Báo Đồng Nai điện tử
En

Thay biển báo "rùa" trên các tuyến đường

10:02, 29/02/2016

Theo Thông tư 91/2015/TT-BGTVT của Bộ Giao thông - vận tải quy định về tốc độ và khoảng cách của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng khi tham gia giao thông đường bộ, từ ngày 1-3 ô tô chạy trong khu vực đông dân cư sẽ được tăng vận tốc lưu thông thêm 10km/giờ so với hiện tại.

Theo Thông tư 91/2015/TT-BGTVT của Bộ Giao thông - vận tải quy định về tốc độ và khoảng cách của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng khi tham gia giao thông đường bộ, từ ngày 1-3 ô tô chạy trong khu vực đông dân cư sẽ được tăng vận tốc lưu thông thêm 10km/giờ so với hiện tại.

Tuyến quốc lộ 1, đoạn qua khỏi cầu vượt Amata hướng về TP.Hồ Chí Minh, biển báo tốc độ 40km/giờ đã được bỏ, chuyển thành 50km/giờ. Ảnh: T.HẢI
Tuyến quốc lộ 1, đoạn qua khỏi cầu vượt Amata hướng về TP.Hồ Chí Minh, biển báo tốc độ 40km/giờ đã được bỏ, chuyển thành 50km/giờ. Ảnh: T.HẢI

Thực trạng biển báo “rùa” dưới 50km/giờ, thậm chí cả biển báo tốc độ cho phép chỉ 20-30 km/giờ trên các tuyến đường ở Đồng Nai khá nhiều, khiến các phương tiện giao thông phải “bò” từng km, gây bức xúc cho người dân. Hầu hết biển báo tốc độ dưới 50 km/giờ được cắm ở các tuyến đường tỉnh, huyện và các tuyến đường khu đông dân cư. Nhiều người cho rằng, việc để biển báo hạn chế tốc độ 40km/giờ tiềm ẩn nguy cơ gây ùn tắc giao thông.

* Tài xế “dễ thở”

Ngày 20-1, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị quản lý giao thông phải tháo bỏ ngay các biển báo hạn chế tốc độ dưới 50km/giờ trên toàn hệ thống đường bộ, kể cả các đoạn tuyến đang sửa chữa. Trường hợp cần thiết thì lắp đặt biển báo đi chậm, hoặc biển hạn chế tốc độ lớn hơn và kết hợp cảnh báo khác.

Sau khi thực hiện thay biển báo “rùa”, ghi nhận của phóng viên Báo Đồng Nai cho thấy tất cả các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ ở Đồng Nai đã có sự thay đổi đáng kể. Hầu hết biển báo quy định tốc độ 40km/giờ được thay bằng biển 50km/giờ, một số nơi như tỉnh lộ 767 đã cắm biển báo nâng tốc độ cho phép lên 60km/giờ. Kết quả này đã nhận được nhiều phản hồi tích cực của cánh tài xế mỗi khi di chuyển qua địa phận Đồng Nai.

Anh Nguyễn Trường Toản (31 tuổi), tài xế xe tải chở hàng từ Bình Thuận vào TP.Hồ Chí Minh, cho hay sự điều chỉnh biển báo tốc độ giúp tài xế tránh được “bẫy tốc độ” và ùn ứ giao thông giờ cao điểm. Việc làm này đúng với thực tế thiết kế cầu đường mà lẽ ra ngành giao thông phải lắp đặt ngay khi đưa tuyến đường vào khai thác để tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân, chứ không phải để đến bây giờ mới thực hiện.

“Bây giờ, chúng tôi chạy xe với tâm lý thoải mái hơn, thay vì lúc nào cũng chăm chăm nhìn đồng hồ chạy sao cho đúng 40 km/giờ. Ngoài ra, đường phố giờ cao điểm cũng bớt ùn tắc hơn khi áp dụng theo quy định mới. Cũng cần dẹp bỏ các biển quy định tốc độ, hạn chế tốc độ bị che khuất, mù mờ làm cho dân bị nộp tiền phạt oan. Các biển báo này cần bố trí trên cao, kích thước đủ lớn cho người đang điều khiển xe dễ nhìn thấy” - anh Toản vui vẻ nói.

