Báo Đồng Nai điện tử
En

Giải quyết những nguy cơ trên đường thủy

09:10, 08/10/2012

Đồng Nai có hàng chục tuyến sông với chiều dài hàng trăm km nên vấn đề bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) đường thủy rất quan trọng.

Đồng Nai có hàng chục tuyến sông với chiều dài hàng trăm km nên vấn đề bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) đường thủy rất quan trọng.

Từ đầu năm 2012 đến nay, số vụ tai nạn đường thủy (TNĐT) ở tỉnh tuy xảy ra ít, nhưng trên các tuyến sông còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ có thể làm gia tăng tai nạn.

* Tiềm ẩn nhỮng nguy cơ

Từ đầu năm đến nay, TNĐT ở Đồng Nai xảy ra 2 vụ, làm chết 2 người. Cụ thể, chiều 10-2, tàu thủy Biển Nam 17 chở 3.070 tấn clinker từ tỉnh Quảng Ninh về cảng Hiệp Phước, khi đến đoạn sông Đồng Nai (thuộc xã Phú Hữu, huyện Nhơn Trạch) thì gặp sự cố, đâm vào hai tàu Maritime 36 và Agnes đang neo đậu gần bờ. Cú va chạm mạnh làm tàu Biển Nam 17 bị chìm, 12 thuyền viên trên tàu Biển Nam 17 rơi xuống sông và bị nước cuốn đi xa. Đội tàu cứu hộ của Công ty cứu hộ, cứu nạn và ứng cứu tràn dầu Đại Minh đang neo đậu gần đó đã điều tàu cứu hộ tới hiện trường, vớt được 11 người và đưa vào bờ an toàn, 1 người mất tích.

Hiện nay, nước chảy xiết ở hạ lưu cầu Ghềnh nhưng các phương tiện thủy qua đây vẫn thường xuyên chở quá vạch dấu mớn nước an toàn, làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Ảnh: T. Toàn
Hiện nay, nước chảy xiết ở hạ lưu cầu Ghềnh nhưng các phương tiện thủy qua đây vẫn thường xuyên chở quá vạch dấu mớn nước an toàn, làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Ảnh: T. Toàn

Rạng sáng 14-3, trên sông Đồng Nai, sà lan biển số LA-054.22 vận chuyển cát từ tỉnh Long An đến Đồng Nai, khi đến đoạn chảy qua xã Phước Khánh (huyện Nhơn Trạch), do mức nước cạn nên tài công cho chiếc sà lan neo đậu chở nước lên mới tiếp tục chuyển cát vào TP.Biên Hòa. Rạng sáng 14-3, nước sông dâng cao làm chiếc sà lan đứt cáp neo đậu, trôi tự do trên sông và đâm vào tàu kéo số hiệu TG-6715. Sau đó, chiếc sà lan chở đầy cát này tiếp tục trôi đi và đâm vào một sà lan khác đang neo đậu trong khu vực này. Bị lực đâm khá mạnh, chiếc tàu kéo sà lan bị đánh chìm, làm một thuyền viên mất tích.

Theo báo cáo của Phòng Cảnh sát đường thủy (PC68, Công an tỉnh), các lỗi vi phạm chiếm tỷ lệ cao của các phương tiện thủy, gồm: chở quá vạch dấu mớn nước an toàn (vạch an toàn, quá tải), vi phạm các quy định về tín hiệu, sơn kẻ vạch an toàn, danh bạ thuyền viên... Trong đó, vi phạm chở quá vạch an toàn và quy định tín hiệu là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNĐT.

Các phương tiện thủy chở quá vạch an toàn khi có sự cố thường dễ bị va trôi gây tai nạn. Bởi sức đẩy (tự hành hoặc có tàu đẩy, kéo) của phương tiện không đủ sức khống chế sức trôi tự do của chính phương tiện quá tải này. Vào mùa nước đổ như hiện nay, trên sông Đồng Nai nước chảy xiết (chỉ chảy một chiều hướng ra biển, dù đang lúc nước lớn) nhưng các sà lan, ghe chài lưu thông qua đây vẫn chở quá vạch an toàn, khiến nguy cơ tai nạn gia tăng.

