Báo Đồng Nai điện tử
En

Bị đau đầu dữ dội sau khi uống rượu bia, phải xử lý thế nào?

10:25, 20/12/2024
 

Sau khi uống rượu, tôi thường cảm thấy chóng mặt, buồn nôn kéo dài. Liệu đây có phải là dấu hiệu tổn thương gan hay dạ dày không? Cách xử lý khi bị đau đầu dữ dội và không dứt sau khi uống bia? Tôi cần kiểm tra gì để biết gan có bị tổn thương do bia rượu hay không?

(Anh Việt Hiển, ngụ thành phố Long Khánh)

Bác sĩ trả lời:

Chào bạn!

Những triệu chứng như chóng mặt, buồn nôn kéo dài sau khi uống rượu có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm tổn thương gan, dạ dày, hoặc hệ thần kinh. Cần tìm hiểu chi tiết từng khía cạnh để có cách xử lý và phòng ngừa hiệu quả.

Gan là cơ quan chịu trách nhiệm chuyển hóa và đào thải cồn ra khỏi cơ thể. Nếu bạn uống rượu thường xuyên hoặc quá mức, gan có thể bị tổn thương, dẫn đến gan nhiễm mỡ do rượu, viêm gan do rượu, xơ gan.

Rượu là chất kích thích mạnh, có thể gây viêm niêm mạc dạ dày hoặc làm trầm trọng hơn tình trạng viêm loét dạ dày tá tràng. Khi đó, bạn có thể cảm thấy: buồn nôn hoặc nôn, đặc biệt sau khi uống rượu lúc đói; đau rát thượng vị (vùng bụng trên); đầy hơi, khó tiêu sau bữa ăn.

Nếu các triệu chứng như chóng mặt, buồn nôn kéo dài, hoặc có thêm dấu hiệu vàng da, mệt mỏi, bạn nên đi khám để kiểm tra chức năng gan và dạ dày.

Về những nguyên nhân gây đau đầu do rượu bia, thường do mất nước, tăng áp lực mạch máu não, tích tụ acetaldehyde. Để xử lý tình trạng này, cần uống nhiều nước lọc hoặc nước điện giải để bù lại lượng nước và muối khoáng bị mất, sử dụng thuốc giảm đau nhẹ như paracetamol (tránh dùng ibuprofen vì có thể gây kích ứng dạ dày); uống nước chanh, nước gừng, trà thảo mộc để hỗ trợ giải độc và giảm đau đầu; hoặc nghỉ ngơi ở nơi yên tĩnh, tránh ánh sáng mạnh và không uống thêm rượu bia để làm dịu cơ thể. Lưu ý, nếu đau đầu không giảm sau 24h hoặc kèm các triệu chứng như nôn mửa liên tục, mất ý thức, yếu nửa người, cần đi cấp cứu ngay vì có nguy cơ ngộ độc rượu cấp hoặc tổn thương não.

Để kiểm tra nhằm biết gan có bị tổn thương do bia rượu không, cần xét nghiệm chức năng gan bao gồm: xét nghiệm men gan (ALT, AST), GGT và ALP, Bilirubin; siêu âm gan; FibroScan hoặc sinh thiết gan (nếu cần); xét nghiệm công thức máu, đông máu, hoặc kiểm tra virus viêm gan (HBV, HCV) để loại trừ các nguyên nhân khác.

Lời khuyên để bảo vệ gan và hệ tiêu hóa khi uống rượu bia

• Hạn chế uống rượu bia, không uống quá 1-2 đơn vị cồn/ngày (tương đương 1 lon bia hoặc 1 ly rượu vang).

• Không uống rượu lúc đói, nên ăn nhẹ trước khi uống để giảm tác động lên dạ dày.

• Uống xen kẽ nước lọc trong khi uống bia rượu để giảm nguy cơ mất nước và say nhanh.

• Tránh uống rượu không rõ nguồn gốc vì dễ gây ngộ độc.

• Bổ sung thực phẩm giàu chất chống oxy hóa (rau xanh, trái cây, vitamin C) để hỗ trợ gan thải độc.

Nếu bạn lo lắng về sức khỏe gan hoặc gặp các triệu chứng bất thường sau khi uống rượu bia, hãy đến cơ sở y tế để kiểm tra sớm. Việc phát hiện và điều trị kịp thời sẽ giúp bảo vệ sức khỏe lâu dài. Chúc bạn luôn khỏe mạnh!

BS CKI Phạm Thị Huyền

 Khoa Nội Nhi - Bệnh viện Thuận Mỹ ITO Đồng Nai

Ito tài trợ

 

Tin xem nhiều