Báo Đồng Nai điện tử
En

Nguy hiểm từ những đường ngang dân sinh

09:09, 08/09/2014

8 tháng của năm 2014, tai nạn đường sắt ở Đồng Nai gia tăng với số vụ và số người chết tăng trên 11%, trong đó tai nạn ở các đường ngang chiếm trên 50%. Kinh tế - xã hội phát triển, các khu dân cư ở 2 bên đường sắt gia tăng, nhu cầu đi lại của người dân tăng theo, làm phát sinh các đường ngang và gây thêm nguy cơ gia tăng tai nạn giao thông (TNGT).

8 tháng của năm 2014, tai nạn đường sắt ở Đồng Nai gia tăng với số vụ và số người chết tăng trên 11%, trong đó tai nạn ở các đường ngang chiếm trên 50%. Kinh tế - xã hội phát triển, các khu dân cư ở 2 bên đường sắt gia tăng, nhu cầu đi lại của người dân tăng theo, làm phát sinh các đường ngang và gây thêm nguy cơ gia tăng tai nạn giao thông (TNGT).

Đường ngang dân sinh mất an toàn giao cắt giữa đường Điểu Xiển và đường sắt không thể xóa bỏ vì nhu cầu đi lại của người dân quá cao.
Đường ngang dân sinh mất an toàn giao cắt giữa đường Điểu Xiển và đường sắt không thể xóa bỏ vì nhu cầu đi lại của người dân quá cao.

Toàn tỉnh hiện có 123 đường ngang, trong đó có 60 đường ngang dân sinh do người dân tự mở theo nhu cầu phát triển dân cư tại chỗ. Đáng chú ý, rất nhiều đường ngang dân sinh không có gác chắn, không có hệ thống cảnh báo tự động cũng như biển báo, là hiểm họa tiềm ẩn làm gia tăng tai nạn đường sắt ở Đồng Nai.

* “Đau đầu” với đường ngang dân sinh

Về nguyên tắc, đường ngang dân sinh là bất hợp pháp, không được ngành đường sắt công nhận. Do vậy, đường ngang dân sinh không có các điều kiện bảo đảm an toàn, mà người dân tự điều chỉnh khi đi qua đây. Có nhiều đường ngang dân sinh nguy hiểm từng xảy ra nhiều tai nạn chết người, ngành đường sắt đã phối hợp với địa phương rào chắn lại, nhưng ngay khi lực lượng đi khỏi thì người dân khôi phục lại như cũ.

Điểm chung của hầu hết các đường ngang dân sinh là thuận lợi cho cư dân sinh sống 2 bên đường sắt băng qua lại. Có những nơi, đường sắt chạy song song với đường bộ (huyện Xuân Lộc), qua các khu vườn rẫy (TX.Long Khánh), qua các khu dân cư tập trung

(TP.Biên Hòa, huyện Trảng Bom), nên nhu cầu đi lại của người dân tăng cao. Nếu người dân đi đúng theo đường có gác chắn, có các biện pháp cảnh báo thì quá xa, bất tiện. Do vậy, ở các đường ngang dân sinh có nhu cầu thực sự của cộng đồng, nếu bị cơ quan chức năng xóa bỏ thì ngay sau đó người dân sẽ khôi phục để tiếp tục đi lại như cũ.

TX.Long Khánh là địa phương có nhiều đường ngang dân sinh nhất (16 đường), sau đó đến huyện Xuân Lộc, TP.Biên Hòa, huyện Trảng Bom, huyện Thống Nhất.

Như đường ngang dân sinh ở tổ 3, KP.7, phường Tân Hiệp (TP.Biên Hòa) đã bị cơ quan chức năng và ngành đường sắt xóa bỏ nhiều lần nhưng không được. Do vậy, ngành đường sắt chỉ cắm các trụ sắt và bê tông để ngăn ô tô lưu thông qua đó, nhằm phòng ngừa các tai nạn đặc biệt nghiêm trọng.

Hoặc như ở một vài đường ngang dân sinh ở đường Điểu Xiển (gần khu vực Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh), ngành đường sắt đã cắm các trụ bê tông, đào rãnh sâu để ngăn người dân đi lại. Thế nhưng, sau nhiều lần ngăn đi ngăn lại, đường ngang dân sinh ở đây vẫn tồn tại.

