Báo Đồng Nai điện tử
En

Bác sĩ trả lời: Trẻ 12 tuổi tiêm vaccine ngừa viêm gan B được không?

ThS-BS Nguyễn Như Thái
23:13, 23/12/2023
 

* Con tôi năm nay 12 tuổi, tôi muốn cho cháu đi chích ngừa dự phòng viêm gan B thì cần phải làm các xét nghiệm trước tiêm ngừa hay không? Cụ thể là các loại xét nghiệm nào ạ? Mong bác sĩ tư vấn giùm!

(Chị Diêu Thu Vân, ngụ P.Tân Phong)

Bác sĩ trả lời:

Chào bạn!

Viêm gan B là bệnh do virus viêm gan B gây ra, gây viêm và hoại tử tế bào gan cấp tính hay mạn tính. Trên thế giới ước tính có khoảng hơn 2 tỷ người (30% dân số) bị nhiễm virus viêm gan B và hơn 400 triệu người bị bệnh gan mạn tính. Hàng năm, ít nhất có khoảng 1 triệu người trên thế giới tử vong do xơ gan và ung thư gan.

Việt Nam là nước thuộc vùng có tỷ lệ lưu hành bệnh viêm gan B cao (khoảng 10-20%) đặc biệt tỷ lệ mang virus viêm gan B ở phụ nữ có thai từ 10-16% và ở trẻ em là 2-6%.

Loại virus này có thể lây truyền qua đường máu (dùng chung bơm kim tiêm với người nhiễm bệnh, nhiễm máu nhiễm bệnh trong quá trình phẫu thuật, xăm hình, dùng chung dao cạo râu, trong nha khoa hoặc các tiểu phẫu y tế… hoặc da có vết xước và tiếp xúc với phần da hở hoặc máu của người mắc bệnh…) qua quan hệ tình dục và từ mẹ truyền sang con. Dù có cùng cách thức truyền bệnh với virus HIV nhưng khả năng lây nhiễm của viêm gan B cao gấp 50-100 lần HIV.

Tiêm vaccine phòng viêm gan B là biện pháp hiệu quả nhất để phòng ngừa bệnh

Nhưng vaccine không thể tạo ra đáp ứng miễn dịch suốt đời vì lượng kháng thể sẽ giảm dần theo thời gian. Do đó khuyến cáo sau 5 năm nên cho trẻ thực hiện xét nghiệm và được bác sĩ đánh giá và đưa phác đồ tiêm nhắc lại phù hợp.

Với trường hợp con bạn 12 tuổi cần làm xét nghiệm:

- Xét nghiệm trước khi tiêm: cần làm các xét nghiệm HBsAg và anti-HBs (HBsAb) để biết đã bị nhiễm bệnh hay trong cơ thể đã có kháng thể kháng virus viêm gan B hay chưa.

Nếu kết quả là HBsAg dương tính, nghĩa là người được xét nghiệm đã nhiễm virus viêm gan B, việc tiêm ngừa sẽ không còn hiệu quả.

Còn nếu HBsAg âm tính và HBsAb dương tính tức là đã có kháng thể kháng virus viêm gan B, tùy thuộc vào nồng độ kháng thể bác sĩ có thể cho chỉ định tiêm 1 mũi vacine nhắc lại hoặc không cần thiết phải tiêm vaccine nữa.

Nếu cả hai xét nghiệm đều cho kết quả âm tính, tức là chưa mắc bệnh và cần tiêm vaccine để phòng bệnh.

- Phác đồ tiêm: có thể chọn 1 trong 2 phác đồ

Phác đồ: 0-1-6 nghĩa là liều thứ 2 cách mũi đầu tiên 1 tháng và liều thứ 3 cách liều thứ 2 là 5 tháng (cách liều đầu 6 tháng nếu tiêm đúng lịch).

Phác đồ 0-1-2-12 tức là tiêm 3 liều liên tiếp cách nhau 1 tháng và liều thứ 4 cách liều thứ 3 là 1 năm.

Tiêm vaccine nhắc lại sau mỗi 5 năm hoặc xét nghiệm lại để bác sĩ đánh giá và cho chỉ định tiêm vaccine phù hợp

Không chỉ có trẻ em, người lớn có nguy cơ nhiễm virus viêm gan B cao cần được sàng lọc và tiêm phòng viêm gan B. Những nhóm có nguy cơ cao bao gồm:

- Nam, nữ giới quan hệ tình dục đồng giới.

- Những người mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục.

- Những người có nhiều hơn 1 bạn tình trong vòng 6 tháng trở lại đây.

- Nhân viên y tế và nhân viên an toàn công cộng, công an, cảnh sát… có khả năng tiếp xúc với máu hoặc các dịch cơ thể có khả năng lây nhiễm khác.

- Những người đang hoặc gần đây tiêm chích ma túy bất hợp pháp.

- Những người bị bệnh đái tháo đường và < 60 tuổi (hoặc ≥ 60 tuổi nếu nguy cơ mắc viêm gan B của họ được coi là cao).

-Những người bị bệnh thận giai đoạn cuối có chạy thận.

- Người nhiễm HIV.

- Người thân trong gia đình và bạn tình của những người dương tính với HBsAg.

- Những người trong các cơ sở cải huấn hoặc các cơ sở cung cấp dịch vụ có người tiêm chích ma túy.

- Người mắc bệnh gan mạn tính, viêm gan C.

- Khách du lịch quốc tế đến những vùng đang lưu hành virus viêm gan B ở mức cao hoặc trung bình.

- Người bệnh và nhân viên của các cơ sở dành cho người khuyết tật.

ThS-BS Nguyễn Như Thái,

Trưởng Đơn vị tiêm chủng, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai

 

 

Tin xem nhiều