Báo Đồng Nai điện tử
En

Tăng cường kiểm tra xử lý xe quá tải

10:07, 28/07/2014

"Hiện nay, tình trạng phương tiện vận tải đường bộ vi phạm chở hàng quá tải trọng cho phép lưu hành trên đường bộ đang diễn ra phổ biến trên phạm vi cả nước, là nguyên nhân chính gây hư hỏng và xuống cấp nhanh hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; đồng thời cũng là nguyên nhân gây mất an toàn giao thông, xảy ra một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng…" (Trích Công điện số 1966/CĐ-TTg ngày 19-11-2013 của Thủ tướng Chính phủ).

“Hiện nay, tình trạng phương tiện vận tải đường bộ vi phạm chở hàng quá tải trọng cho phép lưu hành trên đường bộ đang diễn ra phổ biến trên phạm vi cả nước, là nguyên nhân chính gây hư hỏng và xuống cấp nhanh hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; đồng thời cũng là nguyên nhân gây mất an toàn giao thông, xảy ra một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng…” (Trích Công điện số 1966/CĐ-TTg ngày 19-11-2013 của Thủ tướng Chính phủ).

* Tác hại của xe quá tải

Phương tiện chở hàng quá tải trọng cho phép biểu hiện trên các lĩnh vực: chở hàng vượt quá trọng tải thiết kế được ghi trong giấy đăng ký xe, hoặc giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (thường gọi là quá tải thiết kế); tổng trọng lượng của xe, hoặc tải trọng trục xe (bao gồm cả hàng hóa trên xe, người được chở trên xe) vượt quá tải trọng cho phép của cầu đường (thường gọi là quá tải cầu đường). Đối với những xe có tải trọng cho phép thấp (khoảng 5 tấn trở xuống), nếu chở quá tải chỉ vi phạm quá tải thiết kế. Những xe có tải trọng cho phép lớn (khoảng 10 tấn trở lên, loại xe 3-4 trục...), nếu đã chở quá tải sẽ vi phạm cả quá tải thiết kế và quá tải cầu đường.

Xe quá tải phá đường bộ là nguy cơ gây mất trật tự an toàn giao thông. Ảnh minh họa
Xe quá tải phá đường bộ là nguy cơ gây mất trật tự an toàn giao thông. Ảnh minh họa

Chúng ta đều biết rằng, ngành giao thông - vận tải hiện đang quản lý một tài sản vô cùng lớn của xã hội, đó là hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, bao gồm: đường, cầu đường bộ, bến xe, bến phà, trạm dừng nghỉ và toàn bộ các công trình phụ trợ khác trên đường bộ phục vụ giao thông. Tài sản đó được toàn xã hội cùng phối hợp bảo vệ, nhằm thúc đẩy sự phát triển giao lưu kinh tế, đảm bảo an toàn cho người dân tham gia giao thông. Tuy nhiên, một nguyên nhân gây hư hỏng công trình giao thông đường bộ (cả trực tiếp và gián tiếp) chính là xe chở hàng quá tải.

Thời gian gần đây, do các lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm nên số phương tiện chở hàng quá tải thường hoạt động vào ban đêm để tránh sự tuần tra kiểm soát. Đoàn xe quá tải nào cũng có “cò” dẫn đường, có “cò gián tiếp” (thông báo các lực lượng chức năng kiểm tra đang ở đâu) và có “cò trực tiếp” dẫn xe né tránh; “cò tuyến đường”, “cò khu vực” dẫn xe quá tải qua hết tuyến, hết khu vực nào là bàn giao cho “cò” tuyến, khu vực khác.

Chúng ta đã nghe, chứng kiến sự xuống cấp của nhiều tuyến đường bộ bị xe quá tải né Trạm cân Dầu Giây tàn phá, như: tỉnh lộ 762, 769, hương lộ 10...; các tuyến đường có mỏ vật liệu xây dựng, như: tỉnh lộ 760, 768… bị cày xới thành những “ổ voi”, vào mùa khô thì nắng bụi, mùa mưa sình lầy; hay tình trạng xe quá tải hú còi, chạy quá tốc độ, lấn tuyến gây ra biết bao tai nạn giao thông thương tâm trên những tuyến đường đó. Vì lợi nhuận, cạnh tranh giành giật nguồn hàng, nhiều chủ xe, tài xế còn tự ý cơi nới thùng xe (nhất là xe tải ben), chở vật liệu xây dựng quá tải làm rơi vãi cát, đá, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông và ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị.

