Báo Đồng Nai điện tử
En

"Lòng chảo" vươn mình (Bài 4)

10:05, 04/05/2014

Cách trung tâm thủ đô Hà Nội 450km về phía Tây Bắc, TP.Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) nằm ngay tại chiến trường "lòng chảo" Điện Biên năm xưa với những địa danh đã đi vào lịch sử, như: đồi Him Lam, A1, D1, hầm tướng De Castries… trong lòng thành phố.

Cách trung tâm thủ đô Hà Nội 450km về phía Tây Bắc, TP.Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) nằm ngay tại chiến trường “lòng chảo” Điện Biên năm xưa với những địa danh đã đi vào lịch sử, như: đồi Him Lam, A1, D1, hầm tướng De Castries… trong lòng thành phố.

Một buổi chiều oi bức của những ngày cuối tháng 4, chúng tôi có mặt trên đỉnh đồi D1, nơi đặt tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ và cũng là điểm cao nhất trong “lòng chảo” này.

* 60 năm và những đổi thay

Đi cùng chúng tôi có ông Nguyễn Hữu Chấp (85 tuổi, ngụ phường Him Lam, TP.Điện Biên Phủ). Nheo nheo đôi mắt qua cặp kính lão dày cộm, ông chỉ cho chúng tôi xem những vị trí then chốt của chiến trường năm xưa, nay đã trở thành những khu dân cư mới, những cánh đồng bạt ngàn, những công trình dần được hoàn thiện.

Thành phố Điện Biên Phủ trong ánh nắng chiều nhìn từ đồi D1.
Thành phố Điện Biên Phủ trong ánh nắng chiều nhìn từ đồi D1.

“Tôi sống ở đất Điện Biên cũng được 55 năm rồi, nơi này gọi là “lòng chảo” vì đây là thung lũng, bốn bề xung quanh được núi bao bọc, gió thổi khô khốc đến rợn người. Ngày xưa, sau Chiến dịch Điện Biên Phủ nơi này hoang tàn, xơ xác, chúng tôi đi từ đầu bên này thành phố đến đầu bên kia, chỉ cách có vài km nhưng đi mất mấy ngày vì phải vòng lên núi. Không ai dám đặt chân xuống “lòng chảo” do sợ đạn pháo, bom mìn còn sót lại. Nhưng bây giờ thì có ai còn nhận ra đây là chiến trường năm xưa nữa đâu. Điện Biên Phủ bây giờ đã là thành phố du lịch, thu hút du khách từ mọi nơi” - ông Chấp tự hào chỉ cho chúng tôi thấy những đoàn khách tham quan đang ngắm nhìn thành phố từ điểm cao đồi D1.

Ông Nguyễn Vân Chương, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Điện Biện, cho biết thêm trong 10 năm vừa qua tỉnh Điện Biên đã đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng để phục vụ sản xuất, dịch vụ, nhất là chú trọng đến khai thác tiềm năng du lịch ở các di tích lịch sử. Tuy nhiên, khó khăn hiện tại của tỉnh Điện Biên chính là đường giao thông ở các bản dân tộc vùng sâu, vùng xa còn rất hạn chế, nhiều nơi phương tiện cơ giới chưa thể vào được. Sắp tới, tỉnh Điện Biên sẽ đầu tư nâng cấp đường giao thông ở một số xã bản, đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện nông thôn mới ở các xã gần TP.Điện Biên Phủ.

Các di tích hầm tướng De Castries, Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ của quân đội ta ở Mường Phăng, Nghĩa trang liệt sĩ Độc Lập, Nghĩa trang liệt sĩ đồi A1… đã được thành phố sửa sang và bảo tồn kỹ lưỡng để đón các đoàn du khách đến tham quan. Riêng ở Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng dịp này mỗi ngày đón trên 2 ngàn lượt khách tham quan, phần nhiều trong số đó là các đoàn cựu chiến binh, đoàn viên thanh niên, du khách nước ngoài.

