Báo Đồng Nai điện tử
En

Xe chở quá khổ gây mất an toàn giao thông

08:04, 26/04/2020

Xe quá khổ không tuân thủ về chiều cao, bề ngang khung xe không chỉ gây mất an toàn cho người đi đường mà khi xảy ra va chạm còn khiến chất lượng các công trình giao thông bị ảnh hưởng.

Xe quá khổ không tuân thủ về chiều cao, bề ngang khung xe không chỉ gây mất an toàn cho người đi đường mà khi xảy ra va chạm còn khiến chất lượng các công trình giao thông bị ảnh hưởng.

Hiện trường xe đầu kéo chở máy xúc đâm gãy thanh giới hạn chiều cao khu vực hầm chui ngã tư Vũng Tàu (TP.Biên Hòa) vào ngày 15-5-2019. Ảnh: V.Nguyên
Hiện trường xe đầu kéo chở máy xúc đâm gãy thanh giới hạn chiều cao khu vực hầm chui ngã tư Vũng Tàu (TP.Biên Hòa) vào ngày 15-5-2019. Ảnh: V.Nguyên

* Xe chở hàng “vượt khung”

Hiện nay, các mức phạt đối với hành vi phương tiện chở hàng hóa không đúng kích thước thành, thùng xe ngày càng nặng, tuy nhiên nhiều lái xe vẫn cố tình không chấp hành. Nhiều vụ container, xe tải do chở hàng cồng kềnh không chú ý quan sát đã đâm, va vào nhiều công trình giao thông.

Cụ thể, vào ngày 21-3, chiếc xe tải lưu thông theo hướng Bà Rịa - Vũng Tàu đi TP.HCM khi chuẩn bị qua khỏi hầm chui ngã tư Vũng Tàu (TP.Biên Hòa) thì thùng hàng trên xe va vào khung giới hạn chiều cao gây hư hỏng. Vụ việc không gây thiệt hại về người, nhưng khiến giao thông qua khu vực bị ùn tắc kéo dài.

Trước đó, vào khoảng 16 giờ ngày 11-11-2019, xe container biển số 61C-280.83 do tài xế Vũ Như Thành (quê tỉnh Bình Định) chở phế liệu lưu thông trên quốc lộ 51 theo hướng từ vòng xoay Cổng 11 về ngã tư Vũng Tàu. Khi đến khu vực trước cổng hầm chui, thùng container phía sau quá cao nên đã vướng vào khung giới hạn chiều cao khiến toàn bộ khung giới hạn chiều cao bị gãy đổ chắn ngang trước cửa hầm chui.

Ông Nguyễn Đăng Toàn, nhân viên điều tiết giao thông nút giao ngã tư Vũng Tàu cho biết, kể từ khi ở hầm chui lắp đặt biển hạn chế chiều cao (4,3m) đối với phương tiện qua hầm, nhiều trường hợp xe quá khổ cố tình “vượt ải”, bất chấp biển cấm vẫn chạy xe qua làm đổ sập khung khống chế chiều cao tại cửa hầm chui.

“Từ tháng 3-2018 đến nay, đã có gần 10 vụ việc tương tự xảy ra tại khu vực này. Mỗi lần như vậy là giao thông tại đây ùn tắc kéo dài gây khó khăn cho công tác phân luồng, điều tiết giúp phương tiện lưu thông. Điều đáng nói, biển báo giới hạn chiều cao đã cảnh báo từ xa, nhưng nhiều lái xe vẫn không chấp hành” - ông Toàn nói.

Không chỉ ở hầm chui mà ở một số cầu vượt cũng xảy ra tình trạng nói trên. Cụ thể như vào tối 12-8-2019, tại khu vực cầu vượt Long Thành (đoạn giao giữa đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây với quốc lộ 51 thuộc H.Long Thành) cũng xảy ra vụ thùng hàng xe container va vào dạ cầu vượt. Vào thời điểm trên, xe container biển số 72C-080.24 kéo theo
rơ-moóc 72R-010.92 chở ca nô lưu thông từ Vũng Tàu đi Biên Hòa. Khi đến nhịp 8 cầu vượt Long Thành thì xe này vướng vào dạ cầu (chiều cao cho phép là 4,5m) nên bị kẹt cứng không di chuyển được.

Điều đáng nói, trong quá trình phối hợp “giải cứu” xe container, tài xế cho xe chạy lùi nhưng vẫn vướng. Phụ xe lên kiểm tra thì bất ngờ tài xế cho xe chạy về phía trước khiến người này đập đầu vào dầm cầu dẫn đến tử vong. Sau khi sự việc xảy ra, các đơn vị liên quan đã có mặt để phối hợp xử lý và điều tiết giao thông tại đây.

* Tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm

Theo đại diện Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VECE - đơn vị quản lý tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây), việc phương tiện chở hàng cồng kềnh không tuân thủ quy định giới hạn chiều cao đối với các công trình giao thông khi xảy ra va chạm có thể ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Do đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát nhằm xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm.

Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, khi đi qua gầm cầu có yêu cầu giới hạn về độ cao an toàn, người điều khiển xe ô tô tham gia giao thông không tuân thủ chỉ dẫn của hệ thống báo hiệu đường bộ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính.

Cụ thể, tại Khoản 4, Điều 5 của Nghị định100/2019/NĐ-CP, đối với hành vi điều khiển xe ô tô đi vào khu vực cấm, đường có biển báo hiệu có nội dung cấm đi vào đối với loại phương tiện đang điều khiển có thể bị phạt tiền từ 200 ngàn đồng đến 2 triệu đồng. Trường hợp lái xe vi phạm mà gây tai nạn giao thông còn bị phạt tiền từ 10-12 triệu đồng.

Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Bộ GT-VT) Nguyễn Văn Thạch cho rằng, các xe tải trọng lớn khi lưu thông mắc kẹt ở gầm cầu thể hiện sự chủ quan và thiếu chú ý quan sát của lái xe trong quá trình điều khiển phương tiện. Xe quá khổ cố tình vượt qua dạ cầu sẽ khiến cầu chịu lực tác động khiến kết cấu công trình giao thông bị nứt, giảm sức chịu lực và giảm tuổi thọ. Do đó, các lực lượng chức năng cần phải xử lý nghiêm, không để những phương tiện này lưu thông trên đường gây mất an toàn giao thông.

Theo Thanh tra giao thông (Sở GT-VT), trong 3 tháng đầu năm 2020, lực lượng chức năng đã lập biên bản xử phạt đối với 315 trường hợp phương tiện đi vào đường cấm, vi phạm kích thước thùng xe… Thời gian tới, ngành chức năng sẽ tăng cường kiểm tra, xử phạt đối với những vi phạm này.

Võ Nguyên

Tin xem nhiều