Tại kỳ họp HĐND tỉnh vừa qua, Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh đã có giải trình về tình hình tai nạn giao thông (TNGT) gia tăng trong Năm ATGT 2012. Tuy không thể đạt mục tiêu giảm TNGT theo mục tiêu, nhưng bằng những biện pháp quyết liệt, Đồng Nai phấn đấu giảm TNGT năm 2012 ở mức nhất định so với cùng kỳ năm 2011.
Tại kỳ họp HĐND tỉnh vừa qua, Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh đã có giải trình về tình hình tai nạn giao thông (TNGT) gia tăng trong Năm ATGT 2012. Tuy không thể đạt mục tiêu giảm TNGT theo mục tiêu, nhưng bằng những biện pháp quyết liệt, Đồng Nai phấn đấu giảm TNGT năm 2012 ở mức nhất định so với cùng kỳ năm 2011.
* Nguyên nhân gia tăng
Năm 2012 được Ủy ban ATGT Quốc gia chọn làm Năm ATGT, nên ngay từ đầu năm, Chủ tịch UBND tỉnh, đồng thời là Trưởng ban ATGT tỉnh đã tập trung chỉ đạo các ban, ngành, địa phương thực hiện các biện pháp bảo đảm ATGT. Từ đầu năm, tỉnh đã tổ chức cho các thành viên Ban ATGT tỉnh, Chủ tịch UBND, kiêm Trưởng ban ATGT các địa phương ký cam kết quyết tâm thực hiện Nghị quyết 88 của Chính phủ về tăng cường các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự ATGT, thực hiện chương trình hành động Năm ATGT.
Một trường hợp tránh vượt sai gây nguy hiểm trên quốc lộ 1, đoạn qua huyện Thống Nhất. Ảnh: T.TOÀN |
Thế nhưng, do tình hình phương tiện giao thông gia tăng, cùng với tình hình cầu, đường chưa được cải thiện kịp thời nên TNGT trong những tháng đầu năm 2012 trên địa bàn tỉnh vẫn gia tăng. Lưu lượng giao thông trên quốc lộ 1 hiện nay đã tăng đến 150 ngàn lượt mô tô, xe máy và trên 50 ngàn xe ô tô/ngày, đêm. Các tuyến quốc lộ 51, 20 và 56, hàng ngày cũng có lưu lượng hàng chục ngàn xe các loại. Do vậy, bình quân số đầu xe cơ giới trên 1km đường bộ ở Đồng Nai cũng cao hơn cả nước khoảng 48 xe (171xe/123 xe).
Hiện số lượng xe cơ giới do tỉnh quản lý đứng thứ 3 toàn quốc, với khoảng 1,5 triệu xe máy và hơn 60 ngàn ô tô. Trong khi đó, hệ thống cầu, các đoạn quốc lộ qua địa bàn tỉnh đang xuống cấp, tải trọng chưa đáp ứng yêu cầu vận chuyển. Cụ thể, trên quốc lộ 20, từ năm 2005 đến nay, Đồng Nai đã đề nghị Bộ Giao thông - vận tải sửa chữa, nâng cấp, nhưng việc thực hiện rất trì trệ. Các tuyến đường tỉnh, huyện do thiếu kinh phí nên việc sửa chữa, nâng cấp chưa đáp ứng yêu cầu bảo đảm ATGT. Hầu hết các tuyến đường trên địa bàn tỉnh đều lưu thông hỗn hợp giữa các loại ô tô và xe máy, chỉ phân làn bằng vạch sơn. Các giao lộ phức tạp đều đồng mức (không cầu vượt), nên nguy cơ xảy ra TNGT rất cao.
Bên cạnh đó, còn có các nguyên nhân chủ quan góp phần làm gia tăng TNGT. Ví dụ như, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giao thông thực hiện mạnh mẽ đến người dân, nhưng chỉ tập trung vào các đợt cao điểm. Việc giáo dục đạo đức cho tài xế chưa thực sự phù hợp với tình hình xã hội thực tế. Giáo trình đào tạo tài xế chủ yếu tập trung vào chuyên môn kỹ thuật, nội dung giáo dục về đạo đức người lái xe chưa tương xứng với yêu cầu tăng cường bảo đảm ATGT trong tình hình hiện nay. Đáng kể nhất là tình trạng người tham gia giao thông còn cố tình vi phạm các quy tắc, trật tự ATGT. Trong 11 tháng qua, lực lượng tuần tra kiểm soát đã xử lý trên 746 ngàn trường hợp người đi đường vi phạm, tăng 136 ngàn trường hợp so cùng kỳ.
