Để góp phần kiềm chế tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh, những năm qua Ủy ban MTTQ các cấp đã có nhiều nỗ lực tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Để góp phần kiềm chế tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh, những năm qua Ủy ban MTTQ các cấp đã có nhiều nỗ lực tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
* Vận động dân không lấn chiếm lề đường
Ông Nguyễn Văn Chính, Trưởng ban công tác Mặt trận ấp Ngọc Lâm 3, xã Phú Xuân (huyện Tân Phú), cho biết ấp Ngọc Lâm 3 có hơn 400 hộ dân, phần lớn các hộ sống rải rác trong ruộng, rẫy chỉ có 72 hộ sống ven quốc lộ 20, chủ yếu làm nghề kinh doanh buôn bán. Để mở rộng điều kiện buôn bán, những hộ này đã tự ý mở rộng hàng quán, lấn chiếm lề đường, làm hạn chế tầm nhìn của các phương tiện lưu thông trên đường, dẫn đến tình trạng giao thông trở nên ùn tắc vào các giờ cao điểm và gây ra không ít vụ tai nạn giao thông trên địa bàn.
Đồng chí Vy Văn Vũ, Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, khen thưởng các ấp, khu phố tiêu biểu trong phong trào “Toàn dân tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông”. Ảnh: P.Hằng |
Trước tình trạng đó, Ban công tác Mặt trận ấp đã phối hợp cùng MTTQ các cấp và Ban An toàn giao thông huyện tích cực tuyên truyền các hộ dân không lấn chiếm lề đường; đồng thời phối hợp cùng các chức việc và ban trùm họ đạo lập các đoàn đi đến từng nhà tuyên truyền, vận động người dân hiểu và chấp hành pháp luật về an toàn giao thông. Cứ thế, bằng nhiều cách thức tuyên truyền và kiên trì vận động, thuyết phục, đến năm 2012, các hộ dân nói trên đã tự giác tháo dỡ các vật dụng buôn bán, che chắn làm hạn chế tầm nhìn của các phương tiện lưu thông trên quốc lộ.
Bà Bùi Thị Liễu, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, cho biết để tiếp tục phát huy hiệu quả phong trào “Toàn dân tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông”, MTTQ các cấp sẽ tăng cường tuyên truyền, giáo dục về nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông, kịp thời biểu dương người tốt, việc tốt trong phong trào này; đưa các đối tượng vi phạm giao thông, lấn chiếm lòng lề đường… ra kiểm điểm trước dân, từ đó tạo nếp sống văn hóa giao thông trong từng cộng đồng dân cư. |
Tuy nhiên, một năm sau lại có 4 hộ dân, đã tái lấn chiếm lề đường để làm nơi buôn bán. Lần này, Ban công tác Mặt trận ấp, ban ấp, các cụ cao tuổi trong xóm ấp và các ông trùm giáo họ đã đến nhắc nhở, vận động từng hộ tháo dỡ. Sau khi đã tháo dỡ vật dụng lấn chiếm lòng lề đường, các hộ dân này còn phải cam kết không vi phạm. Đến nay, tất cả 72 hộ dân ấp Ngọc Lâm 3 sống ven quốc lộ 20 đều đã chấp hành nghiêm việc buôn bán đúng nơi quy định.
Theo Ban phong trào Ủy ban MTTQ tỉnh, không chỉ có ấp Ngọc Lâm 3 làm tốt việc vận động nhân dân không lấn chiếm lòng lề đường, mà nhiều ấp, khu phố khác cũng làm tốt công tác này. Chỉ trong 2 năm 2012-2013, Ủy ban MTTQ các cấp trong toàn tỉnh đã phối hợp các đoàn thể, tổ dân phòng, lực lượng tuần tra giao thông nhắc nhở, vận động được 612 trường hợp vi phạm hành lang an toàn giao thông để buôn bán, treo biển quảng cáo... tự nguyện tháo dỡ, góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông thông suốt.
* Vận động dân đi xe không lạng lách...
Bà Bùi Thị Liễu, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, cho biết năm 2000 Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã ban hành Nghị quyết liên tịch số 02 về việc phát động phong trào vận động “Toàn dân tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông”. Để nghị quyết đi vào cuộc sống, Ủy ban MTTQ tỉnh và Ban An toàn giao thông tỉnh đẩy mạnh triển khai nhiều biện pháp nhằm tuyên truyền, giáo dục các tầng lớp nhân dân tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông với một ý thức cao nhất. 14 năm qua, phong trào này ở Đồng Nai đã đạt nhiều kết quả tích cực.
Ban tổ chức cuộc thi “An toàn giao thông trên mọi nẻo đường” trên Báo Đồng Nai mong tiếp tục nhận được tác phẩm dự thi của bạn đọc cả nước để có những hiến kế sâu sắc, hiệu quả đối với công tác đảm bảo giao thông, kiềm chế tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới. Thời hạn chót nhận bài dự thi giai đoạn I là ngày 30-3-2014. |
Không chỉ chú trọng tuyên truyền, thông qua cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, Ủy ban MTTQ các cấp đã bổ sung tiêu chí “Khu dân cư an toàn giao thông”, phiếu đăng ký gia đình bảo đảm an toàn giao thông vào tiêu chuẩn công nhận ấp, khu phố và gia đình văn hóa. Như vậy, ở Đồng Nai khi công nhận ấp, khu phố văn hóa, ngoài việc phải đảm bảo các tiêu chí của Trung ương, còn phải đảm bảo tiêu chí không để xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Trong 2 năm 2012-2013, để giữ cho các ấp, khu phố không xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng, ngoài việc vận động nhân dân không lấn chiếm lòng lề đường, MTTQ các cấp còn tổ chức cho nhân dân phát quang bụi rậm và cây xanh có tán cây làm che khuất tầm nhìn của người tham gia giao thông ở các tuyến đường, với tổng chiều dài gần 200km; đồng thời lắp đặt hàng ngàn bóng đèn chiếu sáng ở các đường làng, ngõ xóm, phục vụ việc đi lại dễ dàng cho nhân dân vào ban đêm...
Đặc biệt, MTTQ các cấp rất chú trọng tuyên truyền, vận động người điều khiển phương tiện giao thông phải chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông. Tác động rõ nét từ phong trào này có KP.3, phường Thống Nhất
(TP.Biên Hòa) và khu Phước Thuận, thị trấn Long Thành (huyện Long Thành). Trước đây, những địa bàn này thường có một số thanh thiếu niên chạy xe lạng lách, phóng nhanh, không đội mũ bảo hiểm, gây mất an toàn giao thông. Đến nay, thực hiện “Khu dân cư an toàn giao thông”, những vi phạm này không còn tồn tại trong khu dân cư.
Ban công tác Mặt trận ấp Đức Long 3, xã Gia Tân (huyện Thống Nhất) trực tiếp đưa 28 thanh niên thường chạy xe lạng lách, đánh võng, quá tốc độ ra nhắc nhở trước dân và buộc ký cam kết không tái phạm. Ban công tác Mặt trận ấp 7, xã Phú Thịnh (huyện Tân Phú) đến từng nhà nhắc nhở con em các hộ dân trong độ tuổi thanh thiếu niên chưa có bằng lái xe và chưa đủ tuổi lái xe thì không được lái xe. Kết quả, 2 năm qua, ấp 7, xã Phú Thịnh không để xảy ra tai nạn giao thông.
Dương An