Theo thống kê của cơ quan chức năng, hầu hết các vụ tai nạn giao thông (TNGT) là do người điều khiển phương tiện không chấp hành nghiêm quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Trong đó, vi phạm về tốc độ dẫn đến không làm chủ tay lái là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra tai nạn.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, hầu hết các vụ tai nạn giao thông (TNGT) là do người điều khiển phương tiện không chấp hành nghiêm quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Trong đó, vi phạm về tốc độ dẫn đến không làm chủ tay lái là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra tai nạn.
Hiện trường vụ tai nạn giao thông do không giữ khoảng cách an toàn trên đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây xảy ra vào tháng 3-2019 |
* Nhiều vi phạm nghiêm trọng
Đánh giá của các lực lượng chức năng cho thấy, vi phạm về tốc độ xảy ra trên nhiều tuyến đường. Đối với những tuyến đường giới hạn tốc độ càng cao thì tình trạng vi phạm càng phổ biến, đặc biệt là vào thời điểm “đường thông, hè thoáng”. Thời gian qua, các tuyến đường cao tốc thường xuyên xảy ra các vụ xe ô tô chạy quá tốc độ cho phép.
Sáng 24-11-2020, M.X.C. (quê tỉnh Thanh Hóa) điều khiển ô tô chạy trên đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn. Khi thấy đường vắng, ít phương tiện qua lại đã phóng xe với tốc độ lên đến 233km/giờ. Tài xế ngay sau đó đã bị tổ tuần tra kiểm soát thuộc Cục Cảnh sát giao thông Bộ Công an phát hiện và áp dụng các biện pháp để dừng chiếc xe này lại.
Các mức phạt vi phạm tốc độ đối với xe ô tô theo Nghị định 100 Phạt tiền từ 800 ngàn đến 1 triệu đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 5km/giờ đến dưới 10km/giờ; phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 10-20km/giờ; phạt tiền từ 6-8 triệu đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 20-35km/giờ và phạt tiền từ 10-12 triệu đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 35km/giờ. |
Làm việc với cơ quan chức năng, tài xế C. đã thừa nhận hành vi vi phạm của mình. Người này cho hay, do vội đi công việc và vì đường đẹp, vắng xe nên đã không làm chủ được tốc độ. Với hành vi vi phạm này, lực lượng chức năng đã ra quyết định xử phạt tài xế C. 11 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 3 tháng theo quy định tại Điểm c, Khoản 7, Điều 5 Nghị định 100/NĐ-CP (gọi là Nghị định 100) ngày 30-12-2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ - đường sắt.
Trước đó, vào ngày 11-4-2020, mạng xã hội Facebook lan truyền clip dài 52 giây ghi lại cảnh một tài xế lái ô tô hiệu Mercedes chạy trên đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây với vận tốc lên đến 234km/giờ. Trong khi tốc độ tối đa cho phép trên tuyến đường này không quá 120km/giờ. Thời điểm vụ việc xảy ra tại đoạn đường thuộc địa phận Đồng Nai, trên đường cao tốc vắng xe lưu thông.
Sau khi được Cục Cảnh sát giao thông mời đến làm việc, người này khai nhận, trong lúc lưu thông trên tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây cùng với bạn bè, chủ xe đã điều khiển lái xe chạy với vận tốc 234km/giờ. Việc này được một người bạn quay lại rồi đăng lên mạng xã hội để khoe với mọi người.
* Mức phạt chưa đủ sức răn đe
Theo đại diện Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VECE, đơn vị quản lý tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây), đường cao tốc cho phép phương tiện lưu thông tốc độ cao nhưng không vì thế mà người điều khiển ô tô vô tư phóng xe quá giới hạn cho phép. Điều này rất nguy hiểm bởi việc điều khiển xe tốc độ cao, dễ mất lái và khi gặp sự cố bất ngờ dẫn đến không xử lý được. Hậu quả là dễ dẫn đến TNGT gây nguy hiểm đối với không chỉ bản thân người cầm lái mà còn cả những phương tiện khác.
“Để hạn chế các vụ TNGT do phóng nhanh, vượt ẩu, không làm chủ tốc độ, cơ quan chức năng cần tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý rất nghiêm đối với hành vi này. Đặc biệt, cần tăng chế tài phạt bổ sung như tước giấy phép lái xe với thời gian trên 6 tháng” - đại diện VECE nói.
Ông Đỗ Quang Học, giáo viên dạy lái xe tại một trung tâm ở TP.Biên Hòa phân tích, hành vi chạy xe quá tốc độ cho phép là vô cùng nguy hiểm. Hai trường hợp vi phạm nêu trên đã bị xử lý theo khung hình phạt cao nhất được quy định trong Nghị định 100. Tuy nhiên, khi đối chiếu lại các mức xử phạt được quy định trong Nghị định 100 vẫn còn chưa phù hợp.
Theo quy định, mức phạt dành cho tài xế chạy xe vượt tốc độ cho phép quá 99 km/giờ cũng chỉ ngang bằng với người lái xe vượt 35km/giờ là chưa tương xứng với vi phạm cũng như mức độ nguy hiểm cho bản thân và người khác. Mức phạt 11 triệu đồng có thể phù hợp với hành vi chạy xe vượt quy định 35km/giờ với các tuyến đường khác, nhưng sẽ là quá nhẹ nếu đem áp dụng cho trường hợp lái xe với tốc độ vượt quá 99km/giờ.
Ông Học cho biết thêm, khi lưu thông trên đường cao tốc trong điều kiện đường thông thoáng, không ít tài xế đã không tuân theo quy định. Kéo theo đó là rất nhiều nguy hiểm rình rập, đe dọa tính mạng của người tham gia giao thông. Nguyên nhân chính khiến vi phạm tốc độ trên đường cao tốc vẫn còn xảy ra nhiều ngoài ý thức kém còn do mức phạt hiện nay thấp. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu tăng nặng mức phạt để tạo tính răn đe và ngăn ngừa vi phạm.
Thanh Hải