Hiện nay, mực nước trên sông Đồng Nai đang dâng cao và ở mức báo động. Các nguy cơ mất an toàn giao thông như: tàu thuyền bị chìm khi di chuyển trên sông, đâm va vào các công trình giao thông... luôn thường trực.
Hiện nay, mực nước trên sông Đồng Nai đang dâng cao và ở mức báo động. Các nguy cơ mất an toàn giao thông như: tàu thuyền bị chìm khi di chuyển trên sông, đâm va vào các công trình giao thông... luôn thường trực. Vì vậy, việc đảm bảo an toàn cho người và phương tiện đối với các ngành chức năng cần được tăng cường và thực hiện thường xuyên.
Lực lượng Thanh tra giao thông tỉnh (Sở GT-VT) kiểm tra công tác đảm bảo an toàn đối với chủ một bến phà trên địa bàn TP.Biên Hòa. Ảnh: T.Hải |
Đồng Nai đang bước vào cao điểm mùa mưa, các đợt mưa to, gió lớn những ngày vừa qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình lưu thông của tàu thuyền trên sông.
* Nguy cơ mất an toàn giao thông đường thủy
Ghi nhận của phóng viên Báo Đồng Nai vào ngày 22-10 cho thấy, thời điểm ban ngày, khu vực cầu Đồng Nai, cầu Hóa An (TP.Biên Hòa) có hàng ngàn tàu thuyền, sà lan chở vật liệu xây dựng, hàng hóa nối đuôi nhau di chuyển. Trong đó, chủ yếu là phương tiện chở vật liệu xây dựng vào các bến thủy nội địa hai bên sông. Điều đáng nói là tình trạng phương tiện chở vượt vạch giới hạn mức nước được phép chở (vạch mớn nước) xảy ra khá nhiều.
Theo một chủ sà lan chở đá xây dựng (từ Đồng Nai đi Long An), nhằm giảm chi phí vận chuyển, nhiều chủ phương tiện cố tình chở hàng với số lượng vượt quá quy định cho phép. Từ các loại ghe bầu nhỏ vài chục tấn cho đến các loại sà lan cả ngàn tấn, đa số đều chở gần lút vạch mớn nước.
Theo Ban An toàn giao thông tỉnh, trong 9 tháng của năm 2020 toàn tỉnh xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông đường thủy, làm chết 11 người, bị thương 2 người. So với cùng năm 2019 tăng 1 vụ, không tăng giảm số người chết, nhưng tăng 2 người bị thương. |
“Các sà lan này di chuyển ngược xuôi trên sông được ví như những “quả núi” di động. Nếu gặp sóng to, gió lớn rất dễ bị chìm, thậm chí có thể đâm, va vào chân cầu hay các phương tiện giao thông thủy khác, gây mất an toàn giao thông” - chủ sà lan này nói.
Để đảm bảo an toàn cho cầu và các phương tiện lưu thông trên sông, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam vừa yêu cầu Chi cục Đường thủy nội địa phía Nam triển khai công tác điều tiết, hướng dẫn giao thông khu vực từ cầu Hóa An đến cầu Đồng Nai.
Theo đó, kể từ cuối tháng 9-2020 đến nay, đơn vị này đã bố trí 2 tổ công tác trực chốt 24/24 giờ tại vị trí cầu Hóa An và cầu Đồng Nai. Mỗi vị trí chia làm 2 phía ở thượng nguồn và hạ nguồn có nhiệm vụ trực chiến chống trôi, va đập vào trụ, thành cầu. Các phương tiện đường thủy khi lưu thông đến khu vực trên phải tuyệt đối tuân theo sự hướng dẫn của báo hiệu và lực lượng điều tiết.
Ông Trần Hoàng Tùng, thành viên tổ điều tiết thuộc Công ty Quản lý bảo trì đường thủy nội địa số 10 cho biết, công tác đảm bảo an toàn giao thông đường thủy gặp nhiều khó khăn khi mực nước sông dâng cao. Nhất là vào ban ngày, lượng phương tiện tập trung đông đúc nên việc thực hiện điều tiết, hỗ trợ tàu thuyền qua lại dưới dạ cầu Hóa An và Đồng Nai khá vất vả.
Khi nước dâng lên buộc các phương tiện phải neo đậu hai bên cầu để chờ nước hạ mới lưu thông được. Trong quá trình chờ, việc neo đậu cũng cần đảm bảo an toàn tránh trôi phương tiện tự do. Ngoài ra, lực lượng chức năng sẽ kết hợp cứu hộ, cứu nạn đối với các phương tiện gặp tai nạn, sự cố trên sông tránh để tàu, thuyền, sà lan bị hỏng máy, neo tàu bị đứt rồi đâm vào thành cầu.
* Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm
Nhằm đảm bảo an toàn giao thông đường thủy mùa nước lớn, Bộ GT-VT đã yêu cầu các ngành chức năng, đơn vị quản lý các tuyến đường sông phải thực hiện đồng bộ các giải pháp như: phân luồng, cắm biển báo ở những nơi có nguy cơ mất an toàn; đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra ở những nơi dễ gây mất an toàn giao thông đường thủy.
Hiện nay, pháp luật quy định phương tiện thủy vận chuyển hàng hóa không được chở quá vạch dấu mớn nước an toàn; người đi đò, phà phải mặc áo phao. Tại các bến phà trên địa bàn tỉnh như: TP.Biên Hòa, các huyện Vĩnh Cửu, Nhơn Trạch, Long Thành… ngoài áo phao thì vật liệu nổi cầm tay được trang bị đầy đủ cho các phà chở khách. Khi chẳng may xảy ra sự cố, các đồ dùng này trở thành phao dự phòng giúp hành khách có thêm phương tiện cứu sinh. Tuy nhiên, tình trạng phương tiện chở quá vạch an toàn, người đi đò, phà không mặc áo phao vẫn còn xảy ra.
Theo Thanh tra giao thông tỉnh (Sở GT-VT), từ đầu năm 2020 đến nay, lực lượng chức năng đã kiểm tra hơn 2 ngàn lượt phương tiện chở hàng hóa tại các khu vực neo đậu, bến khách ngang sông, lập biên bản xử phạt hành chính đối với 276 trường hợp với các lỗi: vượt quá vạch dấu mớn nước an toàn của phương tiện (92 vụ); không bố trí đủ định biên thuyền viên (11 vụ); neo, đậu phương tiện gây cản trở giao thông (18 vụ); khai thác bến thủy quá thời hạn (5 vụ)…
Thanh tra Sở GT-VT đã chỉ đạo các đội thanh tra giao thông trực thuộc tiến hành kiểm tra các công trình giao giao thông đường thủy nội địa. Trong đó, kiểm tra các cây cầu quan trọng gồm: Hóa An, Đồng Nai, Ghềnh, Rạch Cát, Thủ Biên, Hiệp Hòa, Bửu Hòa, An Hảo; đồng thời thường xuyên kiểm tra tình hình nạo vét luồng trên các sông thuộc địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Công Đáng, Phó chánh thanh tra giao thông tỉnh cho hay, lực lượng thanh tra cũng thường xuyên kiểm tra, tuyên truyền các chủ bến, lái phà chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường thủy nội địa sửa đổi năm 2014 trong việc vận chuyển hành khách đảm bảo an toàn tuyệt đối; đồng thời cũng nhắc nhở hành khách tự giác mặc áo phao, dụng cụ nổi khi xuống phà. Kiên quyết không để xảy ra tình trạng đò, phà chở khách xuất bến mà thiếu các điều kiện về an toàn.
Thanh Hải