Anh Nguyễn Bình Nam, nhân viên bảo vệ Công ty N.S. (Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa), cho biết đường ngang này đi tắt vào Khu công nghiệp Amata và rất nhiều cơ sở sản xuất, hộ dân. Nếu đi đúng đường từ cổng khu công nghiệp này, mọi người phải đi vòng đến gần chục cây số.

Còn ở các khu vườn rẫy, nông dân phải chuyên chở nông sản, nếu phải đi đúng đường ngang có gác chắn, có cảnh báo thì rất bất tiện và tốn kém. Do vậy, ở một số địa phương, chính quyền kiến nghị ngành đường sắt nâng cấp thành đường ngang dân sinh đường ngang có cảnh báo tự động, hoặc chính quyền và các hộ dân cam kết đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) và đề nghị cơ quan chức năng đặt thêm biển cảnh báo. Tuy nhiên, ở các đường ngang chỉ phục vụ riêng cho một hoặc vài hộ dân băng ẩu qua đường sắt, ngành đường sắt và chính quyền địa phương thống nhất rào chắn xóa bỏ.

* Giải pháp lâu dài

Kinh tế - xã hội phát triển kéo theo việc phát triển khu dân cư là điều tất yếu, nên không thể vì muốn hạn chế đường ngang dân sinh mà hạn chế sự phát triển các khu dân cư. Vấn đề là xử lý đường ngang dân sinh làm sao để bảo đảm an toàn, hài hòa với lợi ích của ngành đường sắt và sự phát triển của địa phương.

Trung tá Đỗ Hữu Tuyến, Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt Công an tỉnh, cho biết: “Lực lượng cảnh sát giao thông có nhiệm vụ điều tra, kiểm tra thực trạng an toàn đường sắt đi qua địa bàn tỉnh. Đơn vị cũng thực hiện bảo đảm an toàn theo thẩm quyền và kiến nghị các giải pháp bảo đảm an toàn đường sắt. Việc đầu tư và bảo đảm an toàn ngay tại các đường ngang chủ yếu do chính quyền địa phương và ngành đường sắt thực hiện”.

Một đường ngang dân sinh không bảo đảm an toàn giao thông ở khu vực giáp ranh các phường Long Bình, Tân Hòa (TP.Biên Hòa) và xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom). Ảnh: T.Toàn
Một đường ngang dân sinh không bảo đảm an toàn giao thông ở khu vực giáp ranh các phường Long Bình, Tân Hòa (TP.Biên Hòa) và xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom). Ảnh: T.Toàn

Trong các giải pháp bảo đảm ATGT đường sắt, giải pháp lý tưởng nhất là làm đường gom 2 bên đường sắt để phương tiện đường bộ lưu thông tập trung vào các đường ngang có gác chắn, có cảnh báo tự động; đồng thời làm hàng rào hộ lan ngăn cách đường sắt. Nhưng với chiều dài hàng trăm cây số đường sắt qua địa bàn tỉnh, khó có nguồn kinh phí nào thực hiện được ngay một lúc. Trong khi đó, nhu cầu đi lại của người dân ngày càng phát triển, cần có giải pháp thực tế, có thể thực hiện ngay.

Trong các cuộc họp về ATGT của tỉnh, có cơ quan chức năng kiến nghị sử dụng lực lượng thanh niên tình nguyện tham gia cảnh giới, hoặc chốt gác bảo đảm ATGT ở các đường ngang dân sinh. Đây là đề xuất có thể thực hiện ngay để thanh niên tình nguyện phục vụ lợi ích thiết thực cho người dân ngay tại địa phương. Còn về lâu dài, ngành đường sắt cần hỗ trợ kinh phí để cùng với chính quyền địa phương bảo đảm ATGT đường sắt.

Bên cạnh đó, các vận động bảo đảm ATGT đường sắt cũng cần thiết thực hơn nữa. Nếu chỉ nêu khẩu hiệu chung chung, như: “Em yêu đường sắt quê em”, trong khi hàng ngày các đoàn tàu vẫn để hành khách “xả thải tự nhiên” xuống các cung đường (gây ô nhiễm và có thể lây truyền dịch bệnh…) như hiện nay thì chỉ tạo ra sự phản tác dụng.

Thanh Toàn

 

 

 

 

Tin xem nhiều