Năm 2013, tai nạn giao thông (TNGT) ở Đồng Nai giảm cả 3 mặt về số vụ, số người chết và số người bị thương. Nhưng với trung bình mỗi ngày có hơn một người chết vì TNGT, Đồng Nai vẫn còn nỗi lo về an toàn giao thông (ATGT), vẫn còn những nguy cơ tiềm ẩn gia tăng TNGT...
Năm 2013, tai nạn giao thông (TNGT) ở Đồng Nai giảm cả 3 mặt về số vụ, số người chết và số người bị thương. Nhưng với trung bình mỗi ngày có hơn một người chết vì TNGT, Đồng Nai vẫn còn nỗi lo về an toàn giao thông (ATGT), vẫn còn những nguy cơ tiềm ẩn gia tăng TNGT, như: số trường hợp vi phạm giao thông còn rất cao (645 ngàn trường hợp/năm), việc thi công đường sá không an toàn, đường sá xuống cấp…
Đoạn quốc lộ 20, khu vực xã Quang Trung (huyện Thống Nhất) thi công kéo dài nhiều tháng chưa dứt điểm, hiện trạng không có phương tiện, công nhân thi công (ảnh chụp ngày 18-12). Ảnh: T.Toàn |
NHỮNG NGUY CƠ
Theo nhận định của Ban ATGT tỉnh, hệ thống cầu đường ở Đồng Nai hiện đã lạc hậu và xuống cấp, nhưng chậm được nâng cấp, mở rộng. Việc quy hoạch hệ thống giao thông có những thay đổi cơ bản, nhưng vẫn còn nhiều bất cập, như: hầu như các tuyến đường bộ trên địa bàn tỉnh đều được thiết kế lưu thông hỗn hợp, nhiều loại phương tiện cùng đi chung trên một, hoặc hai làn đường, các nút giao thông (giao lộ lớn) đều đồng mức (cùng mặt phẳng), nên nguy cơ xảy ra va chạm, dẫn đến TNGT rất cao.
Năm 2013, toàn tỉnh xảy ra 635 vụ TNGT, làm chết 425 người, bị thương 512 người. So với năm 2012, TNGT giảm trên 36% số vụ, trên 22% số người chết và gần 48% số người bị thương. So với mục tiêu đề ra đầu năm (giảm 10% TNGT ở cả 3 mặt), Đồng Nai đã vượt mục tiêu đề ra. |
Cụ thể, quốc lộ 51 mới được nâng cấp mở rộng, nhưng không có dải phân cách tách làn ô tô với xe máy, khiến xe máy phải chạy song song với xe tải, nếu có sự cố với loại xe này cũng có thể gây ra tai nạn với loại xe kia. Trên quốc lộ 1, lưu lượng xe rất cao (trên 150 ngàn lượt xe/ngày), nhưng rất ít đoạn có dải phân cách cứng ở tim đường, nên nguy cơ xảy ra TNGT đối đầu do xe lấn trái gây ra rất cao…
Một nguy cơ khác là tiến độ xây dựng một số công trình giao thông còn chậm, gây ảnh hưởng không nhỏ đến nhu cầu vận chuyển, phục vụ phát triển kinh tế, sự đi lại của người dân và gây mất ATGT. Cụ thể như: đường tránh TP.Biên Hòa, cầu Hóa An, quốc lộ 51, quốc lộ 20, đường tỉnh 769.
Đáng lưu ý, quốc lộ 20 đang được sửa chữa, nâng cấp nhưng có nhiều đoạn thi công không dứt điểm, đơn vị thi công chưa thực hiện đủ các biện pháp bảo đảm an toàn cho người dân đi lại. Khi bị lực lượng thanh tra giao thông (TTGT) tỉnh xử phạt, các đơn vị thi công lại chây ì không chấp hành, chậm khắc phục, gây mất an toàn cho người đi đường.
