Báo Đồng Nai điện tử
En

Xe máy cũ nát phải được thu hồi

10:01, 25/01/2021

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 18-1-2021 về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, thực hiện lộ trình áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn về khí thải của phương tiện giao thông.

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 18-1-2021 về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, thực hiện lộ trình áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn về khí thải của phương tiện giao thông. Trong đó, yêu cầu Hà Nội, TP.HCM thu hồi, loại bỏ xe cũ nát, lạc hậu, không đảm bảo tiêu chuẩn. Thông tin này nhận được sự quan tâm của dư luận xã hội, đặc biệt là ở những địa phương có lượng xe máy lớn như Đồng Nai.

Người dân dùng xe máy để vận chuyển xe máy cũ lưu thông trên đường Đồng Khởi. Ảnh: T.Hải
Người dân dùng xe máy để vận chuyển xe máy cũ lưu thông trên đường Đồng Khởi đoạn qua P.Tân Phong (TP.Biên Hòa). Ảnh: T.Hải

* Khí thải gây nhiều nguy hại đến sức khỏe và môi trường

Theo chỉ thị nói trên của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, ô nhiễm không khí tại nhiều địa phương trên toàn quốc vẫn có chiều hướng gia tăng cả về quy mô, mức độ, nhất là tại các thành phố lớn, gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và sức khỏe cộng đồng. Nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí do bụi, khí thải từ các phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng, hoạt động công nghiệp với lượng thải lớn, chưa được kiểm soát hiệu quả.

Nhằm tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, giảm thiểu tác động bất lợi đến sức khỏe người dân, Thủ tướng giao Bộ TN-MT tập trung rà soát, hoàn chỉnh hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về môi trường đối với khí thải công nghiệp, khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lưu hành ở Việt Nam; tiến tới thu hồi, loại bỏ xe cũ nát, lạc hậu, không đảm bảo tiêu chuẩn.

Thủ tướng Chính phủ khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, giảm phương tiện cá nhân; điều tiết, phân luồng giao thông hợp lý để hạn chế tình trạng ùn tắc kéo dài gây ô nhiễm môi trường; tổ chức và duy trì thường xuyên hoạt động phun nước rửa đường tại các trục, tuyến đường giao thông chính của các đô thị, thành phố để hạn chế bụi phát tán, đặc biệt trong điều kiện thời tiết hanh khô, lặng gió.

Các chuyên gia giao thông nhận định, xe máy là phương tiện lưu thông chính tại Việt Nam. Tuy nhiên, hiện còn nhiều xe chưa đạt chuẩn khí thải để lưu hành, trong đó có không ít là những xe cũ, xe “hết đát”. Nếu không kiểm soát chặt sẽ trở thành nguồn phát thải gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

Theo Cục Y tế giao thông vận tải (Bộ GT-VT), các chất gây ô nhiễm không khí phát sinh từ hoạt động giao thông đường bộ chủ yếu như: CO, NOx, SO2, bụi TSP… Đây là một trong những nguyên nhân trực tiếp gây ra các bệnh về đường hô hấp và có liên quan đến nhiều loại bệnh khác. Đối với hệ hô hấp, môi trường có nồng độ CO cao sẽ gây ngạt thở, trong khi khí NO2 có thể làm giảm chức năng phổi, nguy hiểm nhất là gây xơ hóa phổi, diễn biến thành bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư phổi. Cả hai loại khí này đều được phát thải chủ yếu từ các phương tiện giao thông.

Về vấn đề này, BS Phan Thanh Thủy, Trưởng khoa Hô hấp (Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai) cho biết, đối với khí thải từ xăng, dầu và bụi bặm do xe cơ giới gây ra ảnh hưởng rất lớn đến đường hô hấp của người dân. Nếu hít phải các chất gây ô nhiễm không khí phát sinh từ hoạt động giao thông đường bộ sẽ xâm nhập, tích tụ vào cơ thể gây viêm phế quản, nghẹt đường thở, hen cấp, lâu dần dễ dẫn đến sinh ra các bệnh mãn tính.

“Vì vậy người dân cần chủ động các biện pháp để bảo vệ bản thân khi lưu thông trên đường. Tránh hít trực tiếp khói bụi, khí thải từ các phương tiện giao thông. Nguy cơ ảnh hưởng cao là tại các khu vực thường xảy ra ùn tắc, vị trí dừng đèn đỏ…” - BS Thủy nói.

* Cần có lộ trình thực hiện

Tại Đồng Nai, theo thống kê mới nhất của Công an tỉnh, trong tổng số hơn 2,5 triệu phương tiện giao thông hoạt động trên địa bàn tỉnh, xe máy chiếm hơn 2,3 triệu xe. Chưa kể số phương tiện theo người lao động nhập cư từ các địa phương khác thì lượng xe máy tham gia giao thông rất lớn.

Trên các tuyến phố của TP.Biên Hòa hiện nay, không khó để bắt gặp những chiếc xe máy cũ nát thường được tận dụng để chở đá lạnh, rác, gia cầm… Thậm chí, chúng còn được “chế” lại để sử dụng vào các mục đích khác. Những chiếc xe này do đã “hết đát” nên mỗi lần chạy là thải ra lớp khói đen kịt tỏa ra môi trường xung quanh, gây ảnh hưởng đến người đi đường.

Để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, việc ban hành quy định, chính sách quản lý về phát thải nói chung và đối với các phương tiện giao thông là hết sức cấp thiết. Về lâu dài, hoạt động này nhằm kiểm soát, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực gây ra đối với môi trường và sức khỏe con người. Do đó, xe máy cũng phải được kiểm định định kỳ cả về độ an toàn và tiêu chuẩn khí thải, không chỉ xe cũ mà ngay cả xe mới nếu xuống cấp, không đáp ứng an toàn về khí thải cũng không cho sử dụng.

Theo đại diện lãnh đạo Sở GT-VT, các quy định pháp luật đối với kiểm soát chất lượng khí thải cũng như thu hồi đối với xe máy không đạt tiêu chuẩn còn thiếu và chưa được quy định rõ. Trong khi với ô tô hết hạn sử dụng, luật pháp cũng quy định cơ quan công an thu hồi giấy đăng ký, biển số, cơ quan đăng kiểm không cấp kiểm định để ngăn xe hết hạn lưu hành trên đường.

Với xe máy, đây là phương tiện đi lại chính của người dân, vừa là công cụ mưu sinh của hàng triệu người nghèo. Do đó, muốn thu hồi những xe cũ nát, không đạt chất lượng về tiêu chuẩn khí thải cần có hướng giải quyết hợp tình, hợp lý, cần có lộ trình để người dân chủ động nắm bắt, thay đổi.

Thanh Hải

 

Tin xem nhiều