Theo các tài xế, thay biển báo tốc độ lên 50km/giờ là điều phải làm khi chất lượng đường sá ở Việt Nam đã được nâng lên đáng kể. Đường đẹp và rộng thênh thang mà để tốc độ “rùa” sẽ rất lãng phí.
Với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, ông Đặng Thành Trung (45 tuổi), tài xế chạy xe du lịch cho một công ty ở TP.Hồ Chí Minh, chia sẻ không ít đoạn đường dù đã chạy vào khu dân cư, nhưng có chỗ đặt biển báo “bắt đầu khu đông dân cư”, có chỗ lại không có biển báo khiến người lái lúng túng. Tài xế không thể lúc nào cũng giương mắt lên chờ xem khi nào đến biển báo đô thị để điều chỉnh tốc độ di chuyển.

Ngoài ra, những người đi từ đường nhánh ra rất khó để biết tốc độ hợp lý vì biển báo thường được cắm ở trước đó khá xa. “Theo tôi, nên đặt thêm biển hạn chế tốc độ để khi thấy biển này tài xế chủ động giảm tốc độ dưới 50km/giờ, hết khu đông dân cư thì có thể tăng lên đến 60-80km/giờ” - ông Trung đề xuất.

* Lo tăng tai nạn giao thông

Theo Thông tư 91, việc tăng vận tốc thêm 10km/giờ tương ứng với 2 loại đường. Cụ thể, trong khu vực đông dân cư với đường đôi (có dải phân cách giữa), đường một chiều có từ 2 làn xe cơ giới thì cho phép xe cơ giới (gồm: xe ô tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ-moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; xe mô tô 2 bánh; xe mô tô 3 bánh trở lên) chạy với tốc độ tối đa 60km/giờ. Với đường 2 chiều không có dải phân cách giữa, đường một chiều có 1 làn xe cơ giới, các xe cơ giới được chạy với tốc độ 50km/giờ.

Để triển khai Thông tư 91, mới đây Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có văn bản yêu cầu Cục Quản lý đường bộ, các sở giao thông - vận tải rà soát lại toàn bộ các biển báo khu đông dân cư để điều chỉnh cho phù hợp, thực hiện xong trước ngày 1-3. Đồng thời, phải rà soát lại các biển báo tốc độ trên các đoạn đường đôi trong khu đông dân cư và các đoạn đường đôi ngoài khu đông dân cư để thay bằng biển báo 60km/giờ và 90km/giờ.

Điều 4 của Thông tư 91 quy định: “Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải điều khiển xe chạy với tốc độ phù hợp với điều kiện của cầu, đường, mật độ giao thông, địa hình, thời tiết và các yếu tố ảnh hưởng khác để bảo đảm an toàn giao thông…”.

Khi điều khiển xe chạy với tốc độ từ 60km/giờ trở xuống trong khu vực đô thị, đông dân cư, người lái xe phải chủ động giữ khoảng cách an toàn phù hợp với xe chạy liền trước xe của mình; khoảng cách này tùy thuộc vào mật độ phương tiện, tình hình giao thông thực tế để đảm bảo an toàn.


Một cán bộ cảnh sát giao thông Công an TP.Biên Hòa cho biết, thay đổi tốc độ di chuyển trong khu vực nội ô lên 50-60km/giờ là cần thiết nhằm hạn chế tình trạng kẹt xe, ùn tắc giao thông, nhưng sẽ khiến tình hình an toàn giao thông trở nên khó kiểm soát. Đường đông, nhiều người cứ tốc độ tối đa mà chạy sẽ rất dễ xảy ra va chạm và tai nạn giao thông.

Một số nơi biển báo ghi tốc độ đã được xóa bỏ.
Một số nơi biển báo ghi tốc độ đã được xóa bỏ.

Giám đốc Sở Giao thông - vận tải Trịnh Tuấn Liêm cho biết thực hiện yêu cầu từ phía Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đến nay trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành việc thay thế các biển báo tốc độ từ 40km/giờ lên 50km/giờ trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ. Tuy nhiên, không phải tuyến đường nào sở cũng nâng tốc độ tối đa cho phép 50km/giờ. Trong đó, tuyến đường Đinh Quang Ân đi vào mỏ đá Tân Cang, các tuyến đường đèo quanh co, “điểm đen” thường xuyên xảy ra tai nạn vẫn được giữ nguyên tốc độ nhằm đảm bảo an toàn giao thông cho việc đi lại của người dân.

“Dù đã nâng tốc độ di chuyển của các phương tiện giao thông, nhưng không thể buông lỏng việc quản lý, kiểm soát tốc độ vì có thể khiến tai nạn giao thông tăng lên. Trường hợp cần thiết sẽ lắp đặt biển báo đi chậm hoặc biển hạn chế tốc độ và kết hợp các cảnh báo khác” - ông Trịnh Tuấn Liêm nhấn mạnh.

Thanh Hải
 
 



 

Tin xem nhiều