Mới đây nhất, một số đoạn trên quốc lộ 1 (đoạn qua huyện Thống Nhất) được đơn vị thi công đào ½ mặt đường theo từng đoạn (dài khoảng 300m/đoạn) rồi để đó, không thi công. Thời điểm cuối năm mà mặt đường bị thu hẹp, không được thi công liên tục như vậy sẽ gây ùn tắc và mất ATGT.
Trong khi đó, tại hội nghị tổng kết ATGT tỉnh ngày 23-12, đại diện Cục Quản lý đường bộ 4 (Khu Quản lý đường bộ 7 cũ) chưa giải trình rõ ràng với lãnh đạo tỉnh việc giải quyết tình trạng trì trệ trong thi công trên các tuyến quốc lộ 1, quốc lộ 20.
TĂNG CƯỜNG BIỆN PHÁP AN TOÀN
Bên cạnh đó, ý thức một bộ phận đáng kể người đi đường (nhất là trên các tuyến đường nông thôn) còn hạn chế, là nguy cơ gây TNGT.
Theo thống kê của Ban ATGT tỉnh, trong năm 2013 TNGT trên các tuyến đường nông thôn xảy ra cao gấp đôi số vụ tai nạn trên quốc lộ 1 với 260 vụ/128 vụ, cao gấp 2,5 lần đường nội thị (105 vụ). Năm 2013 tại các huyện: Định Quán, Vĩnh Cửu, Cẩm Mỹ, Long Thành và TX.Long Khánh số người chết tăng do TNGT, chủ yếu xảy ra trên các tuyến đường nông thôn.
Ngoài ra, theo nhận định của Ban ATGT tỉnh, Ban ATGT cấp xã còn hoạt động mờ nhạt, thiếu tính chủ động trong công tác tham mưu thực hiện, dẫn đến tình trạng vi phạm giao thông nói chung, giao thông tĩnh nói riêng tồn tại, kéo dài.
Để tiếp tục kéo giảm TNGT trong năm 2014, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông tỉnh xử lý quyết liệt, không ngại đụng chạm các đơn vị thi công đường sá không bảo đảm ATGT. Ngành giao thông - vận tải phối hợp với cơ quan quản lý các quốc lộ, chủ đầu tư theo dõi thường xuyên các đơn vị thi công khi hoạt động trên các tuyến vừa thi công, vừa khai thác phải bảo đảm sự sinh hoạt, đi lại của người dân, không được gây bức xúc cho người dân. Trong năm 2014, quốc lộ 1 qua Đồng Nai sẽ được nâng cấp nhiều đoạn, các đơn vị chức năng của tỉnh phải phối hợp làm tốt việc bảo đảm ATGT qua các đoạn đường đang thi công. Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật giao thông phải được tăng cường, thực hiện cấp bách ngay từ đầu năm. Vai trò, trách nhiệm của chính quyền phường, xã trong công tác bảo đảm ATGT phải được nhấn mạnh trong năm mới, nhất là với các vi phạm lộ giới, hành lang đường bộ, đường sắt, trật tự lòng lề đường. Các địa phương có thêm các tuyến đường mới phải tăng cường biển báo và các biện pháp cảnh báo về ATGT. Mục tiêu chung của tỉnh là kéo giảm 5% TNGT trong năm 2014; các địa phương tăng người chết vì TNGT trong năm 2013 phải phấn đấu kéo giảm 10% TNGT trong năm mới.
Về lâu dài, Đồng Nai kiến nghị Bộ Giao thông - vận tải xây dựng thêm cầu vượt trên quốc lộ 1 ở các đoạn: ngã tư Amata, vòng xoay Tam Hiệp, ngã tư Dầu Giây; làm đường tránh quốc lộ 1 ở TX.Long Khánh; mở rộng đoạn quốc lộ và đặt dải phân cách cứng ở địa bàn huyện Xuân Lộc. Đồng Nai cũng đề nghị tăng biên chế lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông tỉnh để đáp ứng công tác tuần tra kiểm soát nói chung và ở các tuyến đường mới phát triển trên địa bàn tỉnh nói riêng…
Thanh Toàn