắp đặt xong. |
Ban Quản lý dự án đường sắt (Tổng công ty Đường sắt Việt Nam) cho hay, tiến độ gói thầu được Bộ GT-VT phê duyệt sẽ hoàn thành trong năm 2021. Riêng hạng mục xây dựng cầu Trung Hòa có thời gian thi công 9 tháng. Do vậy, để hoàn thành công trình trong năm 2021, công tác bàn giao mặt bằng cần hoàn thành ngay trong tháng 4-2021.
Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt Mai Minh Việt cho biết, theo tiến độ phê duyệt, dự án Cải tạo nâng cấp các công trình thiết yếu chặng Nha Trang - Sài Gòn đoạn qua Đồng Nai sẽ hoàn thành trong năm 2021 với các hạng mục của dự án gồm: kéo dài đường ngang các ga: Trảng Táo, Gia Ray, Bảo Chánh (H.Xuân Lộc); mở rộng Ga Long Khánh (TP.Long Khánh) và mở mới Ga Trung Hòa (H.Trảng Bom).
Về công tác giải phóng mặt bằng, ông Việt cho biết địa phương đã cơ bản phê duyệt xong 52 hồ sơ và dự kiến sẽ mời các hộ dân đến nhận tiền bồi thường trong tháng 3; còn 2 hộ dân đang vướng mắc về pháp lý. Công tác di dời công trình hạ tầng kỹ thuật còn chậm so với kế hoạch. Đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt xong giá đất của các địa phương, riêng các địa phương cần sớm phê duyệt phương án bồi thường để sớm bàn giao mặt bằng sạch cho nhà thầu thi công hoàn thành đúng tiến độ.
* Đảm bảo an toàn giao thông đường sắt
Đồng Nai là địa phương đầu tiên trong cả nước xây dựng hàng rào hộ lan bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường sắt, tạo điều kiện cho người dân khi lưu thông qua đường sắt được thuận lợi và an toàn hơn. Các cơ quan chức năng đã giải phóng mặt bằng và làm gần 6km lối đi tạm trong hành lang an toàn giao thông đường sắt, hoàn thành lắp đặt gần 12km hàng rào tôn lượn sóng, tổ chức người gác cảnh giới tại 11 vị trí lối đi tự mở có lưu lượng xe cộ qua lại đông; duy trì bảo vệ 52 vị trí đã rào xóa bỏ, không cho tái mở đường ngang bất hợp pháp.
Phó trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông tỉnh Não Thiên Anh Minh cho biết, trong năm 2020, tai nạn giao thông đường sắt xảy ra 4 vụ, làm 2 người chết và bị thương 4 người. So với cùng kỳ năm 2019 không tăng giảm số vụ, người chết nhưng lại tăng 3 người bị thương. Đáng chú ý, các vụ tai nạn chỉ xảy ra trên địa bàn H.Trảng Bom. Nguyên nhân chủ yếu do người bộ hành qua đường sắt thiếu chú ý quan sát, ý thức chấp hành các quy định khi lưu thông qua đường sắt của một số người dân còn thấp.
Liên quan đến vấn đề đảm bảo an toàn giao thông đường sắt, Công ty CP Thông tin tín hiệu đường sắt Sài Gòn cho biết, đơn vị đã hoàn thành lắp đặt hàng trăm camera giám sát tại các vị trí đường ngang, trên tuyến đường sắt đoạn từ TP.HCM đến Quảng Ngãi để đưa Trung tâm Giám sát thiết bị thông tin tín hiệu đường sắt vào hoạt động.
Qua hệ thống tín hiệu truyền dữ liệu, chuông đèn sẽ tự động cảnh báo và đóng chắn trước khi tàu đến và mở chắn cho xe cộ qua đường ngang khi tàu đi qua. Hình ảnh từ camera sẽ kết nối đường truyền dữ liệu và được nhân viên trực theo dõi trực tiếp 24/24 giờ tại trung tâm. Khi phát hiện các sự cố đe dọa an toàn tàu chạy hoặc đèn tín hiệu, gác chắn gặp sự cố, trung tâm sẽ thông báo ngay cho các đơn vị để khắc phục, đảm bảo an toàn tàu chạy.
Để kiềm chế, tiến tới làm giảm tai nạn giao thông đường sắt một cách bền vững tại các điểm giao cắt giữa đường bộ với đường sắt, đặc biệt là tại các lối đi tự mở, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã yêu cầu các lực lượng chức năng, chính quyền, ban an toàn giao thông các cấp, nhất là cấp cơ sở, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật giao thông đường sắt đến mọi người dân.
Các lực lượng chức năng (công an, thanh tra giao thông, thanh tra chuyên ngành Đường sắt...) sẽ tăng cường phối hợp kiểm tra, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm phạm vi bảo vệ công trình, trật tự, an toàn giao thông đường sắt, đặc biệt tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt nhằm nâng cao ý thức của người dân trong đảm bảo an toàn giao thông đường sắt.
Thanh Hải