Ông Dương Mạnh Hưng, Chánh thanh tra Sở Giao thông - vận tải, cho biết: “Mọi năm, vào thời điểm nước đổ, Đoạn Quản lý đường sông số 10 (Đoạn 10, quản lý khu vực miền Đông) đều thông báo buộc các phương tiện thủy lưu thông trên sông Đồng Nai giảm tải 20%. Năm nay, đến ngày 5-10 vẫn chưa thấy thông báo này. Một cán bộ thuộc PC68 cho biết, vi phạm quy định về tín hiệu cũng dễ gây tai nạn. Vào cuối năm 2011, có đến 5 vụ phương tiện thủy va đụng (không có chết người) vì vi phạm quy định này.

Ngoài ý thức chấp hành của một bộ phận người điều khiển phương tiện thủy chưa cao, dễ dẫn đến tai nạn, một điều đáng quan tâm là trên hệ thống sông Đồng Nai có rất nhiều các bãi cạn, đá ngầm. Đây là những chướng ngại vật nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ TNĐT rất cao. Để đảm bảo ATGT các tàu, phương tiện thủy lưu thông thông suốt, cần phải xử lý những bãi đá ngầm. Nhưng nguồn kinh phí cho việc xử lý này khá lớn nên Đoạn 10 chưa thể giải quyết những cái “bẫy” nguy hiểm này.

* Tạo điều kiện để tăng cường tuần tra, kiểm soát

Đồng Nai có các tuyến sông Đồng Nai, Nhà Bè, Lòng Tàu, Thị Vải thuộc luồng hàng hải. Trên các tuyến này, cảng biển và phương tiện hàng hải được điều chỉnh bởi Luật Hàng hải. Trong khi đó, PC68 Đồng Nai chưa được giao thẩm quyền xử lý theo Luật Hàng hải, mà chỉ xử lý theo Luật Đường thủy nội địa. Do vậy, trên các sông này, PC68 không thực hiện công tác quản lý trật tự ATGT, nhưng khi có vi phạm pháp luật về đường thủy hoặc TNGT xảy ra lại bị quy trách nhiệm. Trước thực trạng giao thông phức tạp trên các tuyến hàng hải nói trên, PC68 cần phải tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trật tự ATGT, nhưng lại bị hạn chế thẩm quyền như đã nói trên. Do vậy, Công an Đồng Nai cần kiến nghị Bộ Công an và các cấp có thẩm quyền giao thêm chức trách cho PC68 được thực hiện công tác quản lý trật tự ATGT trên các tuyến sông có luồng hàng hải, cảng biển nội địa để lực lượng này hoạt động hiệu quả hơn.

Đối với vi phạm chở quá vạch an toàn xảy ra phổ biến hiện nay, nguyên nhân do mức phạt nhẹ hơn lợi nhuận thu được do chở quá tải và lực lượng kiểm tra không có điều kiện hạ tải các phương tiện thủy vi phạm, nên các chủ phương tiện thủy chấp nhận nộp phạt rồi chở quá vạch an toàn. Để chấm dứt tình trạng này, PC68 kiến nghị sớm được tỉnh tạo điều kiện trang bị các thiết bị để hạ tải và âu tàu (bến neo giữ phương tiện vi phạm) để có nơi lưu trữ, bảo quản tang vật vi phạm.

Để làm tốt công tác tuyên truyền, PC68 tiếp tục phối hợp với báo, đài tỉnh, các phòng nghiệp vụ của Công an tỉnh để đăng tải, phát sóng tuyên truyền về pháp luật giao thông đường thủy, hàng hải. Bên cạnh đó, lực lượng tuần tra kiểm soát khi hoạt động luôn kết hợp việc kiểm tra cùng với tuyên truyền Luật Giao thông đường thủy cho các thuyền viên, khách đi đò, phà nhằm nhắc nhở mọi người giữ gìn an toàn khi đi trên sông. Từ nay đến cuối năm, PC68 tăng cường tuần tra kiểm soát, chú trọng xử lý các trường hợp sử dụng bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn giả, đồng thời kiểm tra phòng ngừa sai phạm, tiêu cực trong lực lượng, việc chấp hành điều lệnh, quy trình của các tổ tuần tra cơ động trên các tuyến sông của tỉnh.

Thanh Toàn

 

Tin xem nhiều