Báo Đồng Nai điện tử
En

Suy thận giai đoạn 5 cần bổ sung dinh dưỡng như thế nào?

12:22, 30/10/2024
 

Mẹ em đang bị suy thận giai đoạn 5 sắp chuyển qua chạy thận. Hiện tại nhìn mẹ ốm yếu lắm, nhờ bác sĩ tư vấn giúp em chế độ dinh dưỡng cũng như cần bổ sung những loại sữa nào phù hợp với bệnh của mẹ em ạ? Em cảm ơn ạ!

(Chị Nguyễn Thị Kim Thoa, 34 tuổi, ngụ huyện Long Thành)

Bác sĩ trả lời:

Chào bạn!

Chế độ dinh dưỡng là một trong những điều trị nền tảng, đóng vai trò quan trọng trong điều trị bệnh thận mạn, đặc biệt là ở những người bệnh thận mạn giai đoạn cuối chưa lọc máu như mẹ của bạn. Ở giai đoạn này, mức lọc cầu thận giảm thấp làm thận mất khả năng điều chỉnh cân bằng nội môi trong cơ thể, dẫn đến hàng loạt các biến đổi về lâm sàng và sinh hóa của các cơ quan trong cơ thể. Do đó, một chế độ ăn uống hợp lý sẽ giúp kiểm soát tốt hơn các biến chứng, làm chậm diễn tiến suy thận.

Trên người bệnh bệnh thận mạn giai đoạn cuối, do tình trạng tiêu hóa kém kèm các rối loạn chuyển hóa thường dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng suy như dinh dưỡng do thiếu protein - năng lượng, thiếu máu, rối loạn chuyển hóa canxi, magie, phospho... 

Mục tiêu của điều trị dinh dưỡng trên nhóm bệnh nhân này là: duy trì thăng bằng về lượng nhập chất dinh dưỡng và phòng ngừa bệnh mạn tính; kiểm soát gia tăng lượng chất thải và độc tố; phòng ngừa và điều trị tình trạng suy dinh dưỡng

Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh bệnh thận mạn giai đoạn cuối chưa lọc máu như sau:

• Tổng năng lượng: 30-35 kcal/kg/ngày

• Tiết chế protein 0,6-0,8g/kg/ngày (hiệu quả giảm đạm niệu, giảm tăng ure máu, chậm tốc độ tiến triển bệnh thận)

• Tiết chế protein tuy nhiên phải trên cơ sở tránh tiết chế quá mức gây ra tình trạng suy dinh dưỡng vì tăng nguy cơ tử vong, tăng nhiễm trùng, tăng nhập viện

• Tăng protein thực vật, thay cho protein động vật

• Đủ vitamin và các yếu tố vi lượng.

• Đảm bảo cân bằng nước, muối, ít toan và ít phosphat.

Lựa chọn thực phẩm cho bệnh nhân suy thận mạn:

Thực phẩm nên tránh:

- Ăn những thực phẩm chế biến sẵn có nhiều muối: cá khô, cá muối, thịt muối, cà muối, da muối, giò, chả, patê, xúc xích, thịt hộp, cá hộp… Nếu muốn ăn các thực phẩm kể trên, cần kiểm tra lượng muối có trong thực phẩm và được tính toán cụ thể.

- Thêm muối (nước mắm, gia vị, mì chính, muối...) vào khi chế biến và nấu món ăn.

- Uống các loại lá, rễ cây, thuốc gây quá tải cho thận.

Thực phẩm nên ăn:

- Đưa nước vào cơ thể hạn chế theo mức độ đào thải của thận, lượng nước đưa vào cơ thể: thông thường bằng lượng nước tiểu ngày hôm trước + 500ml nước

- Ăn nhạt: Khi có phù hoặc cao huyết áp, lượng muối hàng ngày thay đổi tùy theo tình trạng bệnh. Chỉ nên ăn tối đa 3g/ngày tương đương với 15ml nước mắm (trong trường hợp không theo thực đơn cụ thể)

- Nên chọn các loại ngũ cốc có lượng đạm thấp như miến, khoai củ, bột sắn. Nên ăn gạo, mì tối đa 200g/ngày tùy theo mức độ suy thận. Khi suy thận càng nặng thì lượng gạo, mì càng ít hơn

- Nên chọn các loại rau có hàm lượng đạm thấp dưa chuột, bầu, bí, rau cải...

Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại sữa có thể dùng tốt cho người bệnh thận mạn như sữa Nepro, Fresubin renal, Nutricare Kidney… đối với trường hợp của mẹ bạn khi mua chỉ nên chọn loại sữa dành cho người bệnh thận mạn giai đoạn cuối chưa lọc máu.

Chúc mẹ bạn sớm khỏe!

Bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Thái Hòa

Phó khoa phụ trách Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai

 

 

Tin xem nhiều
Phân Phối yến hũ DXNEST Nguyên Chất, Giá Tốt