Báo Đồng Nai điện tử
En

Thiếu dải phân cách, quốc lộ 1 nhiều điểm mất an toàn

09:06, 06/06/2016

Sau vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng vừa diễn ra ở Bình Thuận khiến 13 người chết, nhiều người lại lo ngại tai nạn vẫn có thể xảy ra vì trên tuyến quốc lộ 1, đoạn từ Bình Thuận đến Đồng Nai, vì còn nhiều điểm thiếu dải phân cách cứng, khiến các phương tiện có thể đối đầu bất cứ lúc nào.

Sau vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng vừa diễn ra ở Bình Thuận khiến 13 người chết, nhiều người lại lo ngại tai nạn vẫn có thể xảy ra vì trên tuyến quốc lộ 1, đoạn từ Bình Thuận đến Đồng Nai, vì còn nhiều điểm thiếu dải phân cách cứng, khiến các phương tiện có thể đối đầu bất cứ lúc nào.

Xe khách (màu đỏ) phóng vượt lên các xe khác, chiếm hết phần đường của hướng ngược lại.  Ảnh: T.HẢI
Xe khách (màu đỏ) phóng vượt lên các xe khác, chiếm hết phần đường của hướng ngược lại. Ảnh: T.HẢI

Vào ban đêm, nhiều xe khách chạy với tốc độ cao nên đến khúc cua, đoạn đường công thiếu dải phân cách, tài xế không làm chủ được tay lái rất dễ dẫn đến tai nạn.

* Xe cộ dễ đối đầu

Hiện tuyến quốc lộ 1 qua Đồng Nai mặt đường khá hẹp, đường vốn chỉ có một làn dành cho xe ô tô, một làn hỗn hợp (cho xe 2-3 bánh, xe ô tô rẽ phải) nên khi muốn vượt, các phương tiện đều lấn hết sang làn đường ngược chiều để chạy. Tại một số khúc cua, mặt đường không được đặt dải phân cách mà chỉ có vạch kẻ đường, nhiều xe khách, xe tải vẫn vô tư vượt nhau khiến các xe chạy hướng ngược lại phải đánh lái né vào sát lề đường.

Quốc lộ 1 là tuyến đường huyết mạch, mỗi ngày có trên 150 ngàn lượt xe qua lại, trong đó chủ yếu là lượng xe khách đường dài và xe tải các loại. Theo phản ánh của người dân vào buổi tối hay sáng sớm, không hiếm để có thể chứng kiến tình trạng xe khách, xe du lịch chạy với tốc độ kinh hoàng, vượt nhau lấn sang làn đường ngược lại. Còn ban ngày, nếu đoạn nào vắng bóng lực lượng cảnh sát giao thông thì tài xế thoải mái tranh nhau vượt.

Việc mặt đường ở quốc lộ 1 được cải tạo, nhưng không mở rộng khiến các phương tiện gặp nhiều khó khăn khi lưu thông.

Bên cạnh đó, dù phần lớn quốc lộ 1 đã được lắp dải phân cách cứng, nhưng đoạn từ km 1802 thuộc huyện Xuân Lộc kéo dài đến tỉnh Bình Thuận, không hề có dải phân cách cứng làm tim đường. Đặc biệt, có một số đoạn đường khá cong và dốc không hề được lắp dải phân cách, như: đoạn qua xã Bắc Sơn (huyện Trảng Bom), xã Suối Tre (TX.Long Khánh), xã Xuân Phú (huyện Xuân Lộc)…

Một số đoạn trên tuyến quốc lộ 1, đơn vị thi công đang sửa chữa, lắp đặt hệ thống cống thoát nước ở 2 bên đường, nhưng việc đảm bảo an toàn trong thi công chưa được quan tâm. Tình trạng này khiến nhiều phương tiện khi di chuyển qua đây gặp nhiều khó khăn, tiềm ẩn các nguy cơ tai nạn giao thông.

