Tháng 9 hằng năm là Tháng cao điểm về an toàn giao thông (ATGT), do đó công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức tham gia giao thông đến các em học sinh, phụ huynh được các ngành, địa phương quan tâm, chú trọng.
Tháng 9 hằng năm là Tháng cao điểm về an toàn giao thông (ATGT), do đó công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức tham gia giao thông đến các em học sinh, phụ huynh được các ngành, địa phương quan tâm, chú trọng. Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng cũng sẽ ra quân kiểm tra, xử phạt các vi phạm gây mất ATGT, giải quyết ùn tắc giao thông trước cổng trường học.
Học sinh tại một trường THPT trên địa bàn TP.Biên Hòa sử dụng xe máy phân khối lớn để đi học. Ảnh: T.Hải |
Bước vào năm học mới, một trong những vấn đề được quan tâm là ATGT cho trẻ khi đến trường.
* Vẫn còn nhiều nỗi lo
Vào mỗi đầu năm học mới, các ban, ngành trong tỉnh thường phối hợp các sở, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội hỗ trợ ngành GD-ĐT trong công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức và hướng dẫn kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho học sinh các cấp và sinh viên. Trong đó, có việc cha mẹ học sinh ký và thực hiện cam kết chấp hành quy định ATGT cho học sinh, đặc biệt phải đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi đi mô tô, xe máy; không giao mô tô, xe máy cho trẻ em chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện theo quy định.
Tuy nhiên, dù vấn đề được thực hiện hằng năm, nhưng nhiều trường học bậc THPT, thậm chí THCS vẫn còn xảy ra tình trạng học sinh chưa chấp hành quy định của Luật Giao thông đường bộ. Tại TP.Biên Hòa, trước và sau giờ tan học, một số học sinh chưa đủ điều kiện điều khiển xe phân khối lớn vẫn vô tư điều khiển xe máy phân khối lớn lưu thông trên đường. Trong quá trình lưu thông, các em không đội mũ bảo hiểm, đi dàn hàng ngang hoặc chở cùng lúc từ 2-3 bạn học… Đa phần các em học sinh còn thiếu kỹ năng lái xe, thiếu kinh nghiệm phán đoán và xử lý tình huống, dễ dẫn đến các nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông khi lưu thông trên đường.
Ban ATGT tỉnh yêu cầu các lực lượng chức năng tăng cường công tác thanh, kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm giao thông; đồng thời rà soát, bổ sung, lắp đặt các biển báo giao thông trước trường học để học sinh ra, vào an toàn, thuận lợi. |
Bên cạnh đó, hiện nay, không ít phụ huynh còn chủ quan, xem nhẹ việc đảm bảo ATGT khi đưa đón học sinh đến trường. Một số phụ huynh chở con em trên đường nhưng không đội mũ bảo hiểm cho trẻ; đặt trẻ ngồi, đứng trên phần để chân của xe tay ga; thậm chí phụ huynh vừa điều khiển xe vừa nghe điện thoại. Chính sự chủ quan, liều lĩnh này dễ dẫn đến nguy cơ xảy ra những tai nạn giao thông đáng tiếc.
Ngoài ra, một trong những nỗi lo của nhiều phụ huynh học sinh khi bước vào năm học mới vẫn là sự an toàn cho trẻ khi gửi con em đi học bằng xe đưa đón học sinh. Bởi thời gian qua, nhiều địa phương trong cả nước, trong đó có Đồng Nai cũng đã xảy ra nhiều sự cố mất an toàn cho học sinh liên quan đến xe đưa đón.
Trong các lần kiểm tra trước đó, Thanh tra giao thông (Sở GT-VT), Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) đã nhiều lần phát hiện các phương tiện không đảm bảo an toàn chất lượng, chủ xe sẵn sàng thay đổi thiết kế xe, tháo các ghế ngồi riêng lẻ rồi làm thành băng ghế dài để có thể chở được nhiều học sinh hơn. Không ít trường hợp xe chưa được cấp phù hiệu, xe hết hạn đăng kiểm, lái xe thiếu chứng chỉ chuyên môn… Do đó, trong năm học mới 2020-2021 rất nhiều phụ huynh mong muốn các ngành chức năng, đơn vị liên quan phối hợp với nhà trường kiểm tra, quản lý chặt loại hình vận tải này để kịp thời ngăn chặn các sự cố xảy ra.
* Đảm bảo an toàn cho học sinh
Mới đây, Ủy ban ATGT quốc gia đã có văn bản đề nghị chủ tịch UBND, kiêm trưởng ban ATGT các tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở, ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương tổ chức thực hiện Tháng cao điểm ATGT cho học sinh đến trường năm học 2020-2021.
Trong đó, Ủy ban ATGT quốc gia lưu ý các địa phương chỉ đạo các ban, ngành, lực lượng chức năng thường xuyên nhắc nhở, giáo dục học sinh tự giác chấp hành quy định của pháp luật khi tham gia giao thông, đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, xe đạp điện; không chở quá số người quy định trên các phương tiện tham gia giao thông; không điều khiển xe mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe; không tham gia giao thông trên các phương tiện giao thông không đảm bảo quy định như: xe tự chế, xe ô tô hết niên hạn...
Đặc biệt, Ủy ban ATGT quốc gia yêu cầu các đơn vị tổ chức kiểm tra việc thực hiện cam kết giữa gia đình và nhà trường trong công tác giáo dục và bảo đảm trật tự ATGT cho học sinh; gắn trách nhiệm người đứng đầu các cơ sở giáo dục có trường hợp tai nạn giao thông liên quan đến học sinh, sinh viên, xử lý trách nhiệm đối với tập thể và cá nhân vi phạm.
Trung tá Trần Trọng Thủy, Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh cho biết, trước năm học mới đơn vị đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về ATGT đến các trường học trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, bố trí lực lượng phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức phân luồng, điều tiết, hướng dẫn giao thông tại các khu vực trường học, không để xảy ra tình trạng mất ATGT.
Phó trưởng ban chuyên trách Ban ATGT tỉnh Não Thiên Anh Minh cho biết thêm, để giải quyết vấn đề này, việc góp phần giáo dục pháp luật về ATGT cho học sinh là vô cùng quan trọng. Từ đó, giúp các em nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình khi tham gia giao thông; có ý thức tuân thủ pháp luật về ATGT để đảm bảo an toàn tính mạng cho bản thân mình và mọi người.
Thanh Hải