undefined |
Cách đây 1 tháng, tôi đi khám bệnh thì phát hiện có polyp đại tràng. Thêm vào đó, tôi hay bị đi cầu ra máu. Bác sĩ cho hỏi như vậy liệu tôi có bị ung thư đường tiêu hóa không ạ? Và có cần phải cắt bỏ hay theo dõi như thế nào để tránh tình trạng bệnh nặng hơn ạ?
(Anh Thái, 42 tuổi, ngụ phường Hố Nai, thành phố Biên Hòa)
Bác sĩ trả lời:
Chào anh!
Qua câu hỏi của anh, tôi thấy anh đang có những mối quan tâm đến vấn đề sức khỏe là đi cầu ra máu, polyp đại tràng, tầm soát ung thư đường tiêu hóa.
Trước tiên, polyp có thể hiểu đơn giản là những khối mô hình thành và phát triển từ lớp niêm mạc, lồi và nhô ra trong lòng ống tiêu hóa, thường gặp ở dạ dày đại tràng. Polyp có rất nhiều loại, tuy nhiên ta chủ yếu quan tâm đến các loại có nguy cơ phát triền thành ung thư. Các yếu tố làm tăng khả năng hình thành polyp gồm tuổi cao, hút thuốc lá, uống rượu bia nhiều, lối sống tĩnh tại, béo phì, ăn nhiều chất béo, ít xơ…
Hầu hết polyp không có triệu chứng, chủ yếu được phát hiện tình cờ khi nội soi. Các triệu chứng thường rõ ràng hơn khi đã có biến chứng như chảy máu, tắc ruột, hay ung thư hóa. Vì vậy, đối với những người có nguy cơ cao, cần khám sức khỏe định kỳ đều đặn 1-2 lần/năm để tầm soát các vấn đề sức khỏe cũng như tầm soát ung thư nhằm phát hiện sớm các polyp và có thể cắt bỏ nếu cần.
Tầm soát ung thư nghĩa là phát hiện các tổn thương từ sớm có nguy cơ phát triển thành ung thư trong tương lai để có thể can thiệp và ngăn ngừa ung thư, điều này sẽ tốt hơn khi bệnh đã tiến xa. Độ tuổi cần tầm soát theo khuyến cáo là từ 40-50 tuổi.
Đặc biệt, chúng ta cần lưu ý kiểm tra sớm hơn khi có các triệu chứng “đáng báo động” như: sụt cân không chủ ý, nuốt khó, chảy máu đường tiêu hóa, thiếu máu thiếu sắt, khối u ở bụng, nôn ói kéo dài, tiền căn gia đình có ung thư đường tiêu hóa. Phương tiện thường được dùng trong những trường hợp này là nội soi dạ dày và nội soi đại tràng.
Chúc anh sớm cải thiện sức khỏe!
Bác sĩ Nguyễn Xuân Hiếu,
Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin