Là những người dân bình thường, cũng cần mưu sinh để sống, cũng muốn hưởng sự bình yên mỗi khi giao thông trên đường. Nhưng khác với những người dân khác ở ấp Xóm Gò (xã Long Phước, huyện Long Thành), họ đã và đang lặng thầm chiến đấu chống lại đinh tặc, để trên những con đường ấy, người dân đi qua mỗi ngày bình yên và an toàn…
Là những người dân bình thường, cũng cần mưu sinh để sống, cũng muốn hưởng sự bình yên mỗi khi giao thông trên đường. Nhưng khác với những người dân khác ở ấp Xóm Gò (xã Long Phước, huyện Long Thành), họ đã và đang lặng thầm chiến đấu chống lại đinh tặc, để trên những con đường ấy, người dân đi qua mỗi ngày bình yên và an toàn…
* Chống đinh tặc, 80 chưa phải là già…
Ở cái tuổi trên cả “xưa nay hiếm”, cụ Trần Văn Cả, 83 tuổi ở ấp Gò vẫn cần mẫn với “nghề” nhặt đinh trên quốc lộ 51. Con cháu đề huề, lương hưu cũng thừa cho cụ sống một tuổi già an nhàn. Thế nhưng chứng kiến cảnh người đi xe máy bị cán phải đinh do bọn đinh tặc rải đầy đường bất ngờ té ngã, hàng hóa đổ vỡ, thậm chí một trường hợp đã tử vong do chấn thương sọ não… cụ Cả đã không ngồi yên.
Mỗi sáng, cụ Cả đi nhặt đinh trên quốc lộ 51 |
Mỗi ngày, từ 6 giờ 30 giờ sáng, cụ đã lên đường với “đồ nghề” là một thỏi nam châm tròn khá lớn được buộc vào một sợi dây. Cứ thế, cụ đi mỗi ngày đến gần 2km dọc quốc lộ 51 để nhặt đinh. Cụ nói: “Phải đi sớm để nhặt cho hết đinh. Đi trễ hơn, mọi người đi làm đông, dễ cán phải đinh lắm”.
Đã gần 3 năm nay, cụ Cả vẫn miệt mài với công việc mà những người khác cho là… “điên” mới làm. Theo giải thích của cụ Cả: “Tôi đã sống đến tuổi này, còn chút sức lực, muốn làm gì đó ý nghĩa trước khi nhắm mắt xuôi tay. Việc nhặt đinh trên quốc lộ vừa sức mình, giúp người đi đường tránh được tai nạn, lại như đi bộ để tập thể dục hàng ngày ấy mà…”.
Nở nụ cười mãn nguyện, cụ Cả kể: “Khi thấy tôi nói ra dự định của mình, con cái phản đối quyết liệt lắm. Bởi đây là quốc lộ có mật độ người tham gia giao thông rất đông, lại nhiều xe lớn qua lại…sợ tôi bị xe đụng nên con cái nhất định không cho làm, phải thuyết phục khá lâu mới được cho làm… thử”. Mỗi ngày, cụ Cả nhặt về đến nửa ký đinh, mảnh kẽm cắt nhọn hoặc dây kẽm bẻ chữ chi của bọn đinh tặc rải trên đường. Nhiều đinh nhất là tuyến đường ngang qua ấp Xóm Gò hướng về TP. Biên Hòa. Cụ Cả tâm sự: “Có mấy đứa vá xe ở khu này thấy tôi đi nhặt đinh, bọn chúng nói khích cho tôi tự ái bỏ “nghề”. Nhưng tôi không những không nghỉ, mà có lúc còn vào tiệm sửa xe, ôn tồn nói chuyện với chúng về việc rải đinh như thế thất đức lắm. Cũng có đứa sau này nghe tôi không rải đinh nữa”.
Chị Ngọc Lê, con dâu cụ Cả cho biết: “Thấy ông quyết tâm quá nên chiều cụ. Mỗi sáng ông đi nhặt đinh, tôi phải cử thằng cháu đi theo nhắc nhở, bảo vệ. Riết rồi thấy ông đi – về an toàn nên mới yên tâm để ông đi một mình. Hôm nào đến giờ mà ông chưa về thì phải cho người tìm hoặc gọi điện thoại di động ông để túi áo. Chỉ cần nghe cụ lên tiếng là yên tâm”.
* “Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”
Là đội viên dân phòng xã Long Phước, hàng ngày chứng kiến việc làm ý nghĩa của cụ Cả, hơn một năm qua anh La Văn Giàu cũng xung phong làm “chiến sĩ” chống đinh tặc.
Anh La Văn Giàu với bộ đồ hút đinh tự chế (ảnh Đức Việt) |
Cặm cụi sáng chế, sau gần nửa tháng, anh Giàu cũng hoàn thành dụng cụ hút đinh dựa trên nguyên tắc nam châm hút sắt tuy đơn giản, nhưng rất hiệu quả. Mỗi sáng, anh chạy chiếc xe máy cũ kéo theo chiếc thùng gỗ gắn bánh xe với giàn nam châm bên dưới để hút dính đinh sắt, vật nhọn trên đường, giúp người đi đường tránh được cái bẫy chết người. Chỗ đinh sắt, vật nhọn ấy gom vài ngày anh bán ve chai được khoảng 15-20 ngàn đồng để thêm tiền đổ xăng.
Anh Giàu chia sẻ: “Giờ cao điểm, cuối tuần hoặc ngày lễ, lượng người tham gia giao thông nhiều nên số xe bị cán đinh cũng nhiều lên. Có hôm phải chứng kiến đến 4-5 trường hợp người đi xe bị ngã do cán đinh bất ngờ. Có trường hợp một chị công nhân chở con nhỏ, cán phải đinh té xuống phải đi cấp cứu, anh rất không yên tâm và quyết tâm làm gì đó để giúp người dân đi lại an toàn hơn.
Sau nhiều lần theo dõi, anh Giàu biết kẻ rải đinh thường rải từ tờ mờ sáng, anh đã báo cho đội dân phòng bắt được 2 đối tượng đang rải đinh, giao cho công an xử lý. Nhưng nguy hiểm chưa hết rình rập khi bắt kẻ này, kẻ khác lại tiếp tục. Dù đã có lần bị đối tượng rải đinh cảnh cáo, đe dọa, nhưng anh Giàu vẫn không từ bỏ việc làm ý nghĩa của mình. Vừa chạy xe ôm, anh vừa kè kè thùng đồ nghề để vá xe miễn phí cho người dân chẳng may cán phải đinh. Anh cũng đã nhiều lần thời kịp thời đưa người bị tai nạn đi cấp cứu”…
Chuyện cụ Cả, anh Giàu ở Xóm Gò đi “làm sạch” đường, chống “đinh tặc” hàng xóm đều biết. Nhiều người khuyên cụ cả nên nghỉ ngơi, cũng nói anh Giàu nên để thời gian đó đi làm kiếm tiền, nhưng hai “chiến sĩ” chống đinh tặc này chỉ cười. Bởi với họ, sự an toàn của người dân còn quý hơn cả tiền.
Phương Liễu
Còn tiếp bài cuối: Áo xanh tình nguyện xuống đường