Năm 2012, tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn tỉnh tuy giảm về số vụ và số người bị thương, nhưng lại tăng số người chết.
Năm 2012, tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn tỉnh tuy giảm về số vụ và số người bị thương, nhưng lại tăng số người chết.
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (PC67) Công an tỉnh, nguyên nhân làm số người chết tăng cao là do TNGT rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng (chết từ 2 người/vụ trở lên) gia tăng.
* Tai nạn nghiêm trọng gia tăng
Theo báo cáo của PC67, trong năm 2012, toàn tỉnh đã xảy ra 774 vụ TNGT, làm chết 356 người, bị thương 939 người. So với cùng kỳ năm 2011, giảm 35 vụ (trên 4%), giảm 96 người bị thương (trên 9%), nhưng tăng 23 người chết (gần 7%). Trong đó, TNGT rất nghiêm trọng xảy ra 41 vụ (tăng 10 vụ), làm chết 65 người (tăng 12 người), bị thương 54 người (tăng 11 người). TNGT đặc biệt nghiêm trọng xảy ra 8 vụ (tăng 3 vụ), làm chết 22 người (tăng 5 người), bị thương 29 người (tăng 20 người).
Các hợp tác xã, doanh nghiệp vận tải đăng ký thi đua, phấn đấu đạt danh hiệu “Lái xe an toàn” và “Doanh nghiệp vận tải an toàn”. |
Nguyên nhân dẫn đến TNGT chủ yếu do ý thức của một số nạn nhân trong việc chấp hành các quy định của Luật Giao thông đường bộ, như: điều khiển xe lấn tuyến, đi không đúng làn đường; tránh vượt sai; vi phạm tốc độ; điều khiển xe mà trong người có nồng độ cồn… Nguyên nhân chủ quan này chiếm đến 99%.
Đáng chú ý, phương tiện gây tai nạn là xe máy chiếm 65% (giảm khoảng 5% so với các năm trước), trong khi phương tiện gây tai nạn là ô tô các loại chiếm khoảng 25% (tăng 5% so với các năm trước). Tuy ô tô gây TNGT chiếm tỷ lệ ít, nhưng với kích thước to lớn, tốc độ hơn hẳn các loại xe khác, nên khi gây ra tai nạn thường để lại hậu quả nghiêm trọng hơn. Cụ thể, vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại địa bàn huyện Xuân Lộc vào rạng sáng 15-4 đã làm chết 3 người. Nguyên nhân tai nạn do tài xế xe taxi ở Đồng Tháp chạy đến đây đã ngủ gục và lao sang trái đường đụng vào xe đông lạnh, làm chết tài xế và hai người khách trên xe. Hay vụ TNGT xảy ra sáng 10-10 ở xã Xuân Thành (huyện Xuân Lộc) làm chết 3 người, gồm: 1 phụ nữ và 2 trẻ em. Nguyên nhân do tài xế (người Bình Thuận) trong lúc ngủ gật đã lái xe lao sang trái, gây tai nạn thương tâm nói trên.
Các phương tiện thông tin đại chúng cũng đưa nhiều thông tin về các TNGT làm chết nhiều người/vụ, chủ yếu cũng do tài xế xe khách, xe tải, xe container... gây ra.
* Thêm một giải pháp
Ông Nguyễn Văn Điệp, Giám đốc Sở Giao thông - vận tải (GTVT), kiêm Phó trưởng ban thường trực Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh cho biết, toàn tỉnh có khoảng 46 ngàn tài xế ô tô các loại. Làm sao để các tài xế luôn hoạt động vì một môi trường giao thông an toàn, văn minh, góp phần đáng kể kéo giảm TNGT? Ông Điệp đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố (Chủ tịch UBND là Trưởng ban ATGT địa phương) chỉ đạo các doanh nghiệp, đơn vị đăng ký cho tài xế, đơn vị tham gia đạt danh hiệu “lái xe an toàn”, “doanh nghiệp vận tải an toàn”.
Trước đó, Sở GTVT và Ban ATGT tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quy định tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Lái xe an toàn” và “Doanh nghiệp vận tải an toàn”. Trên cơ sở này, UBND tỉnh đã thành lập Hội đồng thẩm định xét tặng hai danh hiệu trên.
Từ năm 2013 trở đi, các tài xế, doanh nghiệp vận tải trong tỉnh đăng ký cho cá nhân, đơn vị mình đạt các danh hiệu trên. Hàng năm, Hội đồng thẩm định sẽ xét duyệt và công nhận các cá nhân, tập thể đạt danh hiệu theo các tiêu chuẩn, như: tài xế đạt từ 200 ngàn km vận hành an toàn trở lên, không vi phạm Luật Giao thông đường bộ; doanh nghiệp có từ 10 phương tiện trở lên, có 100% phương tiện được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, không có tài xế gây TNGT… Những cá nhân, tập thể đạt yêu cầu sẽ được tặng huy hiệu vàng, bạc, đồng, vàng tùy theo thành tích từng năm. Danh hiệu còn kèm tiền thưởng có giá trị cao và cá nhân, tập thể đạt danh hiệu còn được vinh danh trong các hoạt động công cộng…
Ông Trần Văn Quan, Phó giám đốc Sở GTVT, Chủ tịch Hội đồng thẩm định danh hiệu an toàn cho biết, nhiều tài xế đạt danh hiệu thì nguồn tiền thưởng cho các danh hiệu này sẵn sàng đáp ứng. Vấn đề là khuyến khích, tạo điều kiện để ngày càng nhiều tài xế nâng cao đạo đức, ý thức giữ gìn an toàn khi điều khiển phương tiện trên đường. Các doanh nghiệp cũng nâng cao ý thức kinh doanh luôn đi kèm với an toàn. Có như vậy mới góp phần làm đường sá ngày càng an toàn hơn.
Có thể coi đây là một giải pháp kéo giảm TNGT của tỉnh. Mô hình này cần được vận động rộng rãi tài xế ô tô ở mọi lĩnh vực tham gia “lái xe an toàn”. Bởi, càng có nhiều tài xế lái xe an toàn, đường sá sẽ càng an toàn.
Thanh Toàn