Kết thúc “Năm An toàn giao thông 2012”, tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt trên địa bàn Đồng Nai giảm cả 3 mặt về số vụ, số người chết và số người bị thương. Nhưng TNGT đường bộ chỉ giảm số vụ và số người bị thương, số người chết lại tăng.
Kết thúc “Năm An toàn giao thông 2012”, tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt trên địa bàn Đồng Nai giảm cả 3 mặt về số vụ, số người chết và số người bị thương. Nhưng TNGT đường bộ chỉ giảm số vụ và số người bị thương, số người chết lại tăng.
* Những nguy cơ
Năm 2012, trên địa bàn Đồng Nai đã xảy ra 755 vụ TNGT đường bộ (giảm gần 4%), làm chết 343 người (tăng 2%), bị thương 912 người (giảm gần 8%). Tuy số vụ giảm, nhưng tai nạn đặc biệt nghiêm trọng lại tăng, làm người chết gia tăng. Cụ thể, có đến 8 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng (tăng 3 vụ), làm chết 22 người (tăng 7 người), bị thương 29 người (tăng 12 người). Đáng lưu ý, trước đây TNGT do người đi xe máy gây ra chiếm 70-80% số vụ, nhưng trong năm 2012, tỷ lệ này lại giảm. Thay vào đó, tỷ lệ người lái ô tô gây tai nạn lại tăng, làm cho hậu quả nặng nề hơn.
Cầu Ghềnh được sửa chữa nhưng thiếu phối hợp với địa phương, nên góp phần gây ùn tắc giao thông vào dịp cuối năm, tăng nguy cơ mất an toàn cho cầu Hóa An. |
Cụ thể, tai nạn do xe khách gây ra chiếm gần 4%, xe tải gần 16%, ô tô con trên 4%, xe máy chiếm trên 67%. Với tốc độ phát triển kinh tế của khu vực nói chung và Đồng Nai nói riêng, lưu lượng phương tiện giao thông trên các quốc lộ qua địa bàn tỉnh ngày càng tăng, làm nguy cơ xảy ra TNGT tăng theo. Con số 150 ngàn lượt xe các loại qua quốc lộ 1, trên 50 ngàn lượt xe qua quốc lộ 51, khoảng 30 ngàn lượt xe qua quốc lộ 20 mỗi ngày cho thấy nguy cơ xảy ra TNGT luôn chực chờ. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là, trước đây TNGT xảy ra trên quốc lộ chiếm tỷ lệ cao, nhưng trong năm 2012 chỉ chiếm khoảng 50% số vụ toàn tỉnh, còn lại 50% số vụ TNGT xảy ra trên các tuyến đường tỉnh, huyện, liên xã, đường nông thôn.
Theo đánh giá về tình hình an toàn giao thông (ATGT) của Ban ATGT tỉnh, kết cấu hạ tầng hệ thống giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh ngày càng xuống cấp nghiêm trọng; còn nhiều đoạn tuyến đang thi công dang dở, có nhiều nguy cơ về TNGT. Trên các quốc lộ 1, 20 và 51, có nhiều đoạn đọng nước làm thu hẹp mặt đường; một số tuyến đường tỉnh, huyện đang xuống cấp, nhưng chưa được đầu tư vốn đầy đủ, chưa kịp thời để sửa chữa. Tiến độ thi công cầu Hóa An, đường dẫn cầu Đồng Nai còn trì trệ, thời gian thi công kéo dài; cầu Long Thành ở vị trí nước chảy mạnh, xoáy làm tăng nguy cơ phương tiện thủy qua đây bị tai nạn… Gần đây, do đơn vị sửa chữa cầu Ghềnh chưa phối hợp tốt với địa phương, nên việc ngưng lưu thông ô tô qua cầu đã làm gia tăng ùn tắc ở cả cầu Hóa An và cầu Ghềnh, tăng nguy cơ mất ATGT.
* Kéo giảm tai nạn trong thời gian tới
Chủ tịch UBND tỉnh, kiêm Trưởng ban ATGT tỉnh Đinh Quốc Thái nhận định, từ tháng 3 đến 6-2012, TNGT toàn tỉnh tăng cao. Tỉnh đã họp rất nhiều lần, từ tỉnh đến các huyện có TNGT cao, để đưa ra những biện pháp cấp bách. Kết quả, TNGT trong những tháng cuối năm đã được kéo giảm. Trưởng ban ATGT tỉnh đề nghị chủ tịch UBND các cấp (đồng thời là trưởng ban ATGT cấp đó) nâng cao tinh thần trách nhiệm, chỉ đạo kịp thời, quyết liệt các giải pháp kéo giảm TNGT ở địa phương.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái, tỉnh sẽ tạo điều kiện cho việc mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác tuần tra kiểm soát (TTKS), do vậy các cơ quan liên quan phải tiến hành nhanh để tăng hiệu quả TTKS hơn nữa. Ở các công trình giao thông vừa thi công vừa lưu thông, các đơn vị thi công phải có biện pháp hợp lý (thi công 50% mặt đường, 50% còn lại bảo đảm lưu thông thông suốt). Ở các “điểm đen” giao thông mới xuất hiện tạm thời, ùn tắc vào giờ cao điểm, ngành công an phải chủ động giải quyết. Các địa phương phải lưu ý tình trạng gia tăng TNGT ở các đường tỉnh, huyện, liên xã, đường giao thông nông thôn để có giải pháp hữu hiệu kéo giảm TNGT trong năm 2013. Việc xử lý lấn chiếm lòng, lề đường phải được thực hiện thường xuyên, liên tục. Tuy TNGT đường sắt năm 2012 có giảm, nhưng các địa phương phải chú trọng phối hợp với ngành này để tăng cường thêm biện pháp an toàn ở các đường ngang đường sắt. Trong công tác bảo đảm ATGT, các ngành, các cấp, thành viên Ban ATGT tùy thuộc chức trách của mình mà chủ động xử lý công việc.
Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo: “Phải kiềm chế TNGT ngay từ đầu năm 2013. Thực hiện cao điểm bảo đảm ATGT trong thời gian lễ, tết và giữ vững công tác này, không để tăng TNGT sau cao điểm như năm 2012. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2013 là triển khai kế hoạch hành động của Ban ATGT tỉnh, thực hiện Thông tri số 18 của Tỉnh ủy, Chỉ thị 17 của Chủ tịch UBND tỉnh, Chỉ thị 18 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Nghị quyết 88 của Chính phủ… về các công tác chỉ đạo, lãnh đạo và bảo đảm ATGT trên các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông. Thực hiện chủ đề “Năm ATGT 2013” là: “Nâng cao tinh thần trách nhiệm của người thực thi công vụ và ý thức tự giác của người tham gia giao thông”…
Thanh Toàn