* Quyết tâm kéo giảm
Trước tình hình TNGT gia tăng đột biến trong quý II-2012 (tháng 4, 5-2012), UBND tỉnh lập 3 đoàn kiểm tra, đã kiểm tra việc thực hiện bảo đảm ATGT ở nhiều địa phương. Chủ tịch UBND tỉnh còn ban hành chỉ thị về tăng cường chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ATGT, lập lại trật tự kỷ cương giao thông. Nhờ vậy, tình hình TNGT trong quý III-2012 và tháng 10, 11-2012 giảm dần số vụ và số người chết, bị thương do TNGT. Tuy nhiên, tính đến tháng 11-2012, tổng số vụ TNGT trên địa bàn tỉnh vẫn còn phức tạp, với 738 vụ TNGT xảy ra, làm chết 338 người, 889 người bị thương.
Ông Nguyễn Văn Điệp, Giám đốc Sở Giao thông - vận tải, Phó trưởng ban thường trực Ban ATGT tỉnh đã nhận thiếu sót trước kỳ họp HĐND tỉnh vừa qua về việc gia tăng TNGT trên địa bàn. Để cố gắng kéo giảm TNGT trong tháng cuối năm ATGT và trong cao điểm cuối năm cũ, đầu năm mới (cũng như trong năm mới), Ban ATGT tỉnh đã đề ra một số giải pháp, như:
Ban ATGT tỉnh sẽ tiếp tục khắc phục các “điểm đen” mất ATGT, bảo đảm kết cấu hạ tầng giao thông an toàn. Thời gian qua, Ban ATGT tỉnh đã khắc phục được 15 “điểm đen”, đoạn đường “đen”. Kế hoạch đến hết quý I-2013, sẽ khắc phục 9 “điểm đen” nữa. Một trong những giải pháp hữu hiệu là lắp đặt dải phân cách tim đường, phòng ngừa TNGT thảm khốc do phương tiện đối đầu gây ra. Theo đó, Ban ATGT tỉnh sẽ lắp đặt 5km dải phân cách trên quốc lộ 1 qua địa bàn TX.Long Khánh, lắp dải phân cách khoảng 9km trên quốc lộ 1, qua hai huyện Thống Nhất và Trảng Bom.
Đồng Nai cũng kiến nghị lắp dải phân cách cho làn xe 2, 3 bánh trên quốc lộ 51 (thiết kế không có). Ở những đoạn đường phức tạp nhưng không thể lắp dải phân cách, sẽ được lắp thêm biển báo, đèn điều khiển giao thông, cảnh báo và sơn vạch cưỡng bức tốc độ.
Thống kê cho thấy, có 90% TNGT xảy ra do người đi đường vi phạm tốc độ, tránh vượt sai, đi sai phần đường, chuyển hướng không báo hiệu… |
Chỉ đạo quyết liệt ban quản lý các dự án, các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ và có biện pháp bảo đảm an toàn thi công trên các tuyến: quốc lộ 1; đường tỉnh 769, 768; cầu Hóa An; đường tránh TP.Biên Hòa… Lắp đặt thêm biển báo, pa-nô tuyên truyền ở các nút giao đường sắt với đường bộ. Kiến nghị ngành đường sắt tăng cường giải pháp ATGT tại các điểm giao.
Ban ATGT tỉnh cũng chỉ đạo tăng cường công tác tuần tra kiểm soát việc chấp hành pháp luật giao thông, xử phạt nghiêm các vi phạm dễ gây TNGT trên các đoạn, tuyến thường xảy ra TNGT. Cùng với xử phạt, Ban ATGT tỉnh chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật giao thông. Duy trì, đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật giao thông hàng tuần trên báo, đài; phát hành nhiều đĩa hình tuyên truyền về văn hóa giao thông, phòng chống rượu bia, chống vi phạm giao thông…
Thanh Toàn