* Thực trạng xe quá tải trên địa bàn tỉnh

Đồng Nai nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có hệ thống giao thông dày đặc với nhiều tuyến đường huyết mạch, như các quốc lộ: 1, 20, 51... nối liền hệ thống cảng biển Vũng Tàu với trung tâm công nghiệp TP.Hồ Chí Minh, gắn kết miền Đông Nam bộ với Tây Nguyên, nên một khối lượng lớn hàng hóa được trung chuyển qua địa bàn tỉnh, chủ yếu là đường bộ. Hàng đoàn xe quá tải chở gỗ, nông sản, thực phẩm, bauxite từ Tây Nguyên xuống qua quốc lộ 20; chở sắt, thép... từ Vũng Tàu lên qua quốc lộ 51; các chủng loại hàng hóa từ miền Bắc, miền Trung vào qua quốc lộ 1; xe tải ben chở vật liệu xây dựng từ các mỏ đá: Đồng Tân, Tân Cang (TP.Biên Hòa) Vĩnh Hải (huyện Vĩnh Cửu) đi khắp nơi trong tỉnh…

Mức phạt xe quá tải được quy định trong Nghị định 171/2013/NĐ-CP rất cao (phạt cả chủ xe, tài xế), nên những đoàn xe quá tải tận dụng mọi thủ đoạn để trốn tránh, như: thuê “cò” dẫn đường, thuê xe trung chuyển hàng qua trạm, tập trung thành đoàn liều lĩnh vượt trạm cân... Khi gặp lực lượng chức năng thì tìm cách mua chuộc (bằng tiền, vật chất), gọi điện cho người thân quen, nếu không được thì đóng cửa xe bỏ đi, đe dọa hoặc chống người thi hành công vụ... Những thủ đoạn này đã gây nhiều khó khăn cho công tác thanh kiểm tra, xử lý xe quá tải.

Thực hiện mục tiêu Năm an toàn giao thông 2014 với chủ đề “Siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng xe”, ngoài Trạm kiểm tra tải trọng xe cố định Dầu Giây, trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động cũng được triển khai hoạt động trên quốc lộ 51 từ ngày 9-4; các chốt kiểm tra quá tải tại cầu Hóa An, cầu La Ngà và các đoàn kiểm tra liên ngành trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ... đã kiểm tra, lập biên bản hàng ngàn vụ vi phạm chở quá tải, xử phạt hàng chục tỷ đồng.

Hiện tại, số lượng phương tiện vi phạm chở hàng quá tải trọng trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ qua địa bàn Đồng Nai đã giảm, qua đó giảm thiểu được số vụ tai nạn giao thông do xe quá tải gây ra. Cầu La Ngà, cầu Hóa An và các tuyến giao thông quan trọng khác được bảo vệ an toàn.

* Giải pháp xử lý xe quá tải

Thực hiện Công điện số 95/CĐ-TTg ngày 10-1-2013 và Công điện số 1966/CĐ-TTg ngày 19-11-2013 của Thủ tướng Chính phủ, cả nước đã đồng loạt ra quân triển khai công tác kiểm soát tải trọng xe và đã có nhiều chuyển biến tích cực, được dư luận xã hội đồng tình. Tuy nhiên, vì lợi nhuận và vì sự cạnh tranh không lành mạnh, nhiều chủ xe, tài xế vẫn dùng mọi thủ đoạn tinh vi để né tránh, chờ sự lơi lỏng của cơ quan chức năng trong công tác kiểm tra, kiểm soát để vi phạm chở quá tải, quá khổ. Do vậy, các cơ quan chức năng cần phải tăng cường công tác phối hợp liên ngành, đồng thời xác định công tác kiểm soát tải trọng phương tiện đường bộ là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục 24/24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần; thực hiện đồng bộ trên tất cả các tuyến đường, không để hiện tượng tránh né sự kiểm tra, kiểm soát xảy ra. Chỉ có như vậy, xe quá tải mới hết đường trốn chạy.

