Thời gian qua, nhiều vụ việc sau khi xảy ra va chạm giao thông, nhiều người dù chưa phân tích rõ nguyên nhân đúng, sai đã lao vào xô xát, ẩu đả nhau dẫn đến thương tích. Đây là hành vi phi văn hóa trong tham gia giao thông cần phải bị lên án.
Thời gian qua, nhiều vụ việc sau khi xảy ra va chạm giao thông, nhiều người dù chưa phân tích rõ nguyên nhân đúng, sai đã lao vào xô xát, ẩu đả nhau dẫn đến thương tích. Đây là hành vi phi văn hóa trong tham gia giao thông cần phải bị lên án.
Văn hóa giao thông nói một cách đơn giản là sự tự giác chấp hành pháp luật giao thông, là ứng xử có văn hóa khi đi đường hoặc khi xảy ra va chạm, tai nạn giao thông. Việc nhường nhịn nhau cũng là cách để xây dựng văn hóa giao thông từ những điều nhỏ nhất. Thế nhưng, vẫn còn tình trạng một số người khi tham gia giao thông không tuân thủ pháp luật, hành xử thiếu văn hóa. Điều này khiến những hình ảnh về giao thông trở nên xấu xí, phản cảm. Đáng chê trách hơn, hành vi này vẫn còn tồn tại và một số người thường lựa chọn giải quyết bằng “nắm đấm” thay cho hòa giải, thông cảm và bỏ qua cho nhau.
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông năm 2020, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Trương Hòa Bình đề cập đến vụ việc nam thanh niên đánh nữ sinh dã man sau va chạm ở tỉnh Bình Dương và coi đây là hiện tượng phi văn hóa trong giao thông. Việc không xử lý nghiêm những kẻ hành xử côn đồ, hung hãn, coi thường pháp luật trong các vụ va chạm giao thông sẽ tạo tiền lệ xấu cho cách hành xử côn đồ gia tăng, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, đe dọa cuộc sống yên bình của người dân.
Để giải quyết vấn đề này, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt từ các cơ quan chức năng và sự chung tay của toàn xã hội. Trong đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật giao thông cần được chú trọng hơn nữa. Các chương trình tuyên truyền, hướng dẫn về việc tham gia giao thông một cách có văn minh, văn hóa cần tổ chức gần gũi với thực tế cuộc sống hơn.
Đặc biệt, việc tuyên truyền không chỉ dừng lại ở những bài giảng trong các kỳ thi sát hạch, đào tạo lái xe mà cần đi sâu vào môi trường học đường, nhà máy, khu dân cư để làm sao đại đa số mọi người trong xã hội đều nhìn nhận việc dùng bạo lực nhằm giải quyết tình huống trong đời sống xã hội là vi phạm pháp luật, xuống cấp về đạo đức.
Hơn ai hết, mỗi chúng ta khi tham gia giao thông phải thực sự nhường nhịn nhau. Việc làm này không chỉ góp phần xây dựng văn hóa giao thông, mà còn giúp xã hội kéo giảm được đáng kể các vụ tai nạn giao thông.
Hải Dương