Sau một hành trình dài, di chuyển hơn ngàn cây số từ miền Bắc, miền Trung vào Nam, đa số tài xế dễ mệt mỏi, lơ là trên đoạn đường vắng. Nếu không có những dải phân cách, chia đường thành 2 chiều riêng biệt rất có thể nhiều tài xế tận dụng “cơ hội” này để vượt ẩu, gây ra tai nạn. Chưa kể mặt đường hẹp, các phương tiện thường xuyên lấn làn gây bức xúc cho những lái xe khác. Hành khách ngồi trên xe ai nấy đều lo sợ tai nạn có thể ập đến bất cứ lúc nào, còn người dân sống 2 bên đường cũng bất an không kém. “Đang ngủ mà nghe tiếng xe khách rồ ga là biết 2 xe đang đua nhau, tranh nhau trên đường để vượt. Mà đâu phải đường bằng phẳng gì, đoạn này rất dốc vậy mà tài xế vẫn cứ phóng bạt mạng. Nhiều lúc cứ thấp thỏm sợ xe lao vào nhà mình nên không ngủ được” - bà Nguyễn Thị Thập (ngụ xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom) cho hay.

* Có dải phân cách, hạn chế tai nạn giao thông nghiêm trọng

Sau vụ tai nạn giao thông thảm khốc, tỉnh Bình Thuận đề nghị Bộ Giao thông - vận tải tổ chức khảo sát, lắp dải phân cách cứng và các điều kiện đảm bảo an toàn giao thông, tránh tình trạng đối đầu giữa 2 xe có thể gây tai nạn.

Tại Đồng Nai, vấn đề này đã được Ban An toàn giao thông tỉnh nhiều lần ý kiến và đề nghị lắp đặt dải phân cách trên toàn tuyến, nhưng Bộ Giao thông - vận tải chỉ đồng ý lắp ở những vị trí đông dân cư, điểm đen về tai nạn giao thông. Thực tế cho thấy, dù hiện nay bề mặt đường khá hẹp, mỗi chiều chỉ có 2 làn xe, nhưng từ khi được lắp dải phân cách, một số nơi tình trạng đối đầu giữa các phương tiện đã giảm hẳn.

 Quốc lộ 1 đoạn qua phường Tân Biên (TP.Biên Hòa) đang làm lại cống thoát nước, nhưng việc rào chắn trong quá trình thi công còn sơ sài.
Quốc lộ 1 đoạn qua phường Tân Biên (TP.Biên Hòa) đang làm lại cống thoát nước, nhưng việc rào chắn trong quá trình thi công còn sơ sài.

Ông Nguyễn Công Thanh, Phó cục trưởng Cục Quản lý đường bộ IV, cho biết Tổng cục Đường bộ Việt Nam thừa nhận việc lắp đặt dải phân cách đã góp phần hạn chế các vụ tai nạn đối đầu xảy ra. Bộ Giao thông - vận tải khuyến khích các tuyến đường rộng nên lắp dải phân cách tách làn xe cơ giới 2-3 bánh với làn ô tô. Tuy nhiên, ở những đoạn đường hẹp, mặt đường dưới 12m bề ngang thì không thuận lợi để làm tim đường.

“Trước mắt, chúng tôi sẽ lắp dải phân cách trên quốc lộ 1 không chỉ riêng đoạn qua tỉnh Bình Thuận mà sẽ lắp bổ sung tại các điểm ở Đồng Nai. Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang khảo sát để đề xuất lên Bộ mở rộng mặt đường từ 12 lên 16m, nhằm tạo thuận lợi cho việc di chuyển của các phương tiện” - ông Thanh nhấn mạnh.

Ông Lê Trọng Vĩnh, chuyên viên Ban An toàn giao thông tỉnh, cho biết trên suốt tuyến quốc lộ 1 qua địa bàn tỉnh, trước đây có nhiều đoạn thường xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng do xe khách đụng đối đầu. Từ khi Ban An toàn giao thông tỉnh chủ động đề nghị đơn vị quản lý quốc lộ 1 tăng cường lắp dải phân cách tim đường ở các đoạn “đường đen”, thì tình hình tai nạn đã giảm đáng kể.

“Đồng Nai cũng đang tiếp tục kiến nghị mở rộng đường hơn nữa so với hiện nay để tách riêng làn xe 2-3 bánh với các loại xe ô tô. Đây là giải pháp cần thiết phải được triển khai sớm nhằm đảm bảo an toàn giao thông đi qua địa bàn tỉnh” - ông Vĩnh chia sẻ thêm.        

    Thanh Hải

 

 

 

Tin xem nhiều