Hiện nay, công tác thanh kiểm tra, xử lý xe chở quá tải trọng cho phép tập trung tại các trạm kiểm tra tải trọng xe cố định, kiểm tra tải trọng xe lưu động, các chốt kiểm tra bằng cân xách tay... Trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ đã tiến hành xử phạt cả chủ phương tiện và tài xế nếu để xảy ra vi phạm chở quá tải với mức phạt rất cao. Tuy nhiên, để lập được biên bản chở quá tải phải mất nhiều quân số, trang thiết bị cho một trạm cân, phải trực cả ngày đêm ngoài trời mưa, nắng. Khi đến trạm kiểm tra, xe quá tải đã làm hư hỏng bao nhiêu km đường, cầu, cống trước khi đến trạm, đó là chưa tính đến việc phải tìm và gia cố bãi hạ tải đủ kiên cố, đủ diện tích để hạ tải. Những xe chở nhiên liệu, khí hóa lỏng, container kẹp chì, hàng đông lạnh..., thì làm sao hạ tải?

Rõ ràng, chúng ta đang làm phần “ngọn” mà chưa tính đến phần “gốc”. Cần kiểm tra tải trọng ngay tại các điểm xuất phát hàng hóa tại khu vực kho cảng, bến bãi, mỏ sản xuất vật liệu xây dựng... tạo điều kiện thuận lợi cho công tác kiểm tra, hạ tải, không xảy ra hư hỏng công trình giao thông, giảm tệ nạn chung chi. Phải có quy định xử phạt nghiêm đối với tất cả cơ sở sản xuất, chủ hàng, đơn vị bốc dỡ hàng hóa nhằm triệt tiêu nguồn gốc chở hàng quá tải.

Tại các trạm kiểm tra tải trọng xe xảy ra hiện tượng cùng một phương tiện, nhưng trọng lượng toàn bộ cho phép khi tham gia giao thông ghi trên giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường thường cao hơn so với quy định quá tải trọng đường bộ được áp dụng để xác định hành vi quá tải. Khi phương tiện vào cân xe, tổng trọng tải (xe + hàng) của phương tiện được xác định quá tải qua phiếu cân, nhưng so với trọng lượng cho phép khi tham gia giao thông (ghi trong sổ đăng kiểm) lại không quá tải. Đó là chưa kể đến sự không thống nhất giữa tải trọng phương tiện ghi trên giấy đăng ký xe và tải trọng phương tiện ghi trong sổ kiểm định. Do đó, cần phải có sự thống nhất giữa các cơ quan đăng kiểm, Tổng cục Đường bộ Việt Nam..., tạo điều kiện thuận lợi cho công tác kiểm tra, kiểm soát tải trọng xe được thực hiện chính xác và đồng bộ, không xảy ra hiện tượng bức xúc, khiếu nại của lái xe, chủ phương tiện vi phạm.

Ban tổ chức cuộc thi viết về chủ đề “An toàn giao thông trên mọi nẻo đường” trên Báo Đồng Nai mong tiếp tục nhận được tác phẩm dự thi của bạn đọc cả nước để có những hiến kế sâu sắc, hiệu quả đối với công tác đảm bảo giao thông, kiềm chế tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh Đồng Nai trong thời gian tới. Thời hạn chót nhận bài dự thi giai đoạn II là ngày 31-8-2014.

Nghị định 171/2013/NĐ-CP quy định lỗi vi phạm hành chính đối với xe quá tải trọng, quá khổ giới hạn của cầu đường biểu hiện: tổng trọng lượng của xe, hoặc tải trọng trục xe. Thực tế, tại các trạm kiểm tra tải trọng xe, nhiều chủ phương tiện, lái xe không “tâm phục khẩu phục” khi bị lập biên bản trong trường hợp tổng trọng lượng của xe không quá tải, nhưng lại quá tải trọng trục do xếp hàng bị lệch. Một số phương tiện chở hàng cồng kềnh, hàng siêu trường, siêu trọng không thể cắt rời phân bố tải trọng trục không đều rất dễ vi phạm quá tải trọng trục. Để góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải hàng hóa, đặc biệt là các doanh nghiệp vận tải hàng hóa bằng container, đề nghị không cân và không xử lý quá tải trọng trục, mà chỉ cân và xử lý quá tải tổng trọng lượng toàn bộ của phương tiện.

Tăng cường kiểm tra xử lý xe quá tải, cơi nới thùng xe trái quy định là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của Năm an toàn giao thông 2014. Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này, các đơn vị chức năng cần tăng cường phối hợp lực lượng thực hiện việc thanh kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi vi phạm chở hàng quá tải, nhằm góp phần làm giảm tai nạn giao thông, nguy cơ mất trật tự an toàn giao thông và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh.

Phương Lâm

 

 

 

Tin xem nhiều