Kỳ họp HĐND thứ 6 vừa qua đã thông qua Nghị quyết về thu phí sử dụng đường bộ (SDĐB) đối với xe mô tô trên địa bàn tỉnh.
Kỳ họp HĐND thứ 6 vừa qua đã thông qua Nghị quyết về thu phí sử dụng đường bộ (SDĐB) đối với xe mô tô trên địa bàn tỉnh.
Ghi nhận của phóng viên Báo Đồng Nai cho thấy, đa số người dân đều có ý kiến chấp hành và mong muốn nguồn thu được sử dụng hiệu quả, để đường sá được đầu tư tốt hơn, người dân đi lại an toàn.
* Thu ra sao?
Theo quy định, đối tượng chịu phí là các loại xe máy, mô tô 2 bánh, mô tô 3 bánh, xe chở hàng 4 bánh có gắn động cơ một xi-lanh (gọi chung là xe mô tô) có đăng ký biển số xe tại Đồng Nai; hoặc đăng ký biển số xe tại địa phương khác, nhưng hoạt động và có nhu cầu kê khai, nộp phí tại Đồng Nai.
Hương lộ 19 (xã Phú Đông, huyện Nhơn Trạch) do thiếu kinh phí nên việc duy tu, sửa chữa bị kéo dài nhiều năm. |
Đối tượng nộp phí là tổ chức, gia đình, cá nhân sở hữu, sử dụng hoặc quản lý xe mô tô. Đơn vị tổ chức thu phí là UBND xã, phường, thị trấn (UBND cấp xã). Các trường hợp miễn thu phí, gồm: xe mô tô của các đơn vị công an, quốc phòng; xe mô tô của người thuộc các hộ nghèo theo mức quy định nghèo của UBND tỉnh. Mức thu được quy định ở Đồng Nai là: xe mô tô có dung tích xi-lanh đến 100 phân khối nộp 80 ngàn đồng/xe/năm; xe trên 100 phân khối nộp 120 ngàn đồng/xe/năm. Riêng xe chở hàng 4 bánh có gắn động cơ, thì áp dụng mức thu theo Thông tư 197 của Bộ Tài chính là 2,16 triệu đồng/xe/năm.
Để có chi phí cho việc tổ chức thu, các phường (thị trấn) được trích lại 8% và các xã được trích 16% tiền phí thu được. Số tiền thu được sau khi trích theo quy định, cơ quan thu phí phải nộp hàng tuần vào tài khoản của Quỹ Bảo trì đường bộ địa phương (mở tại Kho bạc Nhà nước). Việc tổ chức thu sẽ được tiến hành từ ngày 17-3 (có hiệu lực sau 10 ngày được HĐND tỉnh thông qua), thời gian áp dụng mức thu tính từ đầu năm nay (1-1-2013).
Theo quy định của Bộ Tài chính, xe mô tô đăng ký biển số tại Đồng Nai nếu đã nộp phí ở tỉnh khác không phải nộp phí tại địa phương đã đăng ký; hoặc xe đăng ký biển số tại tỉnh khác có thể nộp phí tại Đồng Nai. Nếu xe mô tô phát sinh (mua, chuyển quyền sở hữu) trước ngày 1-1-2013, phải kê khai, nộp phí SDĐB cả năm 2013 với thời hạn trước ngày 31-7-2013. Nếu xe phát sinh từ ngày 1-1 đến 30-6 hàng năm, chủ xe phải nộp phí 6 tháng, với thời hạn là ngày 31-7 của năm đó. Nếu xe phát sinh từ ngày 1-7 đến 31-12 hàng năm, chủ xe kê khai, nộp phí vào tháng 1 năm sau, với thời hạn chậm nhất là ngày 31-1 của năm này. Nếu chủ xe bán phương tiện phải kê khai giảm phương tiện với thời điểm trước ngày 31-1 của năm sau. Những xe đã kê khai nộp phí thì năm tiếp theo không phải kê khai lại và sẽ nộp phí theo thông báo của UBND cấp xã.
