Báo Đồng Nai điện tử
En

Bác sĩ trả lời: 26 tuổi bị phù chân, đau nhức có bất thường?

Ths-BS Đỗ Trung Dũng
11:28, 25/10/2023
 

* Tôi 26 tuổi, chưa lập gia đình. Đi khám bác sĩ chẩn đoán tôi bị giãn tĩnh mạch chi dưới. Hiện tại cứ mỗi khi đứng và ngồi khoảng 1-2 giờ là chân tôi bị sưng và luôn bị tê chân do máu lưu thông không đều và tê nhức ở mắt cá chân sau 1 ngày làm việc. Tôi đã uống thuốc Tây nhưng đã chuyển sang thuốc Bắc vì sức khoẻ không cho phép. Thưa bác sĩ, tình trạng của tôi đã nặng chưa ạ? Sau này khi lập gia đình thì có ảnh hưởng gì đến sức khoẻ của mẹ và con không?

(Chị Huyền, ngụ huyện Cẩm Mỹ)

Trả lời:

Chào bạn!

Bác sĩ xin chia sẻ những lo lắng của bạn về vấn đề sức khỏe của mình và vấn đề sanh con sau này, điều đó chứng tỏ bạn là người biết quan tâm và sống có trách nhiệm!

Về câu hỏi về bệnh lý tĩnh mạch bạn gửi đến chương trình, chúng tôi xin trả lời bạn như sau:

- Bệnh lý suy giãn tĩnh mạch là bệnh lý khá phổ biến và ngày càng được nhiều người quan tâm. Bệnh ảnh hưởng đến khoảng 1/3 dân số ở các mức độ khác nhau! Thường thì phái nữ có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn nam giới. Càng lớn tuổi bệnh cũng càng có nguy xảy ra hơn.

- Bệnh tĩnh mạch bị gây ra chủ yếu là do van tĩnh mạch bị suy làm mất chức năng khiến cho dòng máu bị trào ngược và ứ đọng ở chân gây ra các triệu chứng đau, tê, chuột rút. Triệu chứng biểu hiện khi bệnh nhân ngồi bất động lâu và nặng hơn vào cuối ngày.

- Để chẩn đoán bệnh tĩnh mạch bác sĩ sẽ thăm hỏi để biết được thói quen, tính chất công việc, mức độ thường xuyên biểu hiện các triệu chứng. Sau đó, bác sĩ thăm khám trực tiếp tổng trạng để đánh giá các yếu tố nguy cơ làm bệnh nặng hơn như thừa cân, các trang phục bó sát làm cản trở lưu thông dòng máu về tim. Tiếp theo, bác sĩ sẽ kiểm tra cụ thể mức độ biểu hiện của tĩnh mạch, nếu có phù chân thì ở mức độ C3 (theo phân độ bệnh tĩnh mạch CEAP), tĩnh mạch giãn ngoằn ngoèo là C2, và tĩnh mạch nổi dạng mạng lưới là C1. Một số bệnh nhân bệnh tĩnh mạch nặng hơn gây xạm da chân thì phân độ là C4, đã từng bị loét chân nay đã lành là C5 và nặng nhất là có vết loét đang tiến triển là C6. Bệnh nhân sẽ được thăm khám ở tư thế đứng để các biểu hiện bệnh lý tĩnh mạch rõ ràng hơn. Ngoài ra, với các bệnh nhân lớn tuổi có nguy cơ bệnh lý xơ vữa mạch máu, bác sĩ cũng sẽ kiểm tra kĩ lưỡng hệ động mạch để phát hiện bệnh lý mạch máu khác đi kèm với bệnh suy giãn tĩnh mạch

 

- Sau quá trình hỏi bệnh và thăm khám, thông thường bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân được thực hiện kiểm tra hệ mạch máu chi dưới bằng siêu âm doppler màu để đánh giá hình thái của từng tĩnh mạch cũng như vị trí và ức độ dòng trào ngược gây bệnh.

- Ngoài ra, một số xét nghiệm máu cũng rất cần thiết để đánh giá toàn trạng của bệnh nhân và cũng chính là căn cứ để xem cách thức dùng thuốc như thế nào cho phù hợp ở từng bệnh nhân.

- Sau quá trình thăm khám đánh giá các yếu tố nguy cơ, biểu hiện bệnh, các bệnh đi kèm bác sĩ sẽ thảo luận với bệnh nhân cách thức điều trị phù hợp: từ điều trị không dùng thuốc, loại bỏ các yếu tố nguy cơ thay đổi được, luyện tập thể dục, đeo vớ áp lực đến cách sử dụng thuốc trợ tĩnh mạch. Các bệnh nhân có biểu hiện bệnh nặng hơn mức độ C2, hoặc đã điều trị các biện pháp mà chưa đạt được hiệu quả điều trị sẽ cân nhắc để loại bỏ vùng tĩnh mạch bị bệnh bằng can thiệp hoặc phẫu thuật.

- Về biểu hiện bệnh như mô tả của bạn cũng có khả năng bạn bị suy giãn tĩnh mạch nhưng chưa đủ các dữ liệu để bác sĩ đưa ra lời khuyên và liệu trình điều trị cụ thể cho bạn. Bạn nên sắp xếp thời gian để thăm khám tại các cơ sở y tế có các bác sĩ chuyên khoa về mạch máu để đánh giá đầy đủ hơn trước khi chọn cách thức điều trị phù hợp với mình.

- Bạn cũng cần lưu ý sử dụng thuốc theo lời khuyên của bác sĩ và thăm khám đúng hẹn để bác sĩ biết được hiệu quả của biện pháp điều trị và các tác dụng phụ không mong muốn để điều chỉnh kịp thời nhé!

Ths-BS Đỗ Trung Dũng,

Chuyên khoa Phẫu thuật Tim Mạch - lồng ngực, Bệnh viện đại học Y dược Shing Mark

 

 

Tin xem nhiều