Là tỉnh biên giới còn gặp nhiều khó khăn, vết thương chiến tranh của 60 năm trước vẫn còn âm ỉ trong lòng những người dân nơi đây, nhưng đó lại chính là động lực để người Điện Biên vươn lên mạnh mẽ như hôm nay. Ông Lò Văn Hào (70 tuổi, người dân tộc Thái, ngụ bản Mển, huyện Điện Biên) tâm sự với chúng tôi: “Tôi lớn lên và chứng kiến đổi thay của bản làng, từ một nơi hẻo lánh đến một địa điểm du lịch văn hóa chỉ cách trung tâm thành phố vài km”.[links(right)]

Ông Lò Văn Hào đưa chúng tôi đến xem một nhóm phụ nữ người Thái đang chuẩn bị các món ăn của dân tộc để đón một đoàn khách du lịch sắp đến. Ông nói: “Người Thái chúng tôi ở đây chỉ cách chiến trường ngày xưa có vài km, lúc quân Pháp nhảy dù xuống đây, chúng tôi phải bỏ bản bỏ làng chạy lên rừng sinh sống. Sau khi quân Pháp bị đánh bại, chúng tôi mới dám quay về. Ngày trước, bản này nghèo lắm, sau này được chính quyền xây dựng thành điểm du lịch văn hóa dân tộc thì chúng tôi có điều kiện sống tốt hơn. Tháng nào chúng tôi cũng đón vài đoàn khách du lịch từ dưới xuôi lên hoặc khách nước ngoài đến múa hát cùng bà con. Bản Mển bây giờ cũng có tiếng lắm đấy. Người Thái bây giờ biết làm du lịch, biết dệt thổ cẩm bán cho người dưới xuôi. Người Thái không còn lo thiếu ăn thiếu mặc như ngày trước nữa đâu”.  

* Hướng đến tương lai

Tỉnh Điện Biên được thành lập ngày 26-11-2003 trên cơ sở phân tách tỉnh Lai Châu thành 2 tỉnh Điện Biên và Lai Châu. Tỉnh có tổng diện tích 9.500km2, gồm: 8 huyện, 1 thành phố và 1 thị xã, có đường biên giới giáp cả 2 nước Lào và Trung Quốc ở huyện Mường Nhé.

Hơn 10 năm kể từ khi thành lập, đời sống kinh tế, văn hóa của người Điện Biên đã không ngừng được đảm bảo và tăng lên. Do đặc thù là tỉnh miền núi nên sản xuất nông, lâm nghiệp được chú trọng, số lượng trâu bò cũng gia tăng theo từng năm. Riêng năm 2013, toàn tỉnh Điện Biên đã trồng được 514 hécta rừng sản xuất, khoanh nuôi rừng tái sinh được 14 ngàn hécta, tỷ lệ phủ rừng đạt 41,19%.

Phóng viên Báo Đồng Nai tìm hiểu về đời sống người dân ở bản Mển, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.
Phóng viên Báo Đồng Nai tìm hiểu về đời sống người dân ở bản Mển, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.

Theo ông Nguyễn Vân Chương, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Điện Biên, hướng phát triển của tỉnh Điện Biên vẫn tập trung chủ yếu vào nông nghiệp. Hiện nay, tỉnh tập trung đầu tư vào cây lương thực, cây công nghiệp và cây ăn quả đặc thù của địa phương. Một số bản làng tập trung phát triển du lịch văn hóa “homestay”, một số khác tiếp tục làm nông nghiệp và phát triển tiểu thủ công nghiệp gắn với bản sắc văn hóa của dân tộc.

Năm 2013 vừa qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của Điện Biên hàng năm đạt 8%, thu nhập bình quân đầu người lên trên 20 triệu đồng (tăng 17,25% so với năm 2012). Về công nghiệp, tỉnh Điện Biên chủ yếu phát triển các ngành công nghiệp sản xuất xi măng, khai thác đá… với giá trị sản xuất công nghiệp năm vừa qua là 780 ngàn tỷ đồng, tăng 10,47% so với năm 2012.

“Điện Biên chúng tôi không có nhiều khu công nghiệp như các tỉnh đồng bằng, nhưng chúng tôi tự hào có nguồn tài nguyên rừng được trồng mới liên tục. Dự kiến năm 2014, chúng tôi sẽ trồng mới 510 hécta, khoanh nuôi rừng tái sinh 15 ngàn hécta. Chúng tôi có đất, chúng tôi trồng rừng, chúng tôi sẽ phủ xanh cả vùng biên cương Tổ quốc này, các anh nhất định phải quay lại với Điện Biên để ngắm nhìn màu xanh của rừng” - ông Nguyễn Vân Chương tự hào về dự định sắp tới của tỉnh Điện Biên.

Đăng Tùng

 

 

Tin xem nhiều