* Mong muốn sử dụng phí có hiệu quả
Theo thống kê, Đồng Nai có nhiều tuyến đường giao thông do tỉnh, huyện, xã quản lý với tổng chiều dài khoảng 6 ngàn km. Trong đó, nhu cầu duy tu, sửa chữa thường xuyên 20 tuyến đường tỉnh dài tổng cộng khoảng 414km; duy tu, sửa chữa thường xuyên tuyến đường huyện, xã với tổng chiều dài trên 2 ngàn km. Nếu thực hiện việc duy tu, sửa chữa sẽ cần kinh phí khá cao, ngân sách Nhà nước không thể đáp ứng đủ. Tính tổng nhu cầu kinh phí duy tu, sửa chữa đường bộ năm 2013 ở Đồng Nai khoảng trên 488,35 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí ngân sách đã phân bổ trên 177,6 tỷ đồng, kinh phí còn thiếu trên 310,6 tỷ đồng. Ở khoản thiếu hụt này, các tuyến do tỉnh quản lý cần trên 190 tỷ đồng, đường do cấp huyện quản lý cần khoảng 120 tỷ đồng. Với mức thu phí xe mô tô kể trên và số lượng xe đăng ký tại Đồng Nai, dự kiến sẽ thu phí SDĐB xe mô tô trong năm 2013 trên 147,7 tỷ đồng. Số tiền phí thu được này đáp ứng khoảng trên 47,56% nhu cầu kinh phí bảo trì đường bộ còn thiếu hụt ở Đồng Nai.
Nhiều tuyến đường tỉnh, huyện đang thiếu kinh phí để duy tu, sửa chữa nên không bảo đảm an toàn cho người đi đường. Ảnh: T.Toàn |
Để bảo đảm nguồn thu được sử dụng tối đa cho việc duy tu, sửa chữa đường sá, đại biểu HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường (Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Biên Hòa) đề nghị giao việc thu phí cho cán bộ phụ trách thu thuế của địa phương, nhằm giảm bớt chi phí phải trích lại cho bộ máy thu phí xe mô tô ở UBND cấp xã. Ông Cường cũng đề nghị tính toán rạch ròi nguồn phí thu được phân cho các địa phương để đầu tư duy tu, sửa chữa đường sá. Tránh tình trạng “xin, cho” trong việc sử dụng nguồn quỹ bảo trì đường bộ này.
Đại biểu HĐND tỉnh Phạm Văn Ru (Phó trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy) có ý kiến, người dân hiện đã chịu nhiều khoản phí, đóng góp. Do vậy, cử tri mong muốn thấy rõ hiệu quả sử dụng tiền phí SDĐB khi họ chấp hành đóng phí. Phải nêu rõ cho cử tri thấy, phí này chỉ sử dụng cho việc duy tu, sửa chữa đường bộ; đường sá sau khi có nộp phí SDĐB của người dân được cải thiện ra sao... Theo ông, tiền phí nộp vào Quỹ Bảo trì đường bộ cần được tập trung đầu tư vào đường sá ở cơ sở, đường tỉnh chỉ nên sử dụng tiền đầu tư từ ngân sách.
Nhiều người dân khi được hỏi ý kiến đều nhất trí chấp hành việc nộp phí SDĐB đối với xe mô tô. Anh Nguyễn Văn Hùng (ngụ ấp Bến Đình, xã Phú Đông, huyện Nhơn Trạch) cho biết, đường sá ở địa phương anh sinh sống (hương lộ 19) hư hỏng hoài, nhưng việc sửa chữa cứ kéo dài, không dứt điểm. Anh Hùng rất mong tiền nộp phí SDĐB sẽ được đầu tư vào các con đường huyện, xã để người dân đi lại thuận lợi hơn. Nhiều người cũng cho biết, khi đóng phí và thấy hiệu quả cụ thể của đồng tiền phí, người dân sẽ nhất trí, động viên nhau thực hiện chủ trương này của Nhà nước.
Thanh Toàn