Báo Đồng Nai điện tử
En

Học sinh vẫn đi xe phân khối lớn

08:11, 05/11/2012

Đợt cao điểm xử lý học sinh vi phạm giao thông đang được các cơ quan chức năng thực hiện trên toàn tỉnh. Đây là điều cần thiết để học sinh nâng cao ý thức chấp hành pháp luật ngay từ khi còn ngồi ghế nhà trường.

Đợt cao điểm xử lý học sinh vi phạm giao thông đang được các cơ quan chức năng thực hiện trên toàn tỉnh. Đây là điều cần thiết để học sinh nâng cao ý thức chấp hành pháp luật ngay từ khi còn ngồi ghế nhà trường.

Thế nhưng, quá trình thực hiện đợt cao điểm cũng nảy sinh một số điều băn khoăn từ phía phụ huynh, lực lượng xử lý cũng lúng túng.

* Chưa đủ tuổi vẫn điều khiển xe máy

Đợt cao điểm xử lý học sinh vi phạm giao thông thực hiện từ ngày 22-10 đến 28-11. Theo ghi nhận của Cảnh sát giao thông (CSGT), trong tuần lễ đầu triển khai đợt cao điểm, hành vi học sinh vi phạm nhiều nhất là các trường hợp chưa đủ tuổi điều khiển xe máy. Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, người từ đủ 16 tuổi trở lên mới được điều khiển xe có dung tích xi lanh từ 50cm3 trở xuống. Còn với xe có dung tích xi lanh trên 50cm3 (còn gọi xe phân khối lớn), người điều khiển phải có giấy phép lái xe (từ 18 tuổi trở lên mới được cấp). Như vậy, ở độ tuổi học sinh THPT (thường chưa đủ tuổi 18, nửa năm học cuối lớp 12 học sinh mới đạt tuổi 18), nếu chạy xe phân khối lớn là vi phạm giao thông.

Học sinh đi xe máy phân khối lớn gửi xe bên ngoài trường học. Ảnh: T. Toàn
Học sinh đi xe máy phân khối lớn gửi xe bên ngoài trường học. Ảnh: T. Toàn

Trên thực tế, lượng xe máy lưu thông trên đường phố hiện nay hầu hết là xe phân khối lớn, xe có dung tích xi lanh từ 50cm3 trở xuống chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Nhiều trường hợp phụ huynh học sinh THPT do không có thời gian đưa rước con em đi học, nên đã giao xe máy phân khối lớn để các em tự đi đến trường. Điều đó đã khiến các em học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ một cách thụ động.

Anh N.V.L. (ngụ ở phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa) cho biết, con gái anh đang học ở một trường THPT. Gia đình neo đơn nên anh để con tự đi xe máy (phân khối lớn) có sẵn của gia đình để đến trường. Nếu chạy tiền mua xe có dung tích xi lanh 50cm3 để con đi cho đúng luật, thì sau này cháu đi học đại học ở TP.Hồ Chí Minh lại phải mua xe phân khối lớn, bỏ xe này sẽ gây lãng phí. Và không phải phụ huynh nào cũng có điều kiện kinh tế để mua xe thay đổi cho con như vậy. Do vậy, anh L. đành cho con đi học bằng xe phân khối lớn và gửi xe bên ngoài trường học.

* Giải quyết như thế nào?

Để ngăn chặn tình trạng học sinh đi xe phân khối lớn đến trường, nhiều trường học không nhận giữ xe loại này của học sinh và hạ bậc hạnh kiểm nếu các em vi phạm (kể cả vi phạm giao thông khác). Lực lượng chức năng ngoài việc xử lý học sinh vi phạm, còn xử lý các điểm giữ xe ngoài nhà trường nhận giữ xe phân khối lớn cho học sinh. Thế nhưng, cơ quan chức năng chỉ có thể xử lý các trường hợp giữ xe không có giấy phép kinh doanh, còn việc cấm giữ xe phân khối lớn cho học sinh không có điều luật nào của pháp luật quy định.

Báo cáo của CSGT cũng cho thấy, trong các nguyên nhân gây tai nạn giao thông do xe máy gây ra, chỉ thấy các nguyên nhân, như: lấn trái, đi sai phần đường, chuyển hướng thiếu quan sát, chạy quá tốc độ…, chứ không thấy nguyên nhân do điều khiển xe phân khối lớn. Trên thực tế, biển báo tốc độ trên đường quy định chung cho đối tượng điều khiển xe máy (cả xe phân khối lớn và xe có dung tích xi lanh 50cm3 trở xuống), chứ không quy định tốc độ xe có dung tích xi lanh 50cm3 phải chạy thấp hơn xe phân khối lớn. Về cấu tạo, hai loại xe này đều giống nhau, chỉ khác ở điểm xe phân khối lớn có khung sườn, bộ máy và phân khối lớn hơn, có tốc độ nhanh hơn.

Thực tế cũng chứng minh, người điều khiển xe máy có dung tích xi lanh 50cm3 nếu phóng nhanh, vượt ẩu… cũng dễ gây tai nạn giao thông. Còn người điều khiển xe phân khối lớn, nếu chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ vẫn đạt độ an toàn cao.

Một lãnh đạo công an cấp huyện cũng tỏ ra băn khoăn đối với các học sinh vi phạm đi xe phân khối lớn, sau khi bị CSGT xử lý còn bị thông báo về trường. Nhiều phụ huynh học sinh có con em vi phạm giao thông đã đến cơ quan công an năn nỉ, trình bày hoàn cảnh khó khăn và chấp nhận nộp phạt, nhưng xin đừng thông báo về trường học. Bởi, nếu bị thông báo về trường, các em sẽ bị hạ bậc hạnh kiểm theo quy định và ảnh hưởng rất lớn đến việc học tập của các em.

Trước sự băn khoăn của phụ huynh và sự lúng túng của cơ quan chức năng, có ý kiến đề xuất với điều kiện khách quan về thực trạng xe máy như hiện nay, nên chăng các em học sinh THPT được tăng cường học chương trình điều khiển xe phân khối lớn. Sau đó, các em được cấp giấy phép lái xe mô tô tạm thời để có điều kiện đi xe đến trường một cách hợp pháp, khi nào đủ tuổi các em sẽ làm thêm thủ tục để được cấp giấy phép lái xe chính thức. Cách này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các gia đình học sinh neo đơn, kinh tế chưa cao và để các em yên tâm học tập.

Rất mong việc xử lý học sinh đi xe phân khối lớn sớm được điều chỉnh hợp lý hơn, để học sinh có thêm điều kiện thuận lợi đến trường.

Thanh Toàn

 